Từ trước đến nay, ta vẫn biết tới một Hà Nội diễm lệ với những tòa nhà chọc trời, trung tâm mua sắm sầm uất, những ánh đèn của đô thị phồn hoa, với xe hơi, cung đường cao tốc, những thức quà đặc sản, nhà hàng sang trọng... và cả tiếng rao đêm. Dường như tiếng rao đêm đã trở thành cái điệu riêng gắn liền với Hà Nội tự bao đời.

Ban ngày, phố thị là sự tập hợp của tiếng còi xe, tiếng người buôn kẻ bán, tiếng nhạc xập xình phát ra từ mấy cửa tiệm trên phố... Phải tới khi màn đêm chiếm trọn lấy bầu trời, hàng quán đã đóng cửa im lìm, chỉ còn lại những ánh đèn điện trải dài trên các tuyến đường lớn, thứ âm thanh ấy mới thật rõ ràng:“Bánh rán bánh mì bánh tiêu đây/Bánh rán bánh tiêu bánh mì nào”, “Xôi lạc, bánh khúc đây”, ”Bánh mì đặc ruột thơm ngon nóng giòn đây”...


Cuộc sống mưu sinh thêm phần vất vả trong ngày mưa gió

Những người bán hàng rong thường xuất hiện với chiếc xe đạp cà tàng, cũ kĩ. Đến chiếc nón lá cũng nát bươm, ngả vàng vì ngấm mưa và bụi, đôi dép cao su đã mòn gót theo năm tháng. Dù đang tiết đông cũng chỉ mỏng manh hai lớp áo, chẳng đủ để chống chịu với cái lạnh đang ùa về. Họ rong ruổi trên khắp các con đường vắng vẻ không một bóng người, đôi khi lại ẩn hiện trong màn sương. Nếu là ban ngày, thứ âm thanh ấy hoà trộn với hàng trăm thứ âm thanh hỗn tạp khác trên phố tạo nên sự nhộn nhịp, vồn vã thường nhật. Nhưng đến buổi đêm, tiếng rao khi ấy mới thật đặc biệt làm sao! Càng về khuya, phố xá càng trở nên tĩnh lặng. Bất giác, tôi nghe văng vẳng tiếng rao rệu rã vọng lại. Nó cứ chậm rãi, kéo dài, rêu rao qua từng con phố vắng, rải đều trên khắp các hang cùng ngõ hẻm. Âm thanh lảnh lót rồi nhỏ dần theo từng nhịp bánh xe, đến khi không còn nghe thấy nữa vẫn cứ vang vọng trong tâm trí. Những cơn gió mùa cuốn theo thanh âm đó rít qua từng căn nhà, từng ô cửa. Tiếng rao thấm đẫm cái rét mướt đến từng thớ da thớ thịt, đầu ngón tay tê lại, tím tái vì giá buốt nghe thật não nề. Đêm Hà Nội lại như dài ra, con đường nhựa dưới ánh đèn điện lập lòe hiện lên như con sông nước đen dài vô tận, sẵn sàng nuốt chửng bóng người nhỏ bé kia bất cứ lúc nào.


Một bóng người lẻ loi ẩn mình trong màn đêm tĩnh mịch

Hồi còn bé, tôi từng hỏi bà ngoại rằng tối muộn như vậy, bán đồ ăn làm gì có ai mua. Hoá ra đó chính là bữa ăn của những người làm ca đêm. Một vó xôi, một chiếc bánh bao chay chỉ dăm bảy đồng cũng đủ giúp họ lót dạ để làm tới tờ mờ sáng. Tiếng rao đôi khi còn hoà với tiếng chổi tre lào xào như những mảnh đời khốn khổ tìm thấy chung tiếng nói giữa thành phố chật hẹp và xô bồ.

Hà Nội phồn hoa đã trở thành nơi để người từ bốn phương đến, tìm kiếm hi vọng đổi đời cho cuộc sống mưu sinh vất vả. Những người lao động nghèo giữa đêm khuya thanh vắng, vẫn một thân một mình hi vọng sẽ có ai đó đi làm đêm đến mua một nắm xôi, một cái bánh. Vậy nên họ không còn cách nào khác ngoài làm lụng từ sáng hôm, ngược xuôi trên những con đường đông nghịt người, tới đêm lại đạp qua từng con phố heo hút để kiếm thêm dăm đồng bạc lẻ. Có những ông bố, bà mẹ ngày đêm gồng gánh cả một gia đình trên đôi vai gầy đi theo sương gió. Từ những gánh hàng rong ấy, đã có biết bao đứa trẻ được nuôi lớn, học hành đàng hoàng. Để rồi khi vươn xa, những đứa trẻ ấy sẽ bù đắp lại cho bao vất vả đắng cay mà cha mẹ đã nếm trải.


Chiếc xe bán quà đêm quen thuộc

Một tiếng rao rất đỗi bình dị nhưng đã thấm nhuần vào từng hơi thở của chốn kinh kì, thổn thức và khắc khoải. Cứ như vậy, Hà Nội luôn gợi cho ta cảm giác hoài niệm về những giá trị xưa cũ. Và cũng chỉ có Hà Nội mới nâng niu gìn giữ chúng trong thời kì hội nhập hoá, hiện đại hoá chóng mặt.


Người bán hàng vẫn cần mẫn giữa đêm

Nhưng khi xã hội tiến gần hơn với tiện nghi, hiện đại, tiếng rao đêm dần thưa thớt trên những con phố nhỏ lặng im. Dù vẫn có người cố bám vịn lấy gánh hàng rong cũng không thể tránh khỏi cơn đại hồng thuỷ mang tên COVID - 19, tiếng rao lại càng trở nên yếu ớt. Tôi từng băn khoăn tự hỏi liệu có phải thế hệ của tôi sẽ là thế hệ cuối cùng còn biết tới thứ âm thanh này. Tiếng rao tuy đã tồn tại suốt từ thời Lý, chứng kiến tất cả thăng trầm của thủ đô rồi cũng chấp nhận lùi lại trước sự khắc nghiệt của thời gian. Âm thanh ấy có biến mất hay vẫn sống lay lắt, chỉ thời gian mới có thể trả lời. Dẫu sao với những ai đã được đi qua và thưởng thức trọn vẹn cái tinh tế của tiếng rao mộc mạc chân phương sẽ vẫn mãi nhớ và mang theo như một “hành lí hư vô” suốt đời.

Bài viết: Nguyễn Anh Thư (10D5)

Ảnh: Sưu tầm