Nếu một người hỏi bạn: “Cái gì đẹp nhất vào mùa thu Hà Nội?”, câu trả lời của bạn là gì? Mưa ư, một cái buồn không rầu rĩ như mùa Đông, man mác như mùa Xuân hay dữ dội như mùa Hè, mà như thể hàm tiếu một nụ cười. Hoa Sữa ư, mùi thơm vương giả làm người bộ hành lâng lâng, thấy say say như mình vừa được bơi trong một vò rượu quý lâu năm. Bún chả ư, những miếng chả vàng ruộm cong lên dưới ngọn lửa nóng nảy như lớp lá rụng, và ta nếm được vị đắng mà béo ngậy của làn khói nổi vị dưới khí trời se khô. Tất cả đều rất đẹp, đều rất Hà Nội. Nhưng với tôi, in dấu đậm nhất vẫn là ánh nắng.



Ảnh: Nguồn Internet

Có mấy ai đã biết cảm ơn mặt trời? Khi có nó, chúng ta kêu ca vì nóng quá, chói quá,… Thế mà cứ thử một ngày không có ánh nắng mà xem! Đến cả vòm trời cũng thấy bí bức, cõi sinh vật đều trở nên rầu rĩ. Hãy nhìn những người tù: Họ là những người hiểu rõ giá trị của mặt trời nhất. Quả cầu lửa lơ lửng kia, nó cũng giống như cha ta, mẹ ta: Có mất đi mới biết quý giá nhường nào. Cái mặt trời của Hà Nội, cái nắng của Hà Nội này thì càng đặc biệt hơn. Nó mang cả một sự mâu thuẫn: Đi dưới nó, anh có thể toát mồ hôi đầm đìa, thế mà chỉ cần một ngọn gió Đông để anh rùng mình vì lạnh, để người bộ hành nhớ đến một chiếc áo rét hay một ngôi nhà ấm áp. Nắng thu phức tạp và đáng yêu như chính người Hà Nội vậy. Nó xuyên qua từng lớp lá khô, nhỏ lấm tấm lên một cốc chè bên vệ đường. Nó nhảy nhót trên bao lớp kính, tạo nên một bức tranh lập thể. Nó rọi chiếu bao cái đẹp đẽ của nơi ngàn năm đô hội này.


Ảnh: Nguồn Internet

Đi bộ mà suy nghĩ, tức đi thơ thẩn, là một cái thú thanh tao. Cả đôi chân lẫn đầu óc đều được tự do mà cảm nhận mọi chuyện. Lúc ấy, chắc chắn những con đường thẳng tắp cho ô tô sẽ không làm vừa lòng cho trí tò mò của bạn bằng những con phố nho nhỏ. Hà Nội còn mấy chỗ như thế, dấu tích của 36 Phường Phố xưa, những nơi mà nhà sát nhà, người sát người. Ngẩng đầu lên, dưới ánh nắng thu, bạn sẽ thấy đến cả những cái cũ kĩ mà đáng quý: một khung cửa sổ bằng gỗ đã chịu biết bao mưa gió (và những cuộc hò hẹn đêm xưa); một con số đắp bằng gạch cho ta biết sự bền chắc của ngôi nhà và gia chủ; một giò lan không biết ai đã đem về từ rừng, bên cạnh là ông cụ đang trìu mến tưới tắm cho hoa... Nếu bạn nhìn xuống, thì lại nhận ra bao sự xảo diệu và giàu có của người đời ánh lên dưới nắng: hàng vải, từng xấp tơ lụa mát rượi như cơn gió; hàng bạc bày bao thứ nhẫn, dây chuyền sáng như sao trời; hàng mã đậm mùi hương trăm hoa, trầm lắng mà sâu sắc: sen, nhài, hồng hay ngâu?…

60 năm trước, cũng vào quãng này, ngày 10-10-1954, những người lính Pháp cuối cùng rút đi, những người lính giải phóng đầu tiên tiến vào Hà Nội, như đêm nhường chỗ cho ngày. Xem những thước phim xưa, thấy cái sắc vàng huy hoàng bao trùm mọi thứ: nòng súng treo mặt trời, nụ cười cô học sinh toả nắng, vầng hào quang chói trên ngọn Tháp Bút. Những người con Hà Nội, ra đi trong một mùa đông, nay hoá thành ngàn tia nắng xoá tan cái lạnh giá, mù mịt. Có lẽ mặt trời chưa bao giờ mọc cao đến thế trên trời Hà Nội. Đó là mặt trời của tự do, của hi vọng, của một thời kì mới. Mặt trời đón mừng sự khai sinh của một Hà Nội mới, một chú nhóc bên cạnh ông già ngàn tuổi, cũng như 9 năm trước đó, nó đã chứng kiến cùng một triệu người trên quảng trường Ba Đình, cái ngày 2-9-1945 lịch sử đó, khi mà đất nước ta tái sinh thành một quốc gia độc lập, tự do.


Ảnh: Nguồn Internet

 

Ảnh: Nguồn Internet

Sáng nay, trên đường đi học, tôi mới chợt nhận ra Hà Nội hôm nay toàn một rừng quốc kỳ. Bơi trong ánh đỏ vàng của rừng cờ và nắng, cái này tôn cái kia lên. Đẹp biết bao, rực rỡ biết bao. Có lẽ không có gì sánh bằng hai thứ đó…


Lê Công Vũ - lớp 12A5 (CLB Phóng viên)