Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng, cổ kính nhưng cũng không kém phần hiện đại, trẻ trung. Chng phải tự nhiên mà những người con Hà Nội lại yêu nơi này đến như vậy! Người ta yêu cái vẻ đẹp in đậm ký ức lịch sử của những con phố nghìn năm, cái vẻ nhộn nhịp, sôi động của một thành phố tấp nập, hay đơn giản người ta yêu Hà Nội qua những gánh hàng rong, những tiếng rao đêm khắc khoải…


Gánh hàng rong là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Hà Nội

Chẳng ai biết gánh hàng rong có từ bao giờ, chỉ biết nó gắn liền với sự phát triển, thăng trầm qua từng thời kỳ của Hà Nội. Sở dĩ gọi là gánh hàng rong là vì những người bán hàng ngày xưa thường sử dụng quang gánh để thuận tiện di chuyển. Với chiếc đòn gánh cong cong, những người phụ nữ tảo tần ấy bất kể nắng hay mưa, gánh trên vai những thứ thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của người dân. Và cứ như thế, chẳng biết từ lúc nào, mỗi khi nhắc về Hà Nội, người ta lại nhớ về những gánh hàng rong, như một cái gì đó rất đỗi bình dị, gần gũi và thân quen lắm.


Hà Nội vội vã, nhộn nhịp bỗng dịu dàng, lãng mạn nhờ những giỏ hoa đầy màu sắc

Hầu hết người bán hàng đều là dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận Hà Nội. Có lẽ do việc ruộng đồng không đủ trang trải cuộc sống, họ rủ nhau ra Hà Nội kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Đằng sau chiếc quang gánh trĩu nặng ấy lại là một câu chuyện, một thân phận, một cuộc đời với biết bao trách nhiệm và giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Gánh hàng rong vừa mang dáng vẻ bận rộn lo toan cuộc sống thường ngày, vừa thấp thoáng những khoảnh khắc yên bình, dung dị

Hà Nội đẹp và thanh bình biết bao với những gánh hàng rong, với những tiếng rao trầm ấm vọng từng con phố, thoảng trong gió hương hoa sữa nồng nàn. Đặc biệt, khi Tết đang đến gần hơn, không khí xuân ngập tràn trên mọi nẻo đường, những gánh hàng rong lại càng nhộn nhịp, hối hả hơn. Những người xa quê vẫn lặng lẽ mưu sinh, vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các con phố với mong muốn kiếm thêm để có được cái Tết đầy đủ hơn cho gia đình. Với phương tiện chỉ đơn thuần là đôi quang gánh, chiếc xe đạp, những cái thúng, cái mẹt nhưng đựng trong đó lại là cả hương vị Tết nồng nàn. Trên những gánh hàng rong liêu xiêu những ngày cuối năm vẫn chất đầy nào là những trái cây chín mọng, nào là những đồ trang trí, vàng mã, vài ba cân mứt hay thậm chí là cả cá vàng cho ông Táo về chầu Trời.


Những gánh hàng mã chỉ xuất hiện mỗi dịp Tết về


Cá vàng tiễn ông Công ông Táo chầu Trời trở nên đắt hàng hơn trong dịp Tết


Những ngày cận Tết, gánh hàng rong vẫn cứ miệt mài, lặng lẽ mưu sinh

Nhắc đến hàng rong thì không thể không nhắc đến những gánh hàng hoa, trên ấy rực rỡ những đóa cúc vàng hơn màu nắng, những sắc trắng tinh khôi của cúc họa mi hay phảng phất mùi hương thơm ngát làm say đắm lòng người của hoa bưởi. Dân Hà thành có thú chơi hoa. Chơi hoa thể hiện sự sang trọng, cuộc sống no đủ và sự tao nhã của người dân. Bởi thế gánh hàng hoa đã len lỏi vào đời sống người dân đô thị nơi đây từ rất nhiều năm rồi. Tết đến, sắc hoa rực rỡ bao trùm phố phường Hà Nội. Hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc thắm đón xuân về.

“Sáng nay ra,

Gánh hàng hoa xuống chợ

Hoa Ngọc Hà trên đường rực nở

Hương bay xa thơm ngát gần xa…”

(Tố Hữu)


Vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của cúc họa mi


Những gánh hàng hoa chuyên chở cả một bầu trời hồn quê


Đào Nhật Tân - hồn Tết của người Hà Nội

Theo bước chân của thời gian, Hà Nội dần chuyển mình thay áo mới. Những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, những nhà hàng sang trọng, những quán cà phê lấp đầy đường phố. Thế nhưng, người ta vẫn không thể nào quên được hình ảnh đôi quang gánh quen thuộc cũng như những tiếng rao thân thương. Hà Nội. Hàng rong. Len lỏi vào từng góc phố, lặng lẽ sau những dòng xe. Mặc cho thành phố ngày càng đổi mới, những gánh hàng rong cứ thầm lặng làm nhiệm vụ của nó, trở thành sợi xích thời gian níu giữ lại những nét đẹp xưa cũ, tinh hoa văn hóa thấm đẫm cái hồn của người Tràng An. Chắc chắn rằng, những người con Hà Nội, dẫu có đi xa đến đâu, thì trong ký ức của họ, hình ảnh gánh hàng rong cùng những tiếng rao đã in dấu thật đậm, thật sâu. Để rồi, khi bỗng nghe đâu đó tiếng rao “Ai bánh cuốn ra mua”, “Xôi lạc, bánh khúc đây…” , lòng lại da diết nhớ về quê hương, để bỏ lại những tấp nập, bon chen, áp lực của cuộc sống, tìm về gánh hàng rong để tận hưởng chút gì đó bình yên, dung dị đến như thế…

Bài viết: Nguyễn Hương Thảo (11D1)

Ảnh: Sưu tầm