Tháng 12 đang bước vào những ngày cuối cùng, nhưng đối với mỗi người dân Việt Nam ta, năm mới chỉ thực sự đến trong ngày Tết cổ truyền. Năm nay Tết đến sớm, Hà Nội những ngày này đang bắt đầu rộn ràng và rực rỡ sắc màu, những bài hát mừng năm mới không ngừng vang lên trên các phương tiện đại chúng. Nhưng, đối với những người phải xa quê hương đi làm ăn như gia đình tôi, Hà Nội vui tươi đến mấy cũng không thể làm giảm đi niềm háo hức được trở về mảnh đất Bắc Ninh thân thuộc. Bởi lẽ ngày Tết quê hương luôn chứa đựng những nét đặc sắc riêng, những tình cảm gắn bó chẳng nơi nào sánh được.


Chợ Tết

Chợ Lai quê tôi không buôn bán hàng ngày mà là chợ họp theo phiên, một phiên chợ cách nhau ba đến bốn ngày. Mặc dù mọi việc sắm Tết đã được bắt đầu từ lâu, song phiên chợ Tết vào ngày 28 tháng Chạp vẫn được mong đợi nhiều nhất. Ngày hôm ấy, mấy chị em chúng tôi thường dậy thật sớm rồi sửa soạn theo bà nội đi chợ chơi. Chợ nằm dưới chân đê, phía bên kia là con sông thật dài chảy mãi về phía tỉnh Quảng Ninh. Dù đời sống người dân quê tôi đã được cải thiện nhiều, và khu chợ cũng đã có lần được sửa sang nhưng nó vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ truyền bình dị. Trên con đường thẳng tắp, từng đoàn xe kéo nhau về phía chợ, nhưng đông nhất vẫn là hàng “tập đoàn” người đi bộ, vừa đi vừa cùng nhau trò chuyện rôm rả. Làng tôi không lớn, người trong làng đi đâu cũng quen nhau, vì thế mà cuộc nói chuyện chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác dường như bất tận, nhưng cũng chính những câu chuyện ấy khiến con đường ngày thường vắng lặng nay trở lên rộn ràng, nhộn nhịp một cách kì lạ. Trông ai nấy đều thật vui tươi, các bà các cô hỏi thăm chuyện sắm Tết, đôi khi bắt gặp một người bà con vừa đi xa về liền hỏi thăm: “Đằng ấy về từ bao giờ? Lần này về bao lâu?”, “Thế cái Linh có về cùng không hay lại ăn Tết trên phố như mọi năm?”, “Lâu lắm rồi không gặp, trông chị trẻ hẳn ra đấy”,.... Phía đằng trước, những đứa trẻ đã tách khỏi bố mẹ để cùng nhau chạy thi tới chợ, vừa chạy vừa cười đùa vui vẻ.


“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.”

Ngày Tết quê tôi không có cây nêu trước cửa, cũng không có câu đối đỏ rực rỡ treo trong nhà, nhưng chưa bao giờ thiếu đi món ăn đặc trưng nhất của ngày Tết - bánh chưng xanh, mà nhất định phải là bánh do đích thân người trong nhà làm - mẹ bảo như vậy mới có ý nghĩa. Ngày còn nhỏ, tôi thích nhất được theo bà đi hái lá dong, rồi sau đó chuẩn bị những nguyên liệu gói bánh, lúc ấy chỉ thấy việc đó thật thú vị. Nhưng sau này, khi chứng kiến nhiều gia đình thành phố cứ mỗi dịp Tết đến đều mua bánh bán ngoài cửa hàng, tôi chợt nhận ra gói bánh chưng không chỉ là một phong tục truyền thống nữa, mà đó còn gửi gắm cả những tình cảm gia đình thực sự ấm áp. Tôi gói bánh không vuông vắn được như bà hay chú, nhưng chỉ cần quây quần quanh chiếc chiếu nhỏ cùng nhau tạo nên chiếc bánh đặc trưng của ngày Tết đã là những phút giây vô giá. Và cũng chỉ ai đã từng thức trắng đêm bên bếp lửa để trông nồi bánh chưng trong khi ngoài kia gió lạnh rít gào mới hiểu được những ấm áp của ngọn lửa đêm hôm ấy.


Gói bánh chưng

Chẳng mấy chốc rồi ngày cuối cùng của năm cũng đến. Từ chiều sớm, cả nhà đã nhộn nhịp chuẩn bị làm cơm cúng tổ tiên, chị em chúng tôi cũng phụ mẹ nhặt rau, nấu cỗ. Mấy đứa trẻ tụ tập cùng nhau ngoài cửa ngõ bày trò chơi, thi thoảng còn so sánh, ganh tị nhau xem ai sẽ được nhận nhiều tiền lì xì hơn. Tối hôm đó, cả nhà quây quần bên nhau đón xem chương trình đón Tết - mừng xuân trên truyền hình và trò chuyện rôm rả. Khoảnh khắc giao thừa gõ cửa, lũ trẻ con nhào vào lòng bà nội, nhao nhao lên chúc bà mạnh khỏe, rồi đòi bà chia kẹo và… đòi tiền mừng tuổi. Bố mẹ và chú thím chỉ biết cười rộ, lần lượt chúc Tết bà, rồi sau đó đến chị em chúng tôi. Vừa trao phong bao màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, bà vừa nói lên những mong muốn của bà đối với chúng tôi: “Thằng Minh hay ăn chóng lớn này, năm nay phải nghe lời bố mẹ, rồi thỉnh thoảng về quê chơi với bà cho bà vui”, “Cái Dung đâu rồi, ra đây bà mừng tuổi. Học hành chăm chỉ, lúc nào cũng điểm cao biết chưa”,... Đó cũng là lúc chúng tôi nhìn lại một năm đã qua - những điều đã làm được, những dự định còn dang dở - và hướng về một năm mới thật nhiều hạnh phúc cùng niềm vui.


“...Quà nào bằng gia đình sum họp
Tết nào vui bằng tết đoàn viên…”

Đêm giao thừa, người người đổ về những nơi có bắn pháo hoa để cùng nhau chúc Tết, riêng làng tôi và nhiều làng khác trong xã lại có một nơi rất riêng, mà cũng rất đặc biệt - trên sân thượng. Nhà quê tôi thường chỉ có một đến hai tầng, làng tôi cũng không tổ chức bắn pháo hoa, vì vậy mà từ nhỏ chúng tôi đã quen với việc lên sân thượng ngồi đợi ngắm pháo hoa trên phố huyện. Vì không ở gần, nên có lúc xem được có lúc không, nhưng điều đó chưa bao giờ là quan trọng đối với người dân nơi đây. Những người hàng xóm nhìn thấy nhau, trao cho nhau một nụ cười dưới ánh sáng đèn điện đêm khuya như một lời chúc năm mới an lành, trên từng cung đường nhỏ đều vang lên tiếng trẻ con reo hò rộn ràng. Có lẽ nó không được ồn ào và đông đúc như ở những thành phố lớn, nhưng đêm giao thừa ấy vẫn mãi mãi là khoảnh khắc đẹp nhất và đáng mong đợi nhất trong lòng chúng tôi.

“...Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới
Hồn hòa vào cùng với đất trời
Xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc
Cuộc đời mãi thắm tươi…”

Tôi viết nên những dòng này khi nghe một ca khúc đón Tết - mừng xuân, hồi tưởng về ngày Tết của những năm về trước. Xã hội đang ngày một thay đổi, hiện đại hơn, vội vã và hối hả hơn, nhưng người dân Việt Nam chưa bao giờ đánh mất niềm háo hức vui tươi mỗi dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Dù cho mỗi nơi, mỗi gia đình đều có cách chuẩn bị riêng, nhưng ngày Tết vẫn luôn luôn là phong tục, cũng là tình yêu thương chúng ta dành tặng nhau cho một năm mới, một tương lai mới đang về. Và với tôi, ngày Tết quê hương là khoảng thời gian đong đầy ý nghĩa, là lúc tôi được trở về mảnh đất nuôi tôi lớn khôn: dù ta có đi đâu, có làm gì cũng đừng bao giờ lãng quên nguồn cội của chính mình.

Bạn thân mến, Tết đang về, bạn đã sẵn sàng đón Tết chưa?


Nguyễn Thị Dung - lớp 12D5 (CLB Phóng viên)