Mỗi chúng ta đều có một người mẹ, nhưng đã bao giờ ta nói được câu “Con yêu mẹ”? Hay đã bao giờ ta làm được điều gì đó tương xứng để đền đáp lại công lao cùng sự hi sinh vô hạn của mẹ? Tôi nghĩ không phải tất cả chúng ta làm được điều đó, hoặc khi hoàn thành được thì lại ngỡ ngàng nhận ra đã quá muộn. Đến với “Mẹ, thơm một cái”, ta đến với những rung động thiêng liêng của tình mẫu tử, mà thấm nhuần trong đó là hi vọng, là sức sống, là niềm tin về cuộc đời.


“Mẹ, thơm một cái” không phải là một cuốn tiểu thuyết, đó là một cuốn tự truyện được tác giả viết hàng ngày ngay sát bên cạnh mẹ trong cuộc chiến với ung thư máu. Chỉ trong một thời gian ngắn mà mọi trật tự trong nhà bị đảo lộn, không còn người mẹ luôn giữ cho mọi thứ ngăn nắp ở nhà, ba anh em cùng người bố vốn trước nay không “đụng tay” phải gồng mình sắp xếp mọi việc, từ phân công người đến viện ở với mẹ, người phụ trách việc nhà hôm nay ngày mai, đến người chịu trách nhiệm con Puma già 13 tuổi. Họ phải tập làm quen với sự thay đổi không đáng có này, và cũng học cách chấp nhận thực tại, đặt niềm tin vào mẹ, vào y học và vào bản thân mình.

Khi nói về người mẹ này, chỉ từ “phi thường” mới có thể lột tả hết những gì về bà. Dù rằng bản thân là người mắc bệnh, nhưng bà vẫn giữ được bình tĩnh, từ tốn điều khiển mọi việc trong nhà từ xa, học cách tự tạo niềm vui cho bản thân. Và nhờ vào những kinh nghiệm khi còn là hộ lý, bà cũng tự hiểu được tình hình của mình, chủ động trao đổi với y tá về bệnh trạng của bản thân. Dù đứng trước khó khăn, nhưng người mẹ ấy vẫn điềm tĩnh đối mặt, dù đau đớn nhưng bà vẫn an nhiên, ấy là sức sống mạnh mẽ, sức sống phi thường chói lòa trên trang văn, khiến lòng ta vấn vương cảm động và khâm phục. Và khi người đọc lật ngược thước phim về quá khứ, ta còn cảm động trước sự hy sinh cùng tình yêu vô bờ bến của bà dành cho gia đình.

Mẹ thích màu tím. Nhưng hiếm khi mua đồ màu tím.

Mẹ thích những thứ chúng tôi thích. Bao gồm cả chó, và các cô gái.

Như vậy, ta cũng đủ để thấy sự ưu tiên của bà, sự ưu tiên, coi trọng nhất ấy không dành cho bà, mà dành cho các con. Nhưng những đứa con liệu có hiểu được điều đó, để mà nâng niu, yêu thương mẹ như họ đã luôn được yêu?

“Muốn biết mức độ quan trọng của một cái gì đó, phương pháp nhanh nhất là “vứt bỏ nó”, để nó không tồn tại. Nếu ông Trời bắt mẹ bị bệnh nặng vì mục đích như thế, tôi chỉ có thể nói rằng, sao phải làm điều thừa thãi vậy?! Sự quan trọng của mẹ không cần bất cứ chứng cứ hỗ trợ nào.”

Cửu Bả Đao cùng hai người anh em khác của anh luôn biết rõ sự quan trọng của mẹ, họ không thể sống thiếu mẹ. Một cuộc sống thiếu mẹ, đó là một cuộc sống họ chưa từng nghĩ tới. Và mỗi khi bà mệt nhọc trên giường bệnh vì những cơn sốt dai dẳng không ngừng tra tấn bà, họ đều vỗ về thủ thỉ: “Mẹ à, con nhắc lại nhé, mẹ là người quan trọng nhất trong nhà, là ý nghĩa cuộc đời của bọn con”. Một lời như vậy đâu phải dễ nói ra, và tất cả chúng ta đều không nên đợi đến một lúc nào đó rồi mới nói, vì có lẽ khi “lúc nào đó” đến, mọi thứ lại hóa thành ân hận. Tình cảm của chúng ta nếu không trở thành hành động thì sẽ chẳng ai có thể cảm nhận được nó. Bởi vậy, hãy yêu thương, hãy trân trọng những người phụ nữ đang bên bạn, bởi đi khắp thế gian sẽ chẳng bao giờ có ai thương bạn được như cách họ làm. Yêu thương, trân trọng khi bạn còn có thể, hãy gửi tới họ những lời nhắn nhủ yêu thương, bởi nếu không là bây giờ thì sẽ chẳng có bao giờ.


Trong quá trình đồng hành và sẻ chia cùng mẹ của ba người con trai họ Kha, ngoài những giây phút hồi hộp rồi thất vọng, những khoảnh khắc ấm áp khiến người đọc rưng rưng, cũng có những đánh đổi hi sinh. Người anh cả chấp nhận từ bỏ tấm bằng tiến sĩ, người con thứ buộc phải buông tay một nửa kia của mình, còn người con út với sự thay đổi đột ngột này, sự dày vò về cả thể xác và tinh thần là không thể đong đếm. Nhưng cả ba người họ đều tin vào mẹ, tin rằng mẹ sẽ khỏi bệnh. Niềm tin ấy lớn, lớn đến mức họ đã nguyện đánh cược tất cả. Họ đánh cược niềm tin bởi vì họ yêu mẹ, bởi vì cuộc sống của họ sẽ vô nghĩa nếu không có mẹ ở bên. Và quả thực, niềm tin ấy vun đắp với những mong mỏi, cố gắng của người mẹ để rồi niềm tin ấy đã thành hiện thực. Mẹ đã bình phục và trở lại với gia đình nhỏ của họ giống như năm nào. Trở lại là gia đình ấm êm như xưa, tựa như lời hứa họ đã từng hứa cách đây 20 năm:

Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.

Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ.

Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.

Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.

Lời đề trên bìa sách kết lại cuốn tự truyện với bao suy nghĩ nảy sinh trong lòng độc giả. Không cần lời văn hoa mỹ, chỉ cần tình yêu cũng đủ để làm sáng lên những trang giấy, truyền đi những thông điệp về tình yêu, về cuộc sống đến với mọi trái tim cầm trên tay “Mẹ, thơm một cái”. Tôi hi vọng mọi người sau khi đọc cuốn sách này của Cửu Bả Đao đều có thể dõng dạc nói lời yêu với cha mẹ mình, và hãy luôn nhớ rằng, kể cả khi mọi chuyện tồi tệ nhất xảy ra, sẽ luôn có cầu vồng mang hương vị tình yêu hóa giải tất cả. Tình yêu chẳng tồn tại ở đâu xa, nó chỉ đơn giản là ở trong cái thơm lên má ta được nhận từ mẹ khi còn bé, khi lớn, và cả sau này. Tình yêu là sự tồn tại giản dị, biết đâu khi ta buồn chán và tuyệt vọng, chỉ vài từ đơn giản:

“Mẹ ơi, thơm một cái.

Thơm cái nữa.

Rồi thơm cái nữa.”

cũng khiến trái tim ta được sưởi ấm?

Bài viết: Trần Bảo Ngọc (11D2 - CLB Yêu thích đọc sách)

Ảnh: Sưu tầm