Hà Nội những ngày giữa đông… Ngoài trời, từng cơn gió khô hanh, se lạnh cứ tấp nập lao đi, lúc thì vun vút, lúc thì giật cục từng hồi. Và mưa nữa, hạt mưa phùn cứ lất phất bay trong không khí, hít vào thở ra toàn là “mùi mưa”, cơn mưa cứ dai dẳng đến khó chịu, khiến người ta dễ tưởng chốn Hà Thành này giống như thế giới một chiếc tủ lạnh khổng lồ lâu ngày không chùi rửa - lạnh buốt và ẩm ướt.


Hà Nội ẩm ướt đêm mưa phùn trở gió

Đi xe ngoài trời, nhiều khi ta chỉ thấy cái lạnh buốt xâm chiếm toàn trí óc, nên ta cố đi chậm chạp để sao cho những cơn gió lạnh lẽo kia xoa vào da thịt nhẹ nhàng nhất, tránh những cái rùng mình thật dễ sợ... Và, cũng vì quá lạnh, người ta dễ mơ tưởng đến những khung cảnh chăn ấm nệm êm, bát cơm canh nóng hổi, hay những giây phút quây quần bên gia đình, và người ta dễ mong đến Tết Nguyên Đán trong những ngày cuối cùng của năm dương lịch.

Quả thực, Tết là khoảng thời gian mà ai ai cũng thấy tràn ngập hạnh phúc, lòng háo hức và chợt khấp khởi mỗi khi nghĩ về nó….Và bỗng, tôi bất chợt nhận ra, tự bao giờ tôi đã quen thuộc với không khí Tết nơi đất Bắc này, Tết với cành hoa đào, với cơn mưa phùn, với món thịt đông hay miếng bánh dày ngậy mùi thơm béo…Tôi đã từng quen cái Tết ở miền trong, mà khi nói đến là dường như dễ dàng làm sống dậy cả một luồng ký ức dày đặc , đẹp đẽ, những hoài niệm về miền Nam xa xôi - về ngày Tết ở đất Sài Thành…


Rét Hà Thành

Tôi là “khách trọ” đã ba năm ở mảnh đất cổ kính này, và tôi sinh ra ở đất Sài Thành - thành phố lá me bay và cũng được coi là thế giới đối lập với Hà Nội. Nếu nói riêng về Tết Nguyên Đán, ở hai miền, tuy đều là Tết quê hương Việt Nam mà vẫn có những nét khác biệt khó mà giải thích cho nổi. Mùa xuân miền Nam, chỉ mới nói đến thôi, ta đã cảm thấy chút gì đó ấm áp hơn bủa vây lấy da thịt. Mà thật vậy, tiết trời miền Nam có đa dạng các mùa như Bắc Bộ đâu, quanh năm nóng nực, đã vậy vào mùa xuân, những tia nắng dường như lại càng rực rỡ và chói chang hơn. Có lẽ vì thế mà người miền Nam cảm nhận được mùa xuân đang về khi mà nắng bỗng dát vàng đều hơn, đậm hơn trên mặt đường, muôn hoa bỗng dưng khoe những sắc màu chói lọi, sặc sỡ nhất, đó quả là một mùa xuân thật đúng như nghĩa đen của câu nói “ trăm hoa đua nhau khoe sắc”. Nhưng có lẽ phần lớn, người ta lại chỉ nhận ra xuân về nơi đây một cách hờ hững và hời hợt khi mà những áp phích, biển quảng cáo ngoài đường bỗng tràn ngập hình ảnh sắc màu về ngày Tết. Tôi tự hỏi hay tại nhịp sống quá nhanh ở Sài Gòn mà mọi người chẳng còn mảy may cảm nhận những đổi thay của đất trời?

Và có lẽ ở Hà Nội sẽ khác chăng? Tôi đoán rằng, hình như chẳng cần đến những dấu hiệu “nhân tạo” ấy, ta vẫn nghe được tiếng bước chân của mùa xuân đang đến gần với nơi đây. Đó chính là khi mà tiết trời dần trở nên rét buốt hơn, khi mà cơn mưa phùn cứ dai dẳng mãi trên những con đường, khi mà cánh đồng hoa cải ngập trọn một màu vàng tươi thắm, khi ta chợt thấy sắc hồng nhàn nhạt pha lẫn màu xanh non mơn mởn của cành hoa đào đang đâm chồi hoặc chỉ đơn giản là đôi khi ta thoáng thấy bồn chồn ngóng trông về ngày Tết để được trở về quê hương mình…

Mỗi nơi một vẻ xuân, xuân miền Nam thì với cái chất xô bồ, náo nhiệt, nóng bức và rực rỡ sắc màu của một thành phố tươi trẻ căng tràn nhựa sống, xuân miền Bắc có giá rét, khô hanh để mỗi người cảm nhận rõ hơn giá trị của cái ấm áp, đầm ấm và sum vầy bên gia đình ngày Tết quý giá như thế nào.


Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh


Tết Hà Nội lạnh giá mà nhộn nhịp


Cảnh phiên chợ nổi những ngày giáp Tết ở miền Tây

Không khí ngày Lễ Tết luôn phơi phới hứng khởi và thú vị nhất vào những ngày tháng sắp sửa cận kề với phút giao thừa. Tết đến đầm ấm, quây quần hơn những ngày bình thường là vì mọi người trong gia đình có được những phút giây bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa đón năm mới , cùng gói giò lụa, bánh chưng, cùng mua sắm quần áo mới,…Và nói đến đây, có lẽ ta không thể bỏ qua những điều khác biệt thật thú vị giữa hai miền Nam Bắc trong những dịp đặc biệt như thế này. Về món ăn, chắc ta đã quá quen với mâm cơm ngày Tết miền Bắc, thật thịnh soạn và đa dạng như giò xào, giò lụa, thịt gà luộc, miến măng gà, thịt nấu đông, xôi gấc,… cũng như chắc chắn không thể nào vắng đi màu xanh đặc trưng của chiếc bánh chưng truyền thống được! Người ta đến nhà nhau chúc Tết, câu chuyện đôi bên chủ khách chắc có lẽ không phải bỗng dưng mà mà trở nên thân mật, tự nhiên và gần gũi hơn nếu thiếu đi hạt hướng dương, kẹo lạc hay những cốc trà ấm nóng hôi hổi bung tỏa.

Nhưng nơi phương Nam thì lại khác, người Nam không ăn hạt hướng dương mà thay vào đó là hạt dưa hấu, cùng với các loại mứt xanh đỏ thật sặc sỡ, những ly, những cốc bia, nước ngọt, nước cam, và hình như trà nóng không thể nào ngon được trong cái tiết trời nóng bức đặc trưng. Có lẽ, người Nam chuộng những thức quà đa màu sắc, ngọt lịm, mát lạnh, rất hợp với lối sống nhộn nhịp của những con người nơi đây còn người Bắc ta lại ưa những gì thơm ngọt nhẹ nhàng, một chút đăng đắng và ấm nóng, chút gì đó thong thả và từ tốn hơn. Quả thật chẳng biết vô tình hay cố ý, ta thấy những nét riêng ngày xuân ấy dường như là sự kết tinh thật tinh tế của 2 phong cách sống khác biệt của người miền Nam và Bắc…

Nói về ẩm thực ngày xuân, người miền Nam hiển nhiên cũng có những món ăn rất riêng: một mâm cơm “mẫu mực” cho ngày Tết ở miền Nam lại không thể thiếu đi trứng kho tàu, bánh chưng, không thể thiếu những đĩa củ kiệu, tôm khô, vị thơm ngọt của bánh dừa và chắc chắn là phải có Bánh Tét !


Bánh Tét của người miền Nam


Những món ăn ngày Tết miền Bắc


Bữa ăn miền Nam ngày lễ Tết


Mứt ngày tết !

“ Bắc có hoa đào, Nam có vàng mai” - nghe câu thơ trên mà trí óc tôi bỗng xôn xao bao nhiêu là kí ức về những ngày giao thừa nơi quê hương mình. Tôi bỗng nhớ về những ngày ấu thơ của mình đón Tết với hương vị mảnh đất miền Nam, nhớ rằng ngày Tết tôi hay được bố mẹ dắt đi đường hoa Nguyễn Huệ. Đó là một thế giới tràn ngập toàn hoa là hoa, từ những cây hoa đơn sơ mộc mạc nhất cho đến những loài hoa kì lạ nhất, tất cả đã khắc sâu vào trí óc non nớt tôi những ký ức vô cùng đậm sâu về ngày Tết nơi quê hương. Và để đón chào tất niên, gia đình tôi năm nào cũng sắm một chậu cây kiểng về nhà, mỗi năm một loài cây mới… Khác với chậu quất, chậu Đào đặc trưng ở nơi miền Bắc Bộ, cây kiểng để trang trí Tết nam bộ rất đa dạng: cây Mai Chiếu Thủy, cây Kim Phát Tài, cây xương rồng, cây hoa đá… Những ngày mới bỡ ngỡ ở Hà Nội, tôi đã tự hỏi người ta sẽ đem về trang trí trong nhà những loài cây gì vào mùa xuân đây ?



Đào và Mai - hồng và vàng - những sắc màu tươi sáng …

Giao thừa ở Nam Bộ thường là thâu đêm suốt sáng, tôi bỗng nhớ lại những đêm giao thừa cùng mẹ đi chùa cầu may, rồi hồi hộp gặp lại những đứa bạn cùng lớp cũng được mẹ dắt theo, rồi lại được mẹ mua bóng bay để rước lộc đầu năm, được dắt qua nhà bác chơi trốn tìm, chơi bịt mắt bắt dê cùng với anh chị em trong họ… Mệt quá, khuya quá rồi lại lăn ra ngủ ngay ra đất, giấc ngủ no say bên những niềm vui thật giản dị, đơn sơ, chao ôi sao mà hạnh phúc, sao mà thật tiếc nuối và nhớ nhung…

Mùa xuân hai miền Nam Bắc, dù có đôi chút khác biệt, nhưng vẫn là mùa xuân của những người con của dân tộc Việt Nam, vẫn là khoảng thời gian ta được nghỉ ngơi thư giãn sau một năm dài đằng đẵng với bao mối bận lo, vẫn là giây phút ý nghĩa cho ta thắt chặt hơn tình cảm gia đình, hàn gắn lại những đứt gãy quan hệ với bè bạn xung quanh. Và, quan trọng hơn tất cả, vị Thần Mùa Xuân còn gieo cho ta một sứ mệnh vô cùng to lớn: mùa xuân là khởi đầu của một năm mới, là lúc mà ta tự kiểm điểm và suy ngẫm về bản thân mình trong năm cũ, để rồi ta có thể làm tốt hơn trong năm mới… Sứ mệnh ấy là TỰ HOÀN THIỆN BẢN THÂN MÌNH.

Chúc cho bạn và tôi, ở cả hai miền Nam Bắc một mùa xuân mới nhiều ý nghĩa!

Acidz - 11D2 (CLB Phóng viên)