Bóng đá, môn thể thao yêu thích của hàng triệu triệu người luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ hấp dẫn. Mọi người đến sân vận động không chỉ để xem những đường bóng đẹp, những pha ghi bàn xuất thần mà còn để trải nghiệm những cảm xúc, để đắm mình vào những đam mê. Thế nên dù ở trong sân hay trên khán đài, dù chiến thắng hay chiến bại, dù là nụ cười hay những giọt nước mắt thì những cảm xúc mà bóng đá mang lại đều có tên gọi là… HẠNH PHÚC.

Giải bóng đá học sinh Trường Nguyễn Tất Thành năm học 2012 – 2013 đã đi đến chặng cuối để tìm ra nhà vô địch các khối lớp. Mỗi khi có các trận đấu diễn ra, sân vận động ĐHSP Hà Nội tràn ngập sắc áo học trò, những tiếng hò reo cổ vũ, những ánh mắt động viên, thân thương của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo. Mỗi người là một câu chuyện thú vị chứa đựng bao yêu thương, ủng hộ đối với ngôi trường Nguyễn Tất Thành mến yêu.

Chuyện của cầu thủ…

Mỗi cầu thủ khi ra sân bóng, điều khát khao lớn nhất là được chơi bóng, hết mình vì màu cờ sắc áo, người ta thường tạm quên đi những cái tên được cha mẹ đặt cho và chỉ nhớ một cái tên chung, đó là tên đội bóng lớp mình.

Nguyễn Anh Tùng (lớp trưởng lớp 11A3), đam mê bóng đá từ nhỏ, bạn ấy yêu thích đội bóng Real Madrit và tất nhiên không bỏ qua bất cứ một trận bóng nào trên truyền hình. Nhưng cứ đến mùa giải trường, nhiệm vụ của Tùng là đôn đốc, tập trung các bạn luyện tập và thi đấu. Bạn ấy cho biết người thủ lĩnh trên lớp học và trên sân cỏ khác nhau lắm, vì trên sân kết quả thi đấu phụ thuộc rất nhiều vào tâm lí nên người đội trưởng phải biết động viên và khuyến khích các bạn, đôi khi mình phải “lùi” để đồng đội tỏa sáng.

 

Cầu thủ Nguyễn Anh Tùng (11A3) và Cao Anh Huy (11A5)

Sở hữu một thân hình lí tưởng, người xem dễ nhận thấy ở Cao Anh Huy một sự chắc chắn cho hàng hậu vệ lớp 11A5. Nhưng ít người biết bạn ấy còn là một học sinh học cực giỏi, sở hữu vị trí thứ nhất trong kì thi giữa kì II vừa rồi của học sinh toàn khối 11. Không kiêu căng, hòa đồng và khá hài hước, nhìn Huy chơi bóng nhàn tản nhưng  hiệu quả vô cùng.

Cả Tùng, Huy và nhiều bạn khác nữa trong các đội bóng đều đến với bóng đá để thể hiện niềm đam mê và sự khẳng định mình, với các bạn HẠNH PHÚC là được CỐNG HIẾN

Chuyện của trọng tài…

 Nếu bóng đá được coi là môn thể thao vua thì trọng tài lại là “vua” của sân cỏ, dù đội bóng thắng hay thua thì phần bình luận nhiều nhất sau mỗi trận đấu bao giờ cũng là về các trọng tài. Một công việc đòi hỏi tính nghiêm túc, quyết đoán và công bằng nhưng cũng phải rất bình tĩnh để “hạ nhiệt” những “cái đầu nóng” trên sân.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Luận, là một giáo viên trẻ, từng là thành viên trong tuyển sinh viên Việt Nam tham gia giải bóng đá sinh viên khu vực Đông Nam Á. Đá bóng hay và bóng đá trở thành đam mê số 1 nhưng khi làm trọng tài thầy không chỉ làm công tác chuyên môn mà còn góp ý cách đá, cách tổ chức trận đấu cho các đội vào giờ nghỉ giải lao.

 

Tổ trọng tài của giải đấu


Còn thầy giáo Vũ Hồng Hải là một cái tên khá quen thuộc, khi đã 2 lần dẫn đắt đội tuyển bóng đá nam nhà trường có mặt trong trận chung kết giải bóng đá học sinh thành phố Hà Nội. Với cương vị là phó Ban tổ chức giải và làm trọng tài nhiều trận đấu, thầy đặc biệt chú ý đến công tác rèn luyện kỉ luật của các cầu thủ trên sân, những hành vi không đẹp đều bị nhắc nhở nghiêm khắc. Thầy tâm sự “bóng đá là một sân chơi, chơi thì phải vui và phải đẹp dù đó là trong hay ngoài sân cỏ”

Với các thầy giáo làm công tác trọng tài, HẠNH PHÚC là được “truyền lửa” SAY MÊ đến học sinh.

Chuyện của các bậc phụ huynh…

Khi những trận đấu bóng diễn ra, có rất nhiều các cổ động viên đặc biệt đến sân vận động, đó là các bậc phụ huynh. Có bác đến để cổ vũ, để xem các con đấu,  nhiều bác đứng ngoài sân chỉ đạo chiến thuật như những huấn luyện viên thực thụ. Nhiều cô bác còn mang theo bánh, sữa, nước uống để cả cầu thủ và cổ động viên “bồi dưỡng”, cũng có bậc phụ huynh ra sân chỉ đơn giản để ngắm con cười, con vui với bạn bè cùng trang lứa. Với các bậc phụ huynh, HẠNH PHÚC là YÊU THƯƠNG.

Bác Nguyễn Viết Thạch (phụ huynh bạn Nguyễn Đức Tâm, lớp 7A3) luôn luôn sát cánh bên đội tuyển của lớp cùng cô giáo chủ nhiệm. Bác Thạch rất vui mừng khi thấy nhà trường tổ chức một giải đấu qui mô và rất có ý nghĩa, tạo ra sân chơi vận động lành mạnh cho các em học sinh.


Bác Nguyễn Viết Thạch (phụ huynh lớp 7A3)

“Tôi cũng là người say mê bóng đá, ra sân nhìn các cháu thi đấu tôi như thấy lại thời trai trẻ của mình”, đó là lời tâm sự của bác Vũ Đình Viên, phụ huynh bạn Vũ Hoàng Tuấn (lớp 11A5), Bác cho biết khi còn đang trong quân đội cũng đã nhiều lần ra sân trong màu áo cầu thủ và bác thấy may mắn là cả hai cậu con trai của mình đều yêu thích và chơi bóng đá.

 

Bác Vũ Đình Viên (phụ huynh lớp 11A5) và bác Thanh Tùng (phụ huynh lớp 6A2)

Bác Thanh Tùng (phụ huynh bạn Thu Hà, lớp 6A2) lại là một trường hợp rất đặc biệt. Bác Tùng vốn là dân nghệ thuật công tác tại Nhà hát Chèo Trung ương, rất say mê bóng đá nhưng bạn Thu Hà nhà ta lại là nữ, chỉ tham gia đội cổ động viên thôi. Thế nhưng trận đấu nào bác cũng có mặt kiêm luôn vai trò huấn luyện viên, nhìn bác Tùng “tả xung hữu đột” bên đường biên mới thấy hết tấm lòng quí báu của các bậc phụ huynh dành cho nhà trường.

 

Chăm sóc và chỉ đạo trận đấu

Câu chuyện của các thầy cô giáo…

Luôn gắn bó với các em học sinh trên lớp học, nghiêm khắc nhưng cũng tràn ngập tình yêu thương là các thầy cô giáo chủ nhiệm. Mỗi lần đội tuyển lớp mình thi đấu các thầy cô dù bận rộn đến mấy cũng dành thời gian ra sân vận động để dặn dò và động viên học sinh của mình.

 

Khi giáo viên Toán và giáo viên Sinh học cùng trở thành Huấn luyện viên

 Đó là thầy giáo Lê Văn Cường với gương mặt lo lắng theo dõi sát sao từng đường bóng, là cô giáo Trần Thu Hảo với nụ cười rạng ngời như “tỏa nắng” khi ngắm nhìn  những cầu thủ 11A3 đang chuẩn bị bước vào trận đấu, là cô giáo Thu Hà vui mừng khi đội bóng lớp 7A3 lọt vào trận chung kết.

 

Nụ cười “tỏa nắng” của cô giáo Trần Thu Hảo và cô giáo Nguyễn Thu Hà

Có mặt ngay từ những loạt trận đầu tiên của mùa giải, với những bước đi nhanh nhẹn, ân cần hỏi thăm từng cầu thủ, trò chuyện với phụ huynh, giáo viên, là cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh. Là một cán bộ quản lí nhưng đồng thời cũng là một phụ huynh học sinh nên cô rất hiểu những lợi ích mà thể thao mang lại. Vì thế nhà trường đã cố gắng hết sức để tạo ra một sân chơi an toàn, hiện đại và đoàn kết giữa các em  học sinh. Cô giáo Thu Anh tâm sự “Tổ chức Giải bóng đá trường là một trong những hoạt động thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện của Nhà trường. Bên cạnh những tiết học trên lớp hiệu quả, các em học sinh của chúng tôi sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn. Khi ngồi trên khán đài của một sân vận động hiện đại nhìn các em đá bóng cảm xúc của tôi thật khó tả. Tôi muốn nói lời cám ơn tới các thầy cô Ban giám hiệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các thầy cô giáo khoa Giáo dục Thể chất. Tôi thực sự cảm động khi thấy sự quan tâm và những tình cảm quý báu của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo đối với hoạt động của nhà trường”.


Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng

Quả thực, với các thầy cô giáo, HẠNH PHÚC là nhận được sự YÊU QUÍ, TIN TƯỞNG của học sinh và các bậc phụ huynh.

Vĩ thanh

Giải bóng đá rồi cũng sẽ kết thúc, các em học sinh tạm rời xa trái bóng tròn để trở lại với nhiệm vụ học tập. Nhưng dư âm còn đọng lại mãi  là những khoảnh khắc tỏa sáng trên sân cỏ, là tình cảm gắn bó thầy trò, là tấm lòng vô cùng  trân trọng  của phụ huynh học sinh. HẠNH PHÚC đôi khi hiện hữu ở những điều rất gần gũi với chúng ta.

Thu Nguyên