Ngày 10/5/2014 vừa qua, lớp 11D2 đã có một buổi sinh hoạt tuyệt vời đầy ý nghĩa với chủ đề: GIÁ TRỊ SỐNG TRÁCH NHIỆM. Buổi sinh hoạt còn có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, ThS Nguyễn Thị Hằng đến từ Viện Nghiên cứu Sư phạm và các cô giáo của Trung tâm nghiên cứu học liệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Buổi sinh hoạt được bắt đầu với câu chuyện tình huống vừa cảm động lại vừa thấm thía mà không kém phần thú vị, hài hước. Một người bác yêu thương quan tâm con cháu, chăm chút gia đình; một người chị chăm học, chăm làm, hiếu thảo và nhân hậu, yêu từ thiện; một người em họ lêu lổng, ham chơi, nhiều thói hư tật xấu, do cha mẹ mải làm ăn nên gửi bác chăm sóc. Ba bác cháu chung sống dưới một mái nhà đã tạo nên những tình huống éo le, dở khóc dở cười... Câu chuyện trở nên rất hấp dẫn khi được các diễn viên nghiệp dư tài ba của lớp thể hiện, mang tới cho chúng tôi những tiếng cười không đơn thuần chỉ là giải trí.
Mở đầu là tiết mục kịch kể về câu chuyện của hai chị em Linh và Dương
Kết thúc tiết mục kịch đầu tiên, chúng tôi cùng đưa vấn đề trách nhiệm vào giữa bàn tròn để thảo luận. Một loạt các câu hỏi lần lượt được đặt ra “Chỉ ra sự khác biệt giữa hai bạn Linh và Dương và giữa gia đình của hai bạn? Từ đó cho thấy các bạn là những người như thế nào…”. Từ việc trả lời các câu hỏi theo sự dẫn dắt của cô giáo chủ nhiệm kiêm MC Thu Phương, chúng tôi đã bước đầu nhận ra sự khác biệt giữa có trách nhiệm và không có trách nhiệm…
Các bạn rất hăng hái chia sẻ những suy nghĩ của mình
Hoạt động tiếp theo, cô giáo chủ nhiệm đã đưa chúng tôi đến với câu chuyện cảm động có thật “Vì có một người cha đã hứa” qua giọng đọc truyền cảm của em Hoài Thu lớp 10D4. Câu chuyện kể về việc giữ lời hứa của một người cha bình thường mà phi thường – người cha không màng đến những lời can ngăn bi quan, tuyệt vọng của những người xung quanh, gắng sức bới từng chút đất đá suốt mười hai giờ, tìm kiếm suốt một ngày, và kiên trì đến ba mươi sáu giờ để vỡ òa trong nước mắt khi thấy những đứa con ông vẫn an toàn. Chỉ người cha khóc, còn đứa con không. Em ấy may mắn vì có người cha trách nhiệm, người cha với bờ vai vững chắc để em tin tưởng dựa vào.
Sau đôi phút lắng lại ấy, chúng tôi nhận ra trách nhiệm không hẳn chỉ là cách thức chúng ta làm “thế này …”, “thế kia …”. Nhiều quan điểm được đóng góp và chúng tôi cùng đồng ý với nhau 1 điều - trách nhiệm đôi khi đơn giản chỉ là việc giữ lời hứa. Có những lời hứa để làm được ta cần quyết tâm, kiên trì, thậm chí hi sinh, nhưng cũng có những lời hứa ta dễ dàng thực hiện; hoàn thành lời hứa, đó là hoàn thành trách nhiệm, là làm lớn lên con người trách nhiệm trong mỗi người.
Những câu hỏi của cô giáo và những lời chia
sẻ của các bạn đã giúp chúng tôi hiểu hơn
về giá trị sống trách nhiệm cũng như
xác định được trách nhiệm của bản thân.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm “trách nhiệm chính là một biểu hiện, một cách thể hiện của tình yêu thương”. Với quan điểm ấy, lớp chúng tôi được chia ra thành các nhóm hoạt động. Cùng “đạo cụ” là 1 tờ giấy A0 và màu vẽ, chúng tôi đã cụ thể hóa quan điểm của nhóm mình về các mặt của Trách nhiệm bằng hình ảnh và khẩu hiệu.
Hoạt động nhóm – hình ảnh quen thuộc trong mỗi giờ sinh hoạt cuối tuần của 11D2 chúng tôi
Theo bạn, Trách Nhiệm được biểu hiện cụ thể như thế nào? Hãy xem chúng tôi cùng nhau khám phá
Trách nhiệm đối với bản thân
Trách nhiệm đối với gia đình
Trách nhiệm đối với xã họi
Trách nhiệm đối với toàn cầu
Sau khi lắng nghe đại diện các nhóm thuyết trình về biểu hiện của trách nhiệm được truyền tải qua những bức tranh, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều điều xung quanh giá trị sống Trách Nhiệm mà trước đây có thể chưa bao giờ để tâm đến. Có thể nói chúng tôi đã được thức tỉnh!
Mở rộng cửa lớp và nhìn ra cuộc sống bên ngoài thông qua những clip đầy ý nghĩa, chúng tôi thừa nhận có khá nhiều những vết nhơ đáng lên án trong xã hội hiện tại liên quan đến giá trị trách nhiệm. Đó là những hành vi vô trách nhiệm dẫn đến hậu quả đau lòng ở 2 ngành đại diện là Y tế và Giáo dục bậc học Mầm non.
Cả lớp bất bình trước những hình ảnh vô
trách nhiệm
trong Y tế và Giáo dục bậc Mầm non – 2 ngành cần nhiều nhất ý thức
Trách Nhiệm
Chúng tôi đã tìm hiểu được phần nào sự tác động to lớn của giá trị trách nhiệm với cộng đồng, và cũng đã tới lúc tự mình nhìn lại mình… Với 4 câu hỏi của cô giáo chủ nhiệm, chúng tôi lắng lại vài phút để tự phỏng vấn con người Trách nhiệm trong bản thân mình.
1. Em cảm thấy thế nào khi người ta không làm những điều họ đã nói?
2.Em cảm thấy thế nào khi em làm tròn trách nhiệm của mình?
3. Em cảm thấy thế nào và kết quả ra sao nếu em không thực hiện trách nhiệm của mình?
4. Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi cá nhân thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và toàn cầu?
Và cùng nhau chia sẻ…
Dụng cụ được thu gom đầy đủ sau khi tiết học
kết thúc,
đây có phải một biểu hiện đáng yêu của trách nhiệm?!
Ngày cuối tuần kết thúc với những tràng cười cùng một chút ngậm ngùi không rõ. Có lẽ vì đây là tiết sinh hoạt cuối cùng trong năm học… Lớp 11, không còn quá bé bỏng nhưng cũng chưa đủ lớn để coi là trưởng thành. Chúng tôi cùng nhau học tập, cùng nhau chín chắn hơn từ những tiết sinh hoạt theo chủ đề giá trị sống như hôm nay…