Trong bản gốc của cuốn sách Hoàng tử bé, tác giả Antoine de Saint-Exupéry chưa bao giờ sử dụng khái niệm “người lớn” để mô tả những con người lớn tuổi khó hiểu và kì quặc. Ông gọi họ bằng cái tên “les grandes personnes” - người to xác.

Trong thế giới của Saint-Ex, người lớn hiện lên như là một sinh vật kì lạ và phi lí, lúc nào cũng luôn tay luôn chân làm việc gì đó, mải đắm chìm trong huyễn hoặc tự tạo ra hay khăng khăng bám lấy những mục tiêu mà không có chút ý niệm nào, ngay cả khi họ chẳng hiểu tại sao mình lại theo đuổi những thứ đó. Và nhờ có chàng hoàng tử bé nhỏ đến từ tiểu hành tinh B612, anh phi công gặp nạn trên sa mạc, bông hoa hồng và chú cáo, chúng ta đã bước đến gần hơn với tâm trí của những đứa trẻ, rằng chúng quá đỗi đơn giản nhưng cũng rất nhiệm màu.


Còn nhớ khi chúng ta còn là trẻ con, bộ óc tiếp nhận và xử lí thông của chúng ta thật đáng kinh ngạc. Một món đồ mới, một khung cảnh mới, một mùi vị mới, những con người mới, những trải nghiệm mới, tất cả đều kì lạ, tất cả đều thú vị, đều có thể đánh thức tính tò mò và trí tưởng tượng. Chúng ta khám phá thế giới bằng sự hiếu kì bản năng, lấp đầy tâm hồn với những ý tưởng viển vông, đôi khi còn bị coi là ấu trĩ. Bởi vậy không thể đặt lên bàn cân thế giới của trẻ con và người lớn vì đó sẽ là sự chênh lệch quá đỗi. Thế giới của người lớn đã bị đám cây baobab lấn chiếm hết, nó cằn cỗi, buồn bã và những con số xem chừng hấp dẫn họ hơn nhiều.

Khi lớn lên, chúng ta sẽ có thêm trải nghiệm. Chúng ta thành thạo hơn trong việc kiểm soát bản thân, bao gồm cả lời nói, hành động và suy nghĩ. Chúng ta bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn ở năng lực, tham vọng và tư cách. Nhưng cũng trong thời gian đó, bằng cách này hay cách khác, chúng ta vô tình quên mất cách vô tư đón nhận thế giới một cách trọn vẹn. Rất hiếm người có thể giữ được cảm giác háo hức hay trầm trồ kinh ngạc, niềm vui sướng vô tận từ mấy điều được coi là vặt vãnh, những thứ vô cùng rõ ràng khi ta còn là trẻ con. Giờ đây chúng ta mới bàng hoàng nhận ra tuổi thơ là một thứ xa xỉ.


Có thật là khả năng liên tưởng và tạo lập thế giới quan của chúng ta thu hẹp lại hay là vì chúng ta đã lựa chọn không làm thế. Nếu được hỏi về kỉ niệm tuổi thơ, về dãy phố bạn đã lớn lên, những vòm cây và khung cửa, tiếng ve kêu đêm mùa hè, cái sân chung mà lũ trẻ con thường tụ tập, không khí mỗi dịp lễ tết sắp đến, những lối đi bí mật chỉ mình bạn biết,… cá rằng bạn có thể kể về chúng tới hàng giờ đồng hồ. Nhưng khi chúng ta lớn lên, những thứ đó trở nên cũ rích và quen thuộc tới phát ngán. Thế là chúng ta bỏ lại cái tính tò mò bẩm sinh, thay thế bằng một loạt những thói quen trong vô thức chẳng cần phải để tâm. Tâm trí giờ đây nên được đặt ở chỗ các bản kế hoạch và con số thì hơn.


“Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái cốt yếu thì mắt thường chẳng thể thấy”

Cứ như vậy, chúng ta tiếp tục sống với cái đầu lí tính, cân đo đong đếm đến từng phần thập phân. Tấm lòng chúng ta hẹp hơn bởi gánh vác áp lực và trách nhiệm. Chúng ta quên đi cách đón nhận niềm vui bằng cả tâm hồn và con tim, cam chịu cả những điều đang đi ngược lại với lương tâm. Chúng ta cũng quên đi mất giá trị thật sự từ nỗi đau và tình yêu thương, điều chứng tỏ ta hãy còn là một con người. Tôi vẫn hi vọng rằng mỗi chúng ta ở đây, dù đã trải qua bao nhiêu đau thương, mất mát, chai lì, vẫn hay quan tâm và tẩn mẩn với đoá hoa hồng mà mình yêu nhất, đoá hồng độc nhất vô nhị trên đời, bảo vệ nó vẹn nguyên bên trong trái tim như cách mà chàng hoàng tử bé nhỏ đã làm.



Ngoảnh nhìn lại, thấy bản thân đã đi khỏi miền tuổi thơ một quãng rất xa rồi. Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, ánh trăng đã kịp chiếu sáng khắp muôn nơi, soi tỏ cả con đường về nhà trong tim. Nhịp sống thay đổi, niềm vui trong ngày Tết cũng vì thế mà đổi thay. Nhưng không vì thế mà Trung thu không còn niềm vui nữa. Vốn đã hoà theo sự vội vã hàng ngày, nay Rằm tháng 8 chỉ mong chúng ta lại có thể quây quần, cùng thưng bánh, uống trà, kể nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống, về hành trình “tập lớn” gian nan mà cũng thú vị biết nhường nào.

Bài viết: Nguyễn Anh Thư (11D5)

Ảnh: Sưu tầm