Đã qua rồi cái thời mỗi mùa Tết đến là sự mong mỏi trong lòng những đứa trẻ để được ăn bánh kẹo, để có cơm no thịt đầy, để được nghe tiếng pháo đì đùng vui tai. Thế nhưng nếu đã từng sống qua những năm tháng ấy, đi qua những mùa Tết nghèo khổ và thiếu thốn, không ai có thể quên vị tuổi thơ...

Tôi không nhớ khi nào, có lẽ là những buổi tối hồi còn nhỏ, nằm trong lòng bố, tôi đã được nghe ông kể về cái Tết xưa, thời còn bao cấp.


Nhớ đến cái Tết của những ngày bé dại, bố kể tôi nghe về phiên chợ chiều cuối năm, có một cậu bé được mẹ dắt tay đi qua những gánh hàng hoa đào, cành quất, chọn một cây cho nhà thêm vị “Tết”, kể về những hàng mứt lúc nào cũng đông nườm nượp người, cũng luẩn quẩn đâu đây kí ức về gian hàng rượu chanh, rượu cam thơm nồng. Bố kể về cả ông đồ già hay ngồi góc phố với mực Tàu giấy đỏ bày xung quanh, nào chữ “phúc”, nào chữ “tài”, có cả chữ “lộc”,… khác với bọn trẻ con mê quầy pháo sáng, bố tôi nói ông mê mấy chữ này hơn, cứ sát lại mà nhìn. Nhìn ngẩn nhìn ngơ rồi được bà dắt tay ra về…


Bố kể tôi nghe về những ngày tháng đói nghèo khi thịt còn là điều gì đó vô cùng xa xỉ, kể về hình ảnh cả làng mổ con lợn béo mỗi mùa Tết đến, kể về một tuổi thơ phải đợi cả năm mới được ăn một bữa cơm đủ đầy, tạc lại hình bóng một đứa trẻ năm nào không kìm nổi háo hức mong chờ mà cứ nhìn chằm chằm vào nồi thịt luộc mãi không thôi.

Không giống bố, tôi chưa từng cùng ai ngồi bên nồi bánh chưng đến sáng. Ông kể rằng, khi ấy, các bác cùng bố sẽ vùi những củ khoai sâu trong đống tro bên dưới ngọn lửa bập bùng, nếm vị mật tràn đầy của quê hương trong khi hít hà hơi nóng bên bếp lửa. Ông cũng kể về cái vị đêm giao thừa, khi lũ trẻ trong khu rủ nhau đốt pháo, đì đùng nghe thật vui tai. Bố nói âm thanh chào đón năm mới đầy vui mừng của lòng người ấy là thứ âm thanh duy nhất trong tuổi thơ ông khi nhớ về vị Tết, là thứ âm thanh nằm lại mãi bên bầu trời quê trong suốt những ngày bé thơ. Ông nói Tết xưa giản đơn mà lại ấm áp lắm, con người cũng vẫn cứ lạc quan mà vượt lên trên cái nghèo của cuộc sống.


Và có lẽ, Tết – linh hồn mỗi mùa xuân của người Việt, sẽ mãi mãi mang giá trị tinh thần bất diệt như nó vốn có. Sẽ là những mùa xuân ấm áp hơn thay vì cái buốt lạnh như Tết đã từng, sẽ là một bàn món ăn đủ đầy hơn là những năm tháng cả làng cùng chung nhau mổ lợn, cũng sẽ là những chương trình Tết đầy giá trị tinh thần thay vì những quả pháo sáng đì đùng vui tai. Tết cũng vì vậy mà ấm no hơn, con người cũng vì vậy mà quan tâm hơn đến tình cảm gia đình, quan tâm hơn đến mọi người xung quanh. Ta trân trọng Tết xưa ta từng trải qua, và đón nhận Tết nay với nụ cười rạng rỡ cùng niềm vui bất tận mỗi mùa xuân về.

Bài viết: Đặng Quỳnh Chi (10D2)

Ảnh: Sưu tầm