Hiện nay, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi trẻ vị thành niên đang ngày càng gia tăng và dần trở thành mối nguy hại đáng lo bởi những áp lực, kì vọng, gánh nặng hay bất kì yếu tố bên ngoài nào gây hại đến tinh thần từ phía người thân, bạn bè và xã hội. Nhận thức được tình trạng đó, Phòng Tâm lí học đường (TLHĐ) của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chương trình “Ba lô hạnh phúc” cho học sinh khối 6 và 7 nhằm trang bị thêm các kiến thức, kĩ năng để học sinh nuôi dưỡng đời sống tinh thần lành mạnh.

Theo Báo cáo Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam cho thấy, khoảng 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi. Vì vậy, trong tháng hè vừa qua, phòng TLHĐ đã tổ chức chương trình “Ba lô hạnh phúc” kéo dài năm buổi vào thứ Ba, Tư, Năm, Sáu hàng tuần. Đây là cơ hội bổ ích để học sinh trải nghiệm và nâng cao nhận thức về khái niệm “hạnh phúc” qua những hoạt động thú vị và ý nghĩa. Từ đó, mỗi học sinh hiểu và quản lí cảm xúc của bản thân; thấu cảm và giao tiếp hiệu quả với người khác; đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm.

Hoạt động mở đầu Phá băng “Lời chào” giúp học sinh tự tin giới thiệu bản thân, góp phần tạo nên bầu không khí sôi nổi

Trong trò chơi “Bí mật của hạnh phúc”, cô Minh Hằng (Phòng TLHĐ) giới thiệu mười chìa khóa giúp cuộc sống hạnh phúc hơn (do Tổ chức Action for Happiness đưa ra)

Học sinh dành thời gian suy ngẫm về các khía cạnh của cuộc sống, xác định những vấn đề mà bản thân muốn ưu tiên để cải thiện trong thời gian tới

Học sinh thiết kế sản phẩm trình bày các chiến lược chăm sóc bản thân để xây dựng một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc

Các nhóm tích cực thuyết trình về ý nghĩa, cách thực hiện, những khó khăn khi thực hiện và biện pháp học tập, giải trí và sinh hoạt lành mạnh

Có thể nói, tinh thần khỏe mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng với mỗi người. Vì vậy, chương trình đã giúp học sinh tự trang bị một chiếc “ba lô” niềm vui và hạnh phúc trong môi trường giáo dục và cuộc sống. Qua đó, học sinh thêm trân trọng những gì mình đang có, yêu đời và sống có ý nghĩa, trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh.

Bài viết: Phạm Huyền Trang (7A4)

Ảnh: Vũ Khánh Linh (7A5)