Những ngày Nguyên Đán, Bà tôi có tục treo một lá cờ lên cây nêu cắm trước cổng. Người đi xa về Tết, lá cờ làm cái dấu mà hướng về. Hỏi Bà tôi vì sao lại làm thế, Bà chỉ bảo: “Cứ đến Tết thì Bà phải làm theo tục”. Hỏi Bố tôi thì ông kể:

“...Từ những ngày chiến tranh, Bà con đã làm vậy. Những ngày cuối năm, người ta bận một thì Bà con bận đôi - Nhà neo người, Ông đi bộ đội, chỉ có Bà, Bố với Cô con. Thế mà bận mấy thì bận, từ ngày Ông Táo về chầu trời, Bà con thể nào cũng kiếm một cây sào dài để treo Lá Cờ. Đêm Ba Mươi tối kịt, chỉ có mỗi cây đèn bão tù mù, mưa hạt rét buốt - mà thời đấy làm gì có áo ấm, chăn ấm như bây giờ - Lá cờ vẫn bay phần phật trong gió Xuân. Con thử thức đêm Giao Thừa một lần mà lắng tai nghe xem.”


Câu chuyện của Bố làm tôi suy nghĩ nhiều. Một ngày xưa lắm rồi, khi mà ngày hội của dân tộc ta chỉ gồm những nghi lễ xã giao hời hợt, những trò cờ bạc, sát phạt lẫn nhau. Còn đâu mùa Xuân ở cái kiếp nô lệ? Đúng như hai câu ca dao đầy cay đắng:

“Mồ hôi - Nước lũ ra sông
Quanh năm, ngày Tết, tay không chở về....”

Tưởng rằng dân tộc ta đã có thể hưởng trọn niềm vui sau khi giành độc lập, nhưng không, chúng ta đã phải đổ máu vì Độc Lập - Tự Do. Biết bao thế hệ Cha Anh đã ngã xuống với mong ước trong một ngày Xuân kia, đất nước ta được hưởng niềm vui đoàn viên. Trong thời kì đó, lá cờ Đỏ Sao Vàng như là điểm tập trung mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần… Có những người lính với lá cờ bạc màu gió bụi và thuốc súng. Có những người công nhân với lá cờ xạm đen vì than và dầu. Và có những người phụ nữ, người nông dân như bà tôi với lá cờ của sự hi sinh, dũng cảm, bền gan chờ chồng, chờ con, gắng sức sản xuất theo tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người”


Và ước mơ đó trở thành hiện thực. Năm 1975, Tổng tiến công Hồ Chí Minh. Chúng ta đã thống nhất đất nước, giống như 45 năm trước đó, cũng vào một mùa Xuân như lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hòa trong niềm vui riêng của đất nước là những nỗi đau khổ riêng. Ông Nội tôi hi sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trong những ngày đầu tiên của cuộc tiến quân Mậu Thân - Lại một cái Tết nữa. Ông không về, nhưng lá cờ vẫn còn đó, bà tôi nay đã ngoài 80 vẫn còn treo nó lên cây nêu trước cổng. Có lẽ đến khi viết những dòng này, tôi mới ngộ ra sự bất tử của lòng yêu nước, sự vĩ đại của Lá Cờ Đỏ Sao Vàng. Một điều mà không ngòi bút nào có thể miêu tả nổi, cho dù nó sống trong mỗi chúng ta, mọi lúc, mọi nơi, là động lực để mọi con người Việt Nam tiến bước đến tương lai tràn ngập sắc Xuân đang chờ đợi chúng ta.


Có lẽ để kết thúc bài viết này, tôi xin được trích mấy câu ca trong bài “Màu cờ tôi yêu”, được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ thơ Diệp Minh Tuyền. Nào, Chúng ta hãy cùng hát lên, hát lên để mừng một cái Tết, mừng một mùa Xuân mới trong mỗi chúng ta!

“Hồng như màu của bình minh
Đỏ như màu máu của mình tim ơi
Búa liềm vàng rực giữa trời
Là niềm hy vọng chói ngời tim ta
Trong đêm tối lúc mưa sa
Màu cờ đỏ vẫn sáng loà hồn tôi
Thênh thang trên bước đường đời
Ôi màu cờ ấy là màu giục tôi.
Thênh thang trên bước đường đời
Ôi màu cờ ấy là lời giục tôi.
Cờ bay màu của niềm tin
Đỏ như lời hứa của mình em ơi
Suốt đời lòng dặn giữ lời
Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau.
Trong vui sướng giữa thương đau
Màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi
Ru em trong ánh mặt trời
Ôi màu cờ ấy là lời tình yêu.”



Màu cờ sắc xuân dưới mái trường mang tên Bác


Lê Công Vũ- lớp 11A5 (CLB Phóng viên)