Trong cuộc đời, chẳng ai có thể thoát khỏi sự ám ảnh về những hoài niệm cũ kĩ đã qua của một thời xa vắng. Và có lẽ đời người cũng như một chuyến tàu tốc hành, luôn có những điểm dừng chân sau mỗi chặng đường dài đầy mệt mỏi. Để mỗi người có thể dành ra cho riêng mình một khoảng thời gian vừa đủ dể chiêm nghiệm và lưu giữ những gì đẹp nhất trong cuộc hành trình ấy. Thế nhưng, điều làm tôi ám ảnh nhất không phải là hình ảnh của con tàu đang từng chặng đưa tôi đến với miền đất hứa đầy mộng ước, mà chính là hình ảnh của những lữ khách đang đứng cùng tôi trên chuyến tàu đến tương lai này. Những lữ khách ấy là những người bạn đã gắn bó với tôi trong cuộc hành trình dài trong suốt ba năm qua. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua biết bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Để rồi đây, khi sắp phải rời xa con tàu mang tên Nguyễn Tất Thành yêu dấu, trong lòng ai cũng có một cảm giác gì đấy lâng lâng, hụt hẫng và đầy tiếc nuối. Đã có lúc tôi tự hỏi, tại sao thời gian lại trôi đi nhanh vậy? Thời gian không biết đứng im chờ đợi hay sao? Mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa với khoảng không đang chảy trôi mãnh liệt. Cứ ngỡ rằng nó sẽ phủ mờ đi bao kỷ niệm của chúng tôi cùng những bạn bè, thầy cô nơi mái trường cấp III đầy mến yêu vào dĩ vãng. Nhưng không! Quãng thời gian ba năm qua cũng quá đủ để tôi khắc sâu tất cả vào tiềm thức. Và mãi mãi lưu giữ nó như một kỉ vật vô giá của đời học sinh…


Bỗng một lúc nào đó, tôi chợt nhớ lại cái giây phút tôi bước chân qua cánh cổng trường đang rộng mở ấy. Tôi cảm giác mình như một đứa trẻ chập chững những bước đi đầu tiên đầy bỡ ngỡ. Mọi thứ hiện ra trước mắt tôi đều quá xa lạ. Tôi chẳng quen biết ai, chẳng biết lớp học mới của mình ở đâu và như thế nào. Tôi chỉ biết rằng tôi sẽ là một thành viên của gia đình D4 và đại gia đình Nguyễn Tất Thành mà thôi. Những ngày đầu đi học, tôi thực sự cảm thấy buồn và thất vọng. Mọi người trong lớp đều quen nhau từ trước do cùng học cấp II. Tôi như bị lạc giữa cái không gian rộng lớn ấy. Nhưng điều may mắn đã đến với tôi khi cô giáo chủ nhiệm lớp sắp xếp chỗ ngồi một cánh ngẫu nhiên. Và cuối cùng tôi tìm được cho mình người bạn đầu tiên trong lớp. Thi giữa kì xong, nhà trường đã tổ chức cho chúng tôi đi học kĩ năng sống 2 ngày trên Sóc Sơn. Và nhờ có chuyến đi này mà lớp tôi trở nên gần gũi và thân thiết nhau hơn. Chúng tôi cùng nhau đốt lửa trại, cùng nhau ca hát và chơi những trò chơi mang tính đồng đội. Lúc này, chúng tôi thực sự là một gia đình hạnh phúc và đoàn kết!


Chẳng có cuốn nhật kí nào mà tất cả các trang đều là những kỉ niệm vui. Và lớp tôi cũng vậy. Mỗi người một tính cánh khác nhau. Đôi lúc cũng xảy ra cãi vã và xích mích nhỏ. Nhưng chẳng phải trong hội họa, những gam màu nóng và lạnh thường đối nghịch, nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo thành bức tranh tổng kết hài hòa và cá tính đấy sao? Mỗi người một màu sắc riêng biệt nhưng sẽ là những mảnh ghép hoàn hảo và hoàn thiện.


Chẳng nhớ đã bao lần cùng các bạn ngồi dưới gốc cây nơi sân trường vắng lặng để ôn thi, để lo lắng những điều vu vơ. Chẳng nhớ đã bao nhiêu lần cùng bạn bè đùa vui dưới vòm trời mây trắng ấy! Mai này khi ra trường liệu còn ai nhớ về khoảng không gian và thời gian đầy kỉ niệm ấy nữa không? Chẳng biết có còn một lần được nắm tay nhau xuống cầu thang ra về sau mỗi giờ học. Tôi lo sợ về tương lai sắp tới. Tôi cũng sợ rằng mình không thể tự bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Nhưng khi nhớ đến lời động viên, những câu chữ, bài giảng của thầy cô còn vang vọng đâu đây, tôi lại không cho phép mình được bỏ cuộc. Người ta nói, nghề giáo là nghề chèo đò đưa học sinh qua sông. Nhưng người lái đò ấy không chỉ là người dạy chúng tôi những bài học trong sách vở mà còn dạy cả những bài học cuộc sống cần phải có. Người lái đò ấy cũng là một người nghệ sĩ thực thụ. Một người nghệ sĩ suốt đời yêu nghề, yêu cái công việc “đưa người qua sông” mà không chút mệt mỏi.


Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến một bài hát và lẩm nhẩm hát một mình như hồi còn học cấp I. “ Bụi phấn” đã in dấu một thời đứng trên bục giảng của một nhà giáo. Chính bụi phấn trắng ấy đã dẫn đường đi cho từng lứa học sinh trong quãng thời gian được ngồi trên băng ghế nhà trường. Nhưng nó đã cướp đi mái tóc xanh của người thầy suốt một đời vì học trò:

Khi thầy viết bảng
Bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào
Rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào
Rơi trên tóc thầy…”

Có lẽ suốt cuộc đời này, chẳng một ai có thể quên được công ơn của những người thầy, người cô ấy. Từng lớp học sinh phải chăng đã gửi lời cảm ơn của mình đến các thầy cô qua những câu hát đầy chất giản dị nhưng sâu lắng và đầy tình yêu thương:

“Mai sau lớn lên rồi
Làm sao có thể nào quên?
Công ơn thầy dạy dỗ
Cho em bài học hay…”

Mùa thu ngày ấy và bây giờ là hai mùa thu với cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu lúc trước, đấy là mùa thu của sự hân hoan trong niềm vui khai trường đầu tiên của cấp III. Thì mùa thu nay lại là mùa thu cuối cùng của đời học sinh. Lòng người cứ lặng lẽ theo từng tiếng thơ âm vang từ quá khứ. Để rồi tôi chợt giật mìnhvà quay về với hiện tại sau tiếng trống tan trường hôm ấy. Mọi thứ trở nên cũ kĩ và đượm buồn. Như thường ngày tôi lại chạy ra cửa lớp khoác vai cô bạn thân nhất bước xuống những bậc cầu thang lát đá thân quen và ra về cùng với những câu chuyện vụn vặt, những tâm sự đời thường của người học sinh.


Cũng đến lúc mỗi người chúng ta phải đứng lên và đi tiếp trên con đường hướng tới tương lai mà mình đã chọn. Nhưng không phải trên con tàu hoài niệm ấy nữa, mà bằng chính đôi chân và những bài học đã nhận được trong suốt những tháng ngày ngồi trên băng ghế nhà trường. Hy vọng rằng sau này gặp lại nhau, tất cả sẽ nở nụ cười hạnh phúc và hãy luôn nhớ rằng: D4 sẽ mãi là một gia đình nhỏ trong đại gia đình Nguyễn Tất Thành. Hãy để một khoảng nhỏ trong trái tim để cất giấu những kỉ niệm về thầy cô, mái trường và bạn bè nơi đây bạn nhé!

Trịnh Thu Hương – 12D4