Nhà tù Hỏa Lò là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội. Nơi đây ghi dấu những vết tích về thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp đầy oai hùng, gian lao của dân tộc và là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên trung của những chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng một lòng vì Tổ quốc. Vào ngày 17/7/2024 vừa qua, tập thể lớp 9A3 Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã có một trải nghiệm đầy cảm xúc trong chương trình “Đêm Thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” tại nhà tù Hỏa Lò.
Chương trình bắt đầu vào lúc bảy giờ tối, kéo dài 120 phút với nhiều nội dung hấp dẫn, thú vị. Tuy điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng chúng tôi đã có một trải nghiệm ý nghĩa và xúc động nhất. Trước khi chương trình bắt đầu, chúng tôi được các hướng dẫn viên tận tình hướng dẫn cách đeo tai nghe, ổn định vị trí,... và thống nhất một số nguyên tắc để chương trình được diễn ra suôn sẻ.
Các bạn học sinh háo hức, mong chờ một buổi tối đầy hứa hẹn
Học sinh đeo tai nghe và điều chỉnh mức âm lượng phù hợp để chuẩn bị cho chương trình
Sau khi mọi người đã ổn định và hiểu rõ các hướng dẫn, chương trình “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” chính thức được bắt đầu. Đầu tiên, chúng tôi được dẫn đến cánh cổng chính của nhà tù Hỏa Lò. Năm 1931, cũng ngay trước cánh cổng này, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đã anh dũng hi sinh dưới lưỡi dao của máy chém khi còn chưa tròn 18 tuổi. Cả lớp được xem một hoạt cảnh ngắn về anh Nguyễn Hoàng Tôn tuy cận kề cái chết nhưng vẫn không chịu khuất phục trước những tên lính canh người Pháp tàn bạo. Hoạt cảnh được dàn dựng một cách chân thực, với diễn xuất nhập tâm và chuyên nghiệp của các diễn viên, cùng với đó là chất giọng mạnh mẽ, truyền cảm của thuyết minh viên. Như được sống lại trong khói lửa của một thời đấu tranh, ai cũng xúc động trước tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm của anh hùng Nguyễn Hoàng Tôn, phẫn nộ với tội ác của thực dân Pháp và vô cùng mến mộ, khâm phục tài năng của các diễn viên.
Hoạt cảnh về anh hùng Nguyễn Hoàng Tôn được tái hiện sinh động, chân thực
Được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nhà tù Hỏa Lò nổi tiếng với chế độ giam giữ vô nhân đạo, thường xuyên đàn áp, ngược đãi các tù nhân, đặc biệt là những người tù chính trị yêu nước. Khẩu phần ăn của các chiến sĩ trong tù vô cùng thiếu thốn, kham khổ, thường bao gồm: gạo có sâu mọt ăn vừa nhạt vừa đắng; thịt lợn sề, thịt trâu già dai như quai guốc; rau già luộc cũng dai và khó ăn;... Điều này đã dẫn đến một cuộc đấu tranh tuyệt thực nổ ra ngay trong nhà tù vào năm 1952, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Nguyễn Ngọc Kiền, Trần Hữu Thỏa,... Chúng tôi chăm chú dõi theo màn hoạt cảnh tái hiện lại một phần của cuộc tuyệt thực lúc bấy giờ. Cuộc chiến đấu diễn ra trong bảy ngày, các tù nhân chỉ ăn vài hạt cơm khô và uống nước để cầm sức. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, sức khỏe bị vắt kiệt do thức ăn quá ít, anh em vẫn không bỏ cuộc, quyết tâm đấu tranh đến cùng để chất lượng đời sống của tù nhân được cải thiện. Không chỉ ý chí chiến đấu mà tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, luôn nhường nhịn nhau từng hạt gạo, giọt nước của các đồng chí cũng thật đáng ngưỡng mộ! Sau cùng, địch đã phải nhượng bộ, đồng ý đáp ứng một số yêu cầu của tù nhân về chế độ ăn uống, thuốc men,... Qua phần tái hiện, chúng tôi đã cảm nhận được rõ hơn cuộc sống khắc nghiệt trong nhà tù, không khỏi đau xót trước sự ngược đãi dã man mà các chiến sĩ đã phải chịu đựng.
Các bạn chăm chú xem phần hoạt cảnh oai hùng về cuộc tuyệt thực
Cuộc sống túng thiếu, khổ cực là vậy nhưng tinh thần học tập của những con người yêu nước chưa bao giờ bị dập tắt. Khu phòng giam tập thể của các tù nhân nam chính là nơi mà “trường học cách mạng” được tổ chức và diễn ra sôi nổi. Bằng sự thông minh, linh hoạt của mình, các chiến sĩ đã sáng tạo ra nhiều cách ghi chép, trao đổi và cất giấu tài liệu. Trọng trách biên soạn tài liệu được đảm nhận bởi các đảng viên cốt cán như Ngô Gia Tự, Trường Chinh, Lê Duẩn,... Các tù nhân tận dụng mọi lúc, mọi nơi để bồi dưỡng vốn kiến thức của mình. Cứ như vậy, nhờ ngọn lửa nhiệt huyết rực cháy trong lòng mỗi người tù chính trị, hoạt động học tập và tuyên truyền trong lao tù được duy trì và diễn ra hết sức sôi nổi, tôi luyện cho tù nhân những lí tưởng, tình cảm cao đẹp, lòng yêu nước và khát khao giành lại nền độc lập. Sau khi hoạt cảnh về lớp học chính trị kết thúc, mỗi người chúng tôi không những cảm phục ý chí của các tù nhân mà còn như được tiếp thêm động lực để cố gắng, phấn đấu học hành để trở thành những người có ích cho đất nước.
Một phân cảnh tái hiện lại cách tù nhân cất giữ tài liệu học tập
Đến với những phần tiếp theo của chương trình, chúng tôi được tham quan ngục tối, phòng giam các tù nhân nữ, xà lim lạnh lẽo, tìm hiểu về cách các tù nhân chui cống vượt ngục và nhập vai làm những người tù chính trị, trực tiếp trải nghiệm những mối nguy hiểm khi vượt ngục bằng đường cống ngầm. Dù không nán lại ở các khu phòng giam quá lâu, nhưng lắng nghe thuyết minh viên tường thuật và miêu tả lại khung cảnh thời bấy giờ, chúng tôi phần nào đã cảm nhận được rõ rệt điều kiện sống tồi tệ, khốn cùng của những nữ tù nhân và tử tù. Ai cũng không khỏi rùng mình và căm phẫn trước những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra. Trải nghiệm vượt ngục bằng đường cống ngầm chỉ cao khoảng một mét cũng đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Bóng tối bao trùm, không gian chật hẹp với tiếng mưa rào ngoài trời đã khắc họa những mối hiểm nguy, nỗi sợ hãi và sau cùng là nghị lực, lòng dũng cảm, vượt lên mọi gian khó của các tù nhân vượt ngục thêm rõ nét trong lòng mỗi người. Tuy vậy, tất cả những điều trên cũng chỉ đủ để tái hiện lại một phần rất nhỏ so với hiện thực kinh hoàng mà những người từng bị giam giữ tại đây đã trải qua. Song, cũng từ đó mà chúng tôi hiểu rằng cần phải ghi nhớ, biết ơn và trân trọng công sức, xương máu mà các thế hệ đi trước đã bỏ ra để đánh đổi lấy tự do cho nước nhà.
Chương trình khép lại với hoạt cảnh về cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa anh hùng Nguyễn Đức Cảnh và mẹ. Đây cũng là hoạt cảnh xúc động, để lại vô vàn cảm xúc trong lòng khán giả nhất xuyên suốt chương trình. Chúng tôi được chứng kiến một bà mẹ tần tảo, nhẫn nhục trước tên lính canh để được vào thăm con nhưng không giấu nổi sự căm phẫn khi thấy con mình bị tra tấn dã man, một người anh hùng Nguyễn Đức Cảnh tuy biết cái chết cận kề nhưng trái tim vẫn luôn hướng về Tổ quốc, đồng bào, không giây phút nào hết lo lắng cho tình hình an nguy của đất nước. Anh hiên ngang đón nhận cái chết dưới lưỡi chém sắc lạnh khi chỉ mới 24 tuổi. Máu xương anh và những người đồng đội đã nằm lại dưới đất mẹ nhưng tuổi xuân của các anh sẽ trường tồn mãi với đất nước, tinh thần và ý chí các anh vẫn sẽ luôn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam.
Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự dẫn dắt của các hướng dẫn viên, thuyết minh viên và các diễn viên tài năng. Sau chuyến du hành thời gian kéo dài hai tiếng, ai cũng có cho mình những cảm nhận riêng. Nhưng chắc chắn rằng, chúng tôi đã hiểu thêm nhiều điều về lịch sử hào hùng và chói lọi của dân tộc, thấm thía công lao và sự hi sinh vĩ đại của cha anh đi trước, thêm trân trọng và biết ơn nền độc lập mà ta đang được hưởng thời đại ngày nay.
Một số dòng cảm nhận của các bạn sau trải nghiệm
Thực hiện: Ngô Hữu Minh Châu - 9A3(năm học 2024-2025)