“Thì ra ba năm cấp 3, cái đổi lại được chỉ là một mùa hạ không có cách nào quay lại ấy”. Mùa hạ đó là những ngày mưa rào tưởng như chẳng thể ngừng rơi, là những ngày nắng rải vàng óng khiến ta ngẩn ngơ ngắm nhìn để rồi thả trôi hồn mình với bầu trời xanh biếc, là những ngày mà tâm trạng còn thay đổi “chóng mặt” hơn cả thời tiết và là những tháng năm ta không còn trẻ con nhưng cũng chưa thành người lớn - ở cái ngưỡng lưng chừng của đời người. Ngày hạ ấy dẫu khó khăn nhưng lại là khoảng thời gian rực rỡ nhất, bởi đó là khi ta phải tự học cách lớn lên, tự thay đổi chính mình.
Chuyến tàu thanh xuân của tôi vào một ngày đầu hạ hơn năm trước đã dừng lại tại sân ga mang tên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Thú thực mà nói, ban đầu tôi cũng đầy hào hứng, đầy mong đợi vào một cấp 3 đẹp tựa câu chuyện đẹp tuổi thiếu niên với những người bạn luôn kề vai sát cánh trong mọi hoàn cảnh, với thành tích học tập hoàn hảo và một cuộc sống tràn ngập niềm vui. Tuy nhiên, thực tại đâu phải là mơ, thậm chí nó còn thật phũ phàng để khiến ta tỉnh giấc mộng đời màu hồng ấy.
Cấp 3 của tôi bắt đầu bằng chuyến đi quân sự một tuần tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)
Vốn là người nhút nhát và không giỏi giao tiếp, những năm tháng cấp 2 của tôi cả thế giới chỉ xoay quanh một nhóm bạn nhỏ với những người luôn thấu hiểu và ở bên tôi những lúc khó khăn. Cũng bởi lẽ đó mà tôi ngày càng thu mình trong vòng tròn an toàn của riêng mình và hạnh phúc với không gian nhỏ ấy. Tuy nhiên lên cấp 3, mọi thứ lại khác, nhất là giai đoạn ban đầu khi mọi người tìm hiểu và kết bạn với nhau. Có lẽ, tôi đã có một khoảng thời gian quân sự tương đối khó khăn khi không biết làm thế nào để bắt chuyện với những người bạn mới, không biết đi cùng ai trong những giờ giải lao, không thể mở lời để mượn bạn dù chỉ là một chút bột giặt quần áo. Tôi không quen với việc chủ động làm quen bạn mới, cũng chưa từng phải cố gắng để tham gia vào những cuộc trò chuyện và vì thế, tôi luôn cảm thấy lạc lõng giữa tập thể lớp. Mỗi tối, tôi lại thu mình với chiếc điện thoại, gọi điện cho những người bạn thân cấp 2 để tìm về chút niềm vui cũ. Nhìn ai cũng vui vẻ, sôi nổi trò chuyện với nhau mà nước mắt tôi lại chực trào và một câu hỏi tôi chưa bao giờ phải nghĩ tới bỗng xuất hiện trong tâm trí: “Liệu mình có thể có bạn trong những năm tháng cấp 3 được hay không đây?” Và từ đó, tôi bắt đầu thấy câu nói: “Hãy trân trọng khoảng trời cấp 3 bởi nó là quãng thời gian đẹp nhất và đáng nhớ nhất đời người” thật vô nghĩa, phải là cấp 2 mới đúng.
Làm thế nào để tham gia vào những cuộc trò chuyện rôm rả đây?
Ôm ấp trong mình hình bóng của thời cấp 2 “hoàn hảo”, tôi cứ khăng khăng muốn có được “bạn thân” thay vì tìm cách bắt chuyện và tạo dựng mối quan hệ với tất cả mọi người. Tôi dần trở nên ít nói, thu tất cả những nỗi buồn vào lòng mình và từ từ gặm nhấm nó. Khoảng thời gian đầu cấp 3 ấy với tôi thật khó để thích nghi, thật khó để mở lòng chia sẻ với bất cứ ai bởi tôi luôn nghĩ có ai phải trải qua nỗi cô đơn như mình đâu mà đồng cảm. Không chỉ gặp khó khăn trong chuyện bạn bè, tôi còn có một kết quả tệ hại trong kì thi cuối kì khi xếp hạng chót trong lớp. Kết quả đó vừa làm thầy cô, bố mẹ thất vọng, vừa khiến tôi mất niềm tin vào chính mình, cho rằng bản thân là kẻ thất bại. Nỗi buồn, sự chán chường trong tôi cứ lớn dần lên và tôi như một chú ốc sên ngày qua ngày cuộn tròn mình trong lớp vỏ do chính bản thân tạo ra.
Nhưng có lẽ chính thời gian ở một mình và tự đối diện với lòng mình ấy, tôi đã chợt nhận ra một điều, cấp 3 là những tháng năm thật đẹp, thật rực rỡ - không chỉ ở những kỉ niệm mà nó còn là dấu mốc chứng kiến ta đổi thay trong suy nghĩ và hành động của chính mình. Hay nói cách khác, đó là quãng thời gian dẫu nhuốm màu cô đơn nhưng là thứ cô đơn ai cũng cần phải có để học cách thỏa hiệp với chính mình nhiều hơn, học cách tự giải quyết vấn đề để bước đến chuyến hành trình gian truân hơn mang tên “Trưởng thành”. Với tôi, những tháng ngày đầu cấp 3 với những vấp ngã tưởng như khó lòng vượt qua ấy đã dạy cho tôi một bài học rằng: Trong tất cả mọi thử thách ta gặp phải trong cuộc sống, chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề chính là suy nghĩ của chính bản thân ta. Chỉ khi ta thực lòng muốn thay đổi, thực lòng nhìn thẳng vào mấu chốt là do chính bản thân mình thì khi ấy, những lời khuyên nhủ của mọi người xung quanh mới có giá trị. Suy nghĩ, nhìn nhận theo chiều hướng khác thì tự khắc, mọi vấn đề đã trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều.
Thay đổi cách nhìn đồng nghĩa với việc thấy được nhiều hơn những cơ hội trước mắt
Trở về với câu chuyện thời gian đầu cấp 3 của tôi, khi đang loay hoay, chìm trong nỗi sợ không thể kết bạn với bất kì ai thì một người bạn hồi cấp 2 đã nói với tôi thế này: “Cậu đừng giữ trong mình cái suy nghĩ mình không thể mà hãy luôn nghĩ rằng mình có thể đi. Ngày mai hãy thử bắt chuyện với bạn cùng bàn xem sao, biết đâu đó lại là người cậu đang tìm kiếm”. Sau khi nghe lời khuyên ấy, tôi phủ nhận ngay lập tức những gì cậu bạn ấy vừa nói, cho rằng đó chỉ là những lời sáo rỗng để an ủi tôi thôi bởi cậu ấy đã trải qua chuyện này bao giờ đâu mà biết. Nhưng rồi bất chợt trong đầu tôi lại nghĩ: “Tại sao mình không thử là người chủ động bắt đầu những câu chuyện, nói ra thì cũng có mất gì đâu?” Và rồi dẫu còn ngại ngùng, dẫu trong đầu tôi lúc ấy là hai thái cực trái ngược nhau giữa “làm” và “không làm” đang đấu tranh thì tôi đã lần đầu tiên mở lời với một người bạn mình chưa từng quen biết, để rồi sau đó tôi có thêm nhiều “lần đầu tiên” như thế, khám phá ra những người có điểm chung với mình và gắn bó hơn với những người bạn chung lớp, chung trường. Quan niệm bạn bè của tôi cũng dần thay đổi, thay vì cả thế giới chỉ xoay quanh một vài người thì giờ đây nó như được mở rộng ra, thay vì chăm chú đi tìm một người bạn, tôi lại cố gắng kết bạn với nhiều người hơn bởi tôi tin rằng những điều thú vị, những niềm vui chỉ đến khi tôi dám bước ra khỏi vòng an toàn của chính mình.
Những điều thú vị, những niềm vui chỉ đến khi tôi dám bước ra khỏi vòng an toàn của chính mình
Chuyện điểm số cũng vậy. Mỗi chúng ta đang ở độ tuổi đi học thì nhiệm vụ quan trọng nhất phải là cố gắng tích lũy, tiếp thu thêm nhiều kiến thức và đạt kết quả học tập tốt. Tuy nhiên, điểm kém không có nghĩa là bạn thất bại và điểm cao cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với hai chữ “thành công”, đâu phải lúc nào điểm cũng như ý muốn của mình. Quan trọng là sau kết quả ấy, bạn rút ra được cho mình bài học gì mới là quan trọng. Vậy nên sau “cú ngã” từ kì thi học kì ấy, tôi dẫu có buồn, dẫu thất vọng về bản thân mình nhưng luôn tự nhủ lần sau mình phải thật cố gắng, chăm chú nghe giảng trên lớp hơn, phân bố thời gian học hợp lí hơn và không để bản thân sao nhãng chuyện học hành. Con đường học tập còn rất dài và bạn cũng còn nhiều cơ hội để sửa sai.
Đừng chỉ chìm trong thất vọng và sợ hãi, hãy lấy kết quả này làm động lực để ta tiếp tục tiến lên
Giờ đây, khi đã đi hết một nửa chặng đường của những năm tháng cấp 3, tôi mới hiểu tại sao người ta hay gán những từ “rực rỡ”, “đẹp đẽ”, “trân trọng” cho khoảng thời gian 3 năm ngắn ngủi này. Bởi đó là khi ta có những rung động đầu đời, rung động với một ánh nhìn, một khoảnh khắc, rung động trước tia nắng vàng ngọt trên sân trường. Đó là khi ta loay hoay với mớ tâm trạng hỗn độn của bản thân, là những giọt nước mắt rơi trong im lặng, là những lời động viên ấm áp và là cả những “lần đầu tiên” của mỗi chúng ta: lần đầu xa nhà đầy bỡ ngỡ, nhớ nhung; lần đầu dám lấy hết can đảm đi phỏng vấn câu lạc bộ; lần đầu bẽn lẽn làm quen các bạn cùng lớp; lần đầu được cháy hết mình trong Leviosa hay Engfes… Tất cả, tất cả đã làm nên một cuốn phim kỷ niệm đáng nhớ, một thời “thanh xuân đẹp đẽ đơn thuần.”
“Cấp 3 trôi qua nhanh lắm, hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên nhau, khi còn có thể”
Tôi vẫn còn một nửa hành trình cấp 3 ở trước mắt, vẫn còn những cơn bão giông đang chực chờ ập đến và cũng vẫn còn những ngày nắng đẹp, ngập tràn niềm vui đang đón đợi tôi. Tôi không biết mình sẽ vượt qua cơn bão ấy thế nào, có lẽ tôi vẫn lại thu mình một góc và ngồi khóc như một đứa trẻ. Nhưng tôi hiểu, khóc không thể giúp tôi giải quyết vấn đề, nó chỉ khiến lòng vơi nhẹ bớt nỗi buồn còn lí trí mới là thứ đưa qua đi giông bão. Tôi vẫn là tôi, một con người nhạy cảm, chợt vui rồi lại chợt rơi bẫng vào nỗi buồn, nhưng có lẽ tôi cũng đã khác, đã biết đối diện với những cơn đau rèn giũa chính mình. Tôi sẽ luôn sống hết mình, tràn đầy can đảm và nhiệt huyết để làm nên những tháng năm cấp ba rực rỡ của riêng mình.
Bài viết: Nguyễn Thị Thu Hường (11D1)
Ảnh: Sưu tầm