Đất nước Việt Nam của chúng ta đã từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đào của các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xuống để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, các thế hệ người Việt Nam luôn biết ơn, khắc sâu công lao to lớn như trời bể đó của lớp lớp thế hệ đi trước. Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 được ra đời từ truyền thống này, nhằm tưởng nhớ tới những người có công với đất nước.
Bác Hồ đi thăm các thương binh, bệnh binh
Ngay những ngày đầu sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền mới đã thành lập một tổ chức lấy tên là “Hội giúp binh sĩ tử nạn” ở một số địa phương, sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ngày 16/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác hỗ trợ thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam. Ngày 26/2/1947, Phòng thương binh đã được thành lập với mục đích chỉ đạo các hoạt động thương binh liệt sĩ. Tiếp đó, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ”.
Tượng đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9
Hoạt động thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7
Ngày thương binh liệt sĩ là một trong những ngày lễ kỉ niệm quan trọng tại Việt Nam. Ngày 27/7 hàng năm là một dịp quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thể hiện lòng quý trọng, sự biết ơn đối với những chiến sĩ hi sinh để bảo vệ đất nước; đồng thời phát huy tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Không chỉ vậy, ngày thương binh liệt sĩ còn khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của tất cả mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Sự hi sinh đó sẽ mãi được khắc ghi trong tâm khảm của các thế hệ người dân Việt Nam đến mãi muôn đời như những lời ca ngân vang:
“Quên thân mình một niềm tin trong phong ba
Tô thắm tươi thêm màu cờ
Giữ vững hòa bình dựng xây tương lai
Chân trời mới sáng ngời quân ta đi.”
(Tiến bước dưới quân kỳ - Doãn Nho)
Bài viết: Nguyễn Tân Tuấn Anh (10D1)
Ảnh: Sưu tầm