Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 2013
Kính gửi Tộc trưởng bộ lạc Sói!
Thưa ngài, tôi chỉ là một kẻ xa đến từ vùng đất Hà Nội xa xôi, một học sinh cấp ba bình thường, hàng ngày cắp sách tới trường. Nhưng hôm nay tôi viết thư này, ngỏ ý mời ngài tham gia cùng chúng tôi, những người trẻ tuổi, chủ nhân tương lai của Trái đất, chung tay thực hiện một sứ mệnh quan trọng: Lên tiếng bảo vệ nguồn nước. Để gìn giữ tài nguyên quý giá ấy cho con cháu giống nòi của chúng ta, và muông thú cây cỏ trên địa cầu.
Chắc hẳn ngài đang tự hỏi, tại sao chúng tôi lại đã lên tiếng kêu cứu cho nguồn nước, khi ở nơi thiên nhiên nguyên thủy và mát lành ngài đang sống, ngọn nguồn vẫn xiết chảy tươi mát. Thưa ngài, tôi viết thư này bởi không chỉ nơi tôi đang sống, muôn vật đang héo hon và chết dần. Những con sông chỉ một màu đen, những khúc sủi bọt vì nước thải sinh hoạt và công nghiệp độc hại của khu dân cư đông đúc, những xí nghiệp, nhà máy san sát. Những mạch nước ngầm đang cạn kiệt dần vì dân số bùng nổ quá nhanh. Những con mưa trước kia có thể gột rửa những nhơ nhác, bụi bẩn, giờ mang theo mình khí thải ô nhiễm, hóa thành những cơn mưa a-xít, xối độc cỏ cây, gây hại cho động vật và con người. Ở những làng mạc Phi châu, hàng triệu trẻ em thiếu nước uống và sinh hoạt đang héo hon dần trước ánh nắng thiêu đốt của mặt trời. Nhiều em đã không thể qua khỏi. 700.000 trẻ em chết mỗi năm ở châu Phi vì thiếu nước.
Những thực trạng ấy, nếu chúng ta không lên tiếng và hành động, sẽ càng thêm tồi tệ vì sự thiếu hiểu biết, sự bùng nổ dân số, đói nghèo, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, và sự thoái hóa của thiên nhiên.
Thưa ngài, con người có thể bị bỏ đói tới một tháng, nhưng chết sau ba ngày không uống nước. Nước là nhân tố quan trọng nhất của ngành nông nghiệp, ngành trực tiếp tạo ra vật chất nuôi sống con người. Nguồn nước cạn kiệt đồng nghĩa với nền nông nghiệp tê liệt. Nếu những đồng lúa mì và lúa nước nứt nẻ vì khô hạn, con người sẽ tồn tại ra sao? Ta chỉ được thỏa mãn khi những nhu cầu tối thiểu của mình được đáp ứng, mà quan trọng nhất, là nước uống và lương thực. Thế nhưng, nhân loại đang đối xử với nguồn tài nguyên quý giá này với thái độ thờ ơ và bàng quan. Con người đang tự đẩy mình tới bờ vực của cuộc khủng hoảng nước sạch. Sẽ có hàng tỉ người không có nước sinh hoạt và sản xuất, thậm chí là nước uống. Dù ¾ Trái đất bao phủ bởi nước, tuy nhiên, chưa đến 1% lượng nước này là nước ngọt. Thậm chí lượng nước ngọt này phấn lớn là băng tuyết bao phủ các đỉnh núi và hai cực, những nguồn không thể khai thác.
Quê
hương tôi, đất nước Việt Nam,
là đất nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Sông nước không chỉ là
nguồn sống, mà còn là dòng chảy nuôi nấng tâm hồn và tuổi thơ tôi. Đó là dòng
sông đầy ắp phù sa, nơi cha dạy tôi bao điều về thiên nhiên hoang sơ và những
chiêm nghiệm về cuộc đời. Dòng sông mang theo những con thuyền giấy của lũ trẻ,
biết trôi về đâu, cùng bao mong ước. Con sông quê hương, là bạn, là thầy, là
người che chở và nuôi nấng những ước mơ, là làn gió heo may những chiều ngày
hè. Thưa ngài, dòng sông ấy với tôi, cũng như thác nguồn nơi ngài sinh ra. Ngài
ắt sẽ hiểu nỗi lòng của tôi, khi dòng nước quanh co quê hương tôi, nặng trĩu ngọn
vó, tấp nập thuyền ghe, chỉ còn là một dòng sông chết, bị xối độc bởi dòng nước
thải của xí nghiệp, nhà máy.
Tôi mong được cùng ngài và bạn bè khắp năm châu, phát đi thông điệp, về sử dụng,
giữ gìn và tái tạo nguồn nước khôn ngoan và hợp lý. Để cứu lấy dòng nước ngọt
lành cho con cháu chúng ta, thảm thực vật và muông thú.
Tôi mong ngóng là thư phản hồi của ngài, thưa tộc trưởng. Sự thay đổi bắt đầu từ chúng ta!
Trân trọng cảm ơn ngài!
Người gửi
Nghiêm Văn Khánh
(Ảnh: internet)