Tại Việt Nam, theo thống kê, có hơn 370.000 trẻ em gặp phải các tai nạn thương tích như đuối nước, điện giật, ngạt thở,... Những con số “biết nói” này không chỉ là lời cảnh báo mà còn phản ánh nỗi đau và mất mát sâu sắc đối với các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chính vì vậy, việc trang bị cho trẻ em những kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích là vô cùng cần thiết, giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ bản thân thay vì chỉ phụ thuộc vào sự trợ giúp từ người khác. Nhận thức được tầm quan trọng đó, vào Chủ nhật (ngày 11/05/2025) vừa qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục An toàn Việt Nam tổ chức buổi tập huấn thực hành kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích dành cho học sinh khối 6 và khối 7.
Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục An toàn Việt Nam tổ chức buổi tập huấn thực hành kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh khối 6 và khối 7
Huấn luyện viên của Viện Khoa học Giáo dục An toàn Việt Nam đã mang đến màn biểu diễn võ thuật, thể hiện sức mạnh và quyết tâm trong việc bảo vệ chính mình
Hướng tới một cuộc sống an toàn và lành mạnh, học sinh khối 6 và khối 7 được trang bị một số những kĩ năng bổ ích như: phòng chống tai nạn đuối nước, phòng chống và thoát hiểm khi hoả hoạn và sơ cấp cứu khi trong tình huống nguy cấp. Để giúp các NTT-ers nâng cao nhận thức, có khả năng xử lí các tình huống thực tế một cách hiệu quả nhất, chuyên gia Đinh Văn Hưng - Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục An toàn Việt Nam đã vừa chia sẻ kiến thức lí thuyết, vừa thực hành trực quan.
Chuyên gia Đinh Văn Hưng giảng dạy lí thuyết cơ bản về những kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích
Cụ thể, học sinh đã được các chuyên gia hướng dẫn những kĩ năng sinh tồn thiết yếu như: cách thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn trong nhà, kĩ thuật nổi và giữ bình tĩnh khi rơi vào tình huống đuối nước. Buổi tập huấn được thiết kế dưới hình thức mô phỏng tình huống thực tế, tạo điều kiện để các em trực tiếp trải nghiệm và thực hành. Trong một tình huống giả định, học sinh được đưa vào lớp học, sau đó một vụ cháy xảy ra. Tại đây, học sinh được chỉ dẫn cách tránh ngạt khói, sử dụng các vật dụng như chăn để vượt qua cửa đang cháy và thực hiện các bước cần thiết để thoát hiểm an toàn.
Các chuyên gia hướng dẫn khi xảy ra cháy cần phải trùm chăn ướt để vượt qua ngọn lửa, nếu bị lửa cháy lên quần áo thì cần phải nằm xuống, tay ôm mắt mũi mà lăn liên tục đến khi nào ngọn lửa dập tắt mới thôi
Học sinh không chỉ được hướng dẫn qua những hành động cụ thể, chi tiết mà còn được khích lệ tinh thần, qua đó giúp các em mang trong mình tâm lí vững vàng, bình tĩnh và dũng cảm khi đối mặt với trường hợp khẩn cấp.
Hoạt động thực hành dùng bình cứu hoả chữa cháy hay hô hấp người bị ngất nhận được sự tham gia hào hứng của các NTT-ers
Bên cạnh đó, việc trang bị kĩ năng sơ cấp cứu và kĩ năng tự nổi trên mặt nước là vô cùng cần thiết đối với học sinh. Trong các tình huống khẩn cấp, từng hành động, phản ứng kịp thời của người sơ cứu có thể quyết định trực tiếp đến sự sống còn của nạn nhân. Chính vì vậy, buổi tập huấn không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức lí thuyết, mà còn tạo điều kiện cho học sinh thực hành trực tiếp các kĩ năng sơ cấp cứu và tự nổi trên mặt nước. Qua đó, học sinh nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và khả năng ứng phó an toàn khi gặp phải những tình huống rủi ro bất ngờ.
Học sinh sôi nổi, tích cực tham gia trả lời các câu hỏi bổ ích, xoay quanh buổi tập huấn phòng chống tai nạn thương tích
Tham gia buổi tập huấn, học sinh Phạm Phương Thảo (lớp 6A7) chia sẻ: “Sau buổi tập huấn phòng chống tai nạn thương tích, em cảm thấy mình đã học thêm được nhiều kiến thức bổ ích, góp phần nâng cao kĩ năng ứng phó trong các tình huống khẩn cấp. Em đã biết cách thoát khỏi đám cháy một cách an toàn, cách sử dụng bình cứu hỏa đúng cách, cũng như học được kĩ thuật tự nổi trên mặt nước để bảo vệ bản thân khi bị đuối nước. Những bài học này thực sự rất ý nghĩa và thiết thực. Em hi vọng trong năm học tới sẽ tiếp tục được tham gia chương trình bổ ích này.”
Có thể nói, buổi tập huấn là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, giúp rèn luyện kĩ năng xử lí các tình huống cơ bản nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa các trường hợp nguy hiểm, đảm bảo an toàn trường học, hướng đến xây dựng ngôi trường hạnh phúc.
Bài viết: Ngô Thị Thảo (10A1)
Ảnh: Nguyễn Thuỳ Chi (11A1)