Có một chiến lược để chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực trong cuộc sống đó là hãy “bỏ qua” thay vì “vứt bỏ” chúng. Bởi nếu muốn vứt bỏ một điều gì thì trước đó bạn đã cho phép chúng tham gia vào cuộc sống của bạn rồi, cho dù vứt xong thì chúng cũng đã để lại trong bạn một điều gì đó, như là một quãng thời gian khó khăn, hay một nỗi đau mà bạn phải chật vật chữa lành.

Cuộc sống xô bồ, bận rộn ngày nay đang dần khiến con người ta “bỏ quên nhau”, quên mất việc mình cần để ý tới cảm xúc của đối phương hơn. Sẽ có lúc có ai trong chúng ta giật mình nhận ra rằng họ đáng ra nên dịu dàng với cô bạn đã mắc lỗi sai hôm nay hơn, họ đáng ra nên dành nhiều kiên nhẫn hơn với cậu con trai bướng bỉnh, họ đáng ra không nên cáu kỉnh vì một chuyện nhỏ mãi, hoặc là, họ đáng ra không nên đem sự tiêu cực của mình trút lên người khác.


Trút giận lên người khác khi mất bình tĩnh là điều không nên

Chẳng ai có quyền được trút giận, được ném “túi rác tiêu cực” của mình lên người khác cả. Không ai trong chúng ta là chiếc xe rác đáng phải hứng chịu những bịch rác ấy hết. Nhưng ta cũng chẳng thể nhắc nhở một người rằng đừng lan tỏa sự bực bội nữa, đừng cáu giận nữa, đó là những lời khuyên ngăn hết sức vô nghĩa với một người đang mất bình tĩnh. Thậm chí đôi khi chúng ta vẫn sẽ để mình bị cuốn theo vòng xoay cảm xúc của họ mà trở nên nóng giận, tiêu cực theo hoặc dẫn đến tranh cãi, giằng co với người khác. Nhưng như vậy chỉ càng khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn, bản thân mình vừa bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực không đáng có lại vừa tiếp nối trở thành kẻ đi ném túi rác tiêu cực sang cho những người xung quanh.


Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng từ cảm xúc tiêu cực của người khác

Vậy nên điều ta có thể làm, đó là thay vì giằng co, tranh cãi với những tiêu cực họ đem lại, hãy bỏ qua nó. Ta hãy bỏ qua những điều tiêu cực kia bằng cách thoải mái chấp nhận rằng đó là một phần của cuộc sống, và chúng chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc đời của ta cả, cứ vui vẻ vẫy chào nó rồi tiếp tục làm tốt việc của mình thôi. Tất nhiên cũng không hề dễ dàng để làm được những điều đó. Người có thể vui vẻ nhẹ nhàng mà bỏ qua những tiêu cực chính là người dũng cảm và ngoan cường nhất. Họ không chấp nhận tự vấy bẩn cuộc sống của mình bằng những túi rác và càng không cho người khác cơ hội để làm thế. Bởi họ biết, nếu đã để những điều tiêu cực ảnh hưởng tới bản thân thì họ sẽ lại rơi vào vòng lặp không lối thoát như một chiếc xe rác: nhận túi rác - ném túi rác - nhận túi rác từ người khác - ném túi rác sang người khác. Sau khi đã nhìn nhận được vấn đề như vậy, mong rằng mỗi người cũng hãy dũng cảm hành động, đừng để ai có cơ hội ném túi rác về phía bạn.


Học cách nói không với việc tiếp nhận nguồn năng lượng tiêu cực

Đồng thời, “bỏ qua” không hoàn toàn giống với phớt lờ, bỏ mặc. Đôi khi có những người chia sẻ những điều tiêu cực với ta bằng cách tâm sự chứ không phải “trút rác”. Với họ, ta có thể mở lòng đón nhận những cảm nhận chân thật để cùng san sẻ và xoa dịu chúng, khiến họ cảm thấy tốt hơn và cũng là khiến bản thân ta nhẹ lòng hơn. Càng trao đi những tiêu cực sẽ chỉ nhận về tiêu cực mà thôi, còn càng trao đi yêu thương thì sẽ càng nhận lại được nhiều yêu thương. Khi đã có yêu thương và những cảm xúc tích cực lấp đầy bình tâm hồn thì những túi rác kia sẽ chẳng thể nào xâm lấn đến và gây ảnh hưởng tới mình được nữa.

Như vậy, mỗi lần bị ai đó trút giận vào người, hãy luôn nhớ rằng: “Có những người giống như “chiếc xe rác” vậy: Họ chứa trong mình đầy “rác rưởi” - sự thất vọng, tức giận và chán nản. Và tất nhiên họ phải tìm chỗ để trút bỏ mớ rác rưởi đó. Nếu thấy họ trút lên bạn thì bạn đừng đón nhận. Hãy mỉm cười, vẫy chào, chúc họ vui, rồi tiếp tục công việc của mình. Cứ tin tôi đi, rồi bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn (Trích “Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác” - David J.Pollay).

 

Bài viết: Hoàng Thị Thanh An (11D3)

Ảnh: Sưu tầm