Vào ngày chủ nhật (4/10/2012), câu lạc bộ cha mẹ học sinh khối 8 trường Nguyễn Tất Thành đã tổ chức một buổi gặp mặt giữa các phụ huynh để có được những hiểu biết thêm về vấn đề: Vai trò của mối quan hệ bạn đồng trang lứa.

Trong buổi gặp gỡ nói chuyện lần này, cô Nguyễn Ngọc Châu Vân được giao trọng trách làm MC. Với khuôn mặt khả ái và có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giáo dục con cái, cô Châu Vân đã dẫn dắt chương trình một cách thành công.

Mở đầu chương trình là bài nói chuyện của cô Tường Lan – một  giáo viên và cũng là một người mẹ có kinh nghiệm lâu năm đã chia sẻ cùng các bậc phụ huynh.


Vấn đề đầu tiên đã được đặt ra: Bạn đồng trang lứa là bạn như thế nào ? Cô Tường Lan đã nói “Bạn của “chúng nó” (đây là cách cô gọi những học sinh của mình một cách trìu mến) bây giờ phức tạp lắm! “Chúng nó” bây giờ không có cái khái niệm bạn đồng trang lứa là bạn có thể chơi được như chúng ta ngày xưa nữa, ta càng không thể áp đặt cái ngày xưa của chúng ta vào con trẻ bây giờ. Bây giờ “chúng nó” còn quen cả qua mạng , còn sử dụng máy tính thành thạo hơn chúng ta, rồi cả webcam, facebook,.... Nói chung là phải tìm cách mà hiểu xem : cái gọi là bạn đồng trang lứa của “chúng nó” là cái gì?”  Rồi cuối cùng, khái niệm đầu tiên về bạn đồng trang lứa đã được đưa ra.


Khái niệm về bạn đồng trang lứa

Trong suốt quá trình tìm hiểu về khái niệm của bạn đồng trang lứa, cô Tường Lan đã đem ra nhiều ví dụ về việc bạn của con cái mình, có những trường hợp tích cực và đôi khi có cả tiêu cực. Vì theo cô, “phạm vi bạn bè của con cái chúng ta bây giờ không chỉ là bạn cùng lớp, bạn cùng bàn hay cùng chơi chung một trò chơi như ngày xưa nữa, mà bạn cùng trang lứa bây giờ là cùng chơi qua mạng. Mà chơi qua mạng có nhiều cái phức tạp, ví dụ như một cô bé lớp 8 làm sao có thể đồng cảm với một ông chú 28 tuổi được? Nhưng xã hội bây giờ phát triển rồi nên ta đành phải theo để mà bảo vệ được con cái mình”. Rồi cô lại bắt đầu chia sẻ về quãng tuổi học trò đầy ngây thơ và trong sáng của hai đứa con, về cả những cung bậc cảm xúc mà “cần thiết có” chứ không phải “đổ đốn” của con mình như nhiều người đã lầm tưởng.

Và từ đó, vấn đề tiếp theo được đặt ra: Vậy ảnh hưởng của mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa là như thế nào? Sau những tranh cãi, những trao đổi nho nhỏ với nhau, các bậc phụ huynh đã đưa ra được hai mặt chính: là tiêu cực và tính cực. Vậy tiêu cực thì sẽ như thế nào còn tích cực thì sẽ ra sao?


Đây là những mặt tích cực


Còn đây là slide về mặt tiêu cực

Sau tất cả những ảnh hưởng trên, cô Tường Lan đã đưa ra một kết luận cuối cùng: mối quan hệ bạn đồng trang lứa tích cực trong thời đồng ấu gắn liền với sự thích nghi xã hội tích cực còn mối quan hệ xấu có thể dẫn tới bỏ học, phạm pháp và ảnh hưởng tới tuổi vị thành niên sau này. Vì vậy, cha mẹ cần phải những hiểu biết, để phát triển cho bản thân mình đầu tiên, rồi tiếp sau đó sẽ là giáo dục và nắn chỉnh hành vi cho con trẻ.

Ngay sau khi cô Tường Lan kết thúc bài nói chuyện của mình, cô giáo Mạnh Linh đến từ phòng tâm lí học đường trường Nguyễn Tất Thành đã cho mọi người xem một đoạn video nói về việc bạo lực học đường và đưa ra một trường hợp : nếu con của bạn là nạn nhân trong vụ bạo hành đó, sau một ngày đi học, cháu trở về nhà với đôi mắt đỏ hoe còn vương những tia sợ hãi, dáng đi run rẩy, loạng choạng, mái tóc bù xù, gương mặt đầy những vết thương còn quần áo thì rách nát, vậy bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó? Cả hội trường lặng đi sau khi xem xong đoạn clip, vài tiếng thở dài vang lên, vài người nhắm mắt suy nghĩ xem nếu đó là đứa con mình dứt ruột đẻ ra thì như thế nào? Rồi tiếp đó, những ý kiến được đưa ra, những giải pháp cũng như khúc mắc đều được cô Mạnh Linh gỡ rối, mọi người dường như cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Kết thúc chương trình, cô giáo Ngọc Châu Vân đã chia sẻ về hai đứa con của mình, về “quãng thời gian mới lớn” mà đứa con gái đầu của cô đã trải qua, cùng sự ngô nghê trong cách trả lời những câu hỏi của mẹ về tình bạn ở lớp của cậu con út.

Và “Một Giờ Của Ba” chính là clip khép lại buổi nói chuyện với những thông điệp về tình yêu thương mà mỗi đứa trẻ đều muốn có.

Sau chương trình, mỗi bậc cha mẹ có  lẽ đều đã tìm thấy một cách mới để hiểu, để chăm sóc và bảo vệ con cái mình đúng đắn hơn. Và mong rằng: mỗi chúng ta, những người con, nên dành chút thời gian tâm sự, chia sẻ để có thể hiểu rõ về cha mẹ mình hơn!

Trịnh Nguyễn Minh Anh – lớp 8A5