Nguyễn Thu Thủy - Trần Thanh Quang

Đại thi hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe từng viết trong tác phẩm “Faust”:

Mọi lí thuyết đều là màu xám

Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Câu thơ đã khẳng định tầm quan trọng, giá trị của việc học qua trải nghiệm, học gắn với thực tiễn. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, trong suốt 25 năm hình thành và phát triển, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn xác định rõ ràng mục tiêu giáo dục: học đi đôi với làm, học để giải quyết các vấn đề thực tế, giúp học sinh phát triển năng lực và bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cao đẹp. Hiện thực hóa mục tiêu ấy, đội ngũ giáo viên Nhà trường luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích và lí thú gắn với môn học.

Các hoạt động giáo dục trong môn học - mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng “cây đời”

Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã đặt ra mục tiêu: bên cạnh việc trau dồi cho học sinh những kiến thức chuyên môn, hoạt động giáo dục môn học phải hướng đến phát triển năng lực và hình thành phẩm chất, nhân cách, giá trị sống, kĩ năng sống,… cho người học. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh áp dụng kiến thức lí thuyết đơn môn hoặc liên môn đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Chính vì vậy, hoạt động giáo dục cho phép mở rộng phạm vi không gian của một lớp học thông thường, người học có thể tham gia những chuyến đi trải nghiệm thực tế, tới những nơi “mắt có thể thấy, tai có thể nghe”. Phạm vi kiểm tra đánh giá của hoạt động giáo dục cũng chủ yếu hướng đến kinh nghiệm, thái độ thực hiện, tính trải nghiệm, cảm xúc, giá trị,… mà người học nhận được.

Nhận thức được những giá trị tốt đẹp mà các hoạt động giáo dục trong môn học (gọi tắt là hoạt động giáo dục môn học) mang đến cho học sinh, các tổ chuyên môn của trường Nguyễn Tất Thành đã nỗ lực xây dựng hoạt động giáo dục qua các chủ đề dạy học đơn môn, tích hợp liên môn, các cuộc thi gắn liền với môn học,… Các hoạt động giáo dục đã trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng, đánh thức những năng lực tiềm ẩn trong học sinh, là cơ hội để các em thể hiện bản thân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy, các hoạt động giáo dục môn học luôn nhận được sự đón chờ, hưởng ứng tích cực và sự tham gia chủ động của học sinh.

Những “người làm vườn” cần mẫn, sáng tạo

Xây dựng nội dung kế hoạch giáo dục và giảng dạy, đầu năm học, tất cả các tổ chuyên môn đã cùng nhau thiết kế ý tưởng, thảo luận về tính khả thi và cách thức triển khai các hoạt động giáo dục môn học. Từ việc nắm chắc mục tiêu dạy học và những sản phẩm học tập đáp ứng mục tiêu đó, các tổ chuyên môn đã xây dựng nên những chủ đề hoạt động giáo dục môn học có tính trọng tâm, hấp dẫn và tìm ra những điểm chung để kết hợp với các môn học khác. Những buổi họp trong tổ chuyên môn, giữa các tổ chuyên môn được tổ chức thường xuyên, dù dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đều diễn ra vô cùng sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm của thầy cô trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh.  

Sau những buổi làm việc, thảo luận nghiêm túc, giáo viên tổ Ngữ văn đã xây dựng được nhiều hoạt động giáo dục mang đặc trưng bộ môn, đạt hiệu quả cao như “Từ kịch bản văn học đến sân khấu và màn ảnh (Tích và diễn)” - Lớp 10, chủ đề thơ lục bát “Vút bay điệu hồn dân tộc” - Lớp 6, Cuộc thi giới thiệu sách “Sách và tôi” dành cho học sinh toàn trường,…

Giáo viên tổ Lí - Hóa - Sinh cùng thảo luận để xây dựng những hoạt động giáo dục STEM bổ ích cho học sinh

Giáo viên trong mỗi tổ chuyên môn giống như những “người làm vườn”. Họ chuyên tâm “cày xới” trên bài dạy của mình, đặc biệt là các chủ đề mới trong chương trình GDPT 2018, từ đó tìm ra những tinh hoa, điểm độc đáo, thú vị để truyền tải tới người học. Các thầy cô đã cùng nhau tạo nên những hoạt động trải nghiệm thiết thực nhất, hữu ích nhất, đem đến những giá trị giáo dục tốt nhất cho học sinh, gắn với điều kiện thực tiễn, địa bàn của Nhà trường để có thể tận dụng tối đa những nguồn lực đang có.

Điều mà mỗi giáo viên băn khoăn, trăn trở không chỉ là tổ chức như thế nào mà cần phải định hướng sản phẩm học tập ra sao để có thể khơi gợi và phát huy tối đa sự sáng tạo của học sinh. Khi học sinh thực hiện chủ đề cũng luôn có sự đồng hành, giám sát của thầy cô. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn lao cho học sinh sáng tạo và thể hiện năng lực của bản thân.

CHỦ ĐỀ GIÁO DỤC ĐƠN MÔN

Các giáo viên tổ Ngữ văn cùng lên ý tưởng chủ đề dạy học, hỗ trợ và đánh giá sản phẩm học tập của học sinh trong hoạt động giáo dục “Vút bay điệu hồn dân tộc” - Lớp 6 và “Từ kịch bản văn học đến sân khấu và màn ảnh (Tích và diễn)” - Lớp 10

 

Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu đặc điểm của một số loài động vật, phân loại động vật thân mềm tại Bảo tàng sinh vật (Khoa Sinh học - ĐH Sư phạm Hà Nội) trong chủ đề “Đa dạng thế giới sống”

Các thầy giáo tổ Vật lí, Công nghệ tận tình chỉ dẫn học sinh thực hành lắp ráp các linh kiện điện tử để chế tạo robot dò đường trong chủ đề “Kĩ thuật điện tử” (Công nghệ 12)

CHỦ ĐỀ GIÁO DỤC LIÊN MÔN

Giáo viên giới thiệu cho học sinh lớp 6 về những tinh hoa Mĩ thuật thời kì Cổ đại, thời kì nhà Lý trong hoạt động học tập trải nghiệm tích hợp liên môn Mĩ thuật – Lịch sử tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam

Thầy cô bộ môn Khoa học tự nhiên nhận xét, góp ý để học sinh hoàn thiện các sản phẩm sáng tạo trong hoạt động giáo dục STEM

Để hoạt động giáo dục diễn ra thành công, bên cạnh vai trò của giáo viên bộ môn còn có sự đóng góp của giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của cha mẹ học sinh. Sự kết hợp của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh đã tạo nên những hành trình sáng tạo không biên giới, những trải nghiệm đầy lí thú, bổ ích, những khoảnh khắc được sống hết mình với niềm đam mê... Nhận được nguồn động lực lớn lao từ thầy cô và cha mẹ, học sinh thêm tự tin vào những ý tưởng đã xây dựng và phát huy được hết những năng lực của bản thân.

Các hoạt động giáo dục của Nhà trường đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, chung tay hỗ trợ từ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh

Qua mỗi năm học, các tổ chuyên môn lại thảo luận về hoạt động đã tổ chức, rút kinh nghiệm để điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong điều kiện của Nhà trường, chưa thực sự phù hợp với nhu cầu và khả năng của người học. Có thể nói, các thầy cô luôn nỗ lực thay đổi, sáng tạo hình thức tổ chức hoạt động để đem lại những giá trị giáo dục đích thực tới học sinh.

Bội thu nhiều “trái ngọt”

Vì những giá trị to lớn và thiết thực với sự phát triển toàn diện ở học sinh, ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục môn học. Theo đó, giáo viên có điều kiện vận dụng đa dạng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực. Từ năm 2013, khi Nhà trường bắt đầu tìm hiểu và thực hiện hình thức tổ chức dạy học này, số chủ đề mới ở mức khiêm tốn là 3; đến năm 2018 đã có hơn 10 chủ đề và đến năm học 2023 – 2024 là 16 chủ đề. Trong đó nhiều chủ đề đáp ứng rất tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, có thể kể đến như: chủ đề “Sân khấu hóa dân gian các tác phẩm văn học” trong chương trình Ngữ văn lớp 10; chủ đề “Về nơi khởi nguồn bản sắc Việt” liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; chủ đề “Kiệt tác Truyện Kiều- hòa âm phối sắc” liên môn Ngữ văn – Mĩ thuật…

Các chủ đề là sản phẩm của sự sáng tạo và trí tuệ, tâm huyết của các thầy cô. Những người làm vườn cần mẫn ấy đã không ngừng tìm tòi để thiết kế, tổ chức các hoạt động với ý nghĩa giáo dục cao, để rồi những tác phẩm Kiều của Nguyễn Du giờ đây đã trở thành các bài hát, các bức họa Kiều sống động; lớp học đã trở thành những không gian triển lãm các tác phẩm văn học hiện đại kinh điển của Việt Nam; sân khấu nhà trường trở thành những chiếu chèo, chiếu tuồng vừa truyền thống cổ xưa nhưng lại rất đỗi gần gũi với học trò.

Học sinh trực tiếp tham gia các hoạt động sân khấu hóa văn học

Các sản phẩm học tập thể hiện những ý tưởng giàu sáng tạo của học sinh

Đặc biệt, việc tham gia các hoạt động giáo dục môn học góp phần phát triển đa dạng các năng lực, phẩm chất của người học. Thông qua những hoạt động trải nghiệm, các học sinh thấy yêu hơn quê hương, đất nước mình; yêu hơn những vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, yêu hơn từng lá cây, ngọn cỏ; yêu hơn văn hóa truyền thống của dân tộc; yêu hơn lịch sử, sự cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha ông. Để rồi từ những niềm tự hào và trân trọng ấy, những ý tưởng sáng tạo của tuổi trẻ đã được phát huy. Các em đã biết đề ra các giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di sản, thiết kế được các ấn phẩm quảng bá giá trị du lịch; nhất là nhiều ý tưởng đã trở thành những công trình đạt giải cao trong các kì thi nghiên cứu khoa học – kĩ thuật cấp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quốc gia và quốc tế. Hơn nữa, việc được trang bị toàn diện về năng lực và phẩm chất, học sinh Nhà trường tự tin hội tụ nhiều yếu tố để trở thành những con người có ích, là công dân toàn cầu. Trong bối cảnh thế kỉ XXI được xác định là thế kỉ của nền văn minh tri thức, tri thức và các kĩ năng của con người trở thành yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Qua các hoạt động giáo dục môn Sinh học, học sinh thêm yêu và sống hòa hợp với tự nhiên, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ và bảo vệ các loài động, thực vật, đảm bảo đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên

Tham gia hoạt động trải nghiệm liên môn Lịch sử, Ngữ văn, Địa lí, Tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam (Ba Vì, Hà Nội), học sinh thêm yêu và tự hào về di sản văn hóa dân tộc và có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa

Poster quảng bá về “Bún thang Hà Nội”

Để “cây đời” mãi mãi xanh tươi

Như vậy, ngay từ năm 2013, trường Nguyễn Tất Thành đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục môn học thiết thực. Đó là những dấu ấn đậm nét, thể hiện sự tìm tòi, trách nhiệm của hội đồng sư phạm nhà trường; tạo nên bản sắc của trường Nguyễn Tất Thành so với các trường học lúc bấy giờ. Và giờ đây, trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với việc đã “đi trước thời đại”, đội ngũ giáo viên nhà trường tự tin sẽ tiếp tục gieo những mầm xanh để các thế hệ học sinh nhà trường luôn chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy các thế mạnh, trở thành những công dân có ích cho xã hội trong tương lai.