Người ta thường ví bể học là dòng sông mênh mông vô tận, học trò là người đi đò, thầy cô là những người lái đò cần mẫn tận tụy. Nhưng đối với tôi, cái sự học còn cao rộng bao la như trời xanh, học trò là những cánh diều còn thầy cô là người cầm dây để điều khiển diều bay cao, bay xa. Kết thúc những tháng ngày mệt nhọc ôn thi, những giờ phút lo lắng chờ đợi điểm số, kết quả mà các học sinh lớp 10 Nguyễn Tất Thành đạt được không chỉ khiến các thầy cô giáo thở phào nhẹ nhõm mà còn cảm thấy vô cùng hãnh diện. Trong đó, nổi lên là ba học sinh với tổng số điểm hai môn điều kiện 18,25 – những cánh diều căng gió trên bầu trời xanh.

1. Lương Quang Đạt ( lớp 9A5 ) : “ Ngoài học ra, phải biết chọn game mà chơi!”

Với số điểm 18,25 trong đó 8,25 môn Văn và 10 tròn môn Toán, Đạt không khỏi khiến bạn bè ngỡ ngàng và nể phục khi nhìn vào bảng điểm của mình. Đối với việc được 10 trò môn Toán, Đạt nói “ Toán là môn chuyên rồi nên mình không lo lắm, nhưng tâm lý trong phòng thi rất quan trọng, may mà hôm ý mình thấy thoải mái nên kết quả cũng khả quan”.  Giờ đây, Đạt đã trở thành học sinh lớp chuyên Toán của trường chuyên Hà Nội – Amsterdam với số điểm cao ngất: 43 điểm. Nếu không học cùng lớp với Đạt, ít ai biết được “bộ sưu tập” những giải thưởng cậu đạt được trong năm học lớp 9 ở ngôi trường mang tên Bác: Giải Nhất môn toán cấp Quận, Giải Ba môn Toán Thành phố, Giải Ba HOMC ( Olympic Toán Hà Nội mở rộng ), Giải Ba Violympic Thành Phố,…

 

Chân dung cậu bạn với bảng thành tích đáng nể

Nhưng, bên cạnh kho thành tích đồ sộ, Đạt còn là một cậu bạn có tính cách hòa đồng, rất dễ bắt chuyện. Điều đặc biệt, với Đạt, game lại là “một phần không thể thiếu trong cuộc sống”. Đạt thường chơi hứng bia và pikachu với lí do “Chơi game cũng giúp thông minh thêm ít nhiều đấy, nhưng phải biết chọn game mà chơi, và phải biết điểm dừng. Mình chọn trò pikachu và hứng bia vì nó giúp rèn tính kiên nhẫn”. Đạt còn chia sẻ thêm “Mình còn dành thời gian xem thể thao trên tivi. Mùa hè năm nay mình rất hứng thú xem world cup và chưa thua cược với bố trận nào. Cũng là cách luyện khả năng phán đoán đấy!”.

Khi tôi nhắc tới những thầy cô giáo ở mái trường mang tên Bác , “mình chỉ muốn nói cảm ơn thôi”-  đó là điều mà Đạt muốn gửi đến cô Y Linh, cô Hải Liên, cô Châu Vân, thầy Cường,.. - những thầy cô giáo dã tận tụy với Đạt suốt 4 năm học THCS.

2. Nguyễn Mỹ Hạnh ( lớp 9A3 ) : Bạn gái “thủ khoa” duy nhất với vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười thân thiện.

Từ những phút đầu tiên nói chuyện, Hạnh đã gây thiện cảm cho người đối diện bởi sự thoải mái và dễ chịu. Hỏi về cảm xúc khi nhận được số điểm 18,25 ( 8,75 Văn và 9,5 Toán), Hạnh chia sẻ: “Hoàn toàn bất ngờ cậu ạ. Tại tớ không chăm lắm, và bắt đầu thấy tiếc, biết thế ôn thêm một chút môn Văn thì điểm chắc cao hơn”. Không hề bị ảnh hưởng bởi tâm lý phòng thi, đối với Hạnh, mỗi lần thi cũng như một lần kiểm tra trên lớp thôi. “Ăn đủ ngủ đủ, đừng cố nhét bất cứ kiến thức nào vào đầu trước khi thi, vì nếu có vào, nó đã vào từ lâu rồi”. Hiện giờ, Mỹ Hạnh đã là học sinh trường chuyên Sư phạm, ngay sát Nguyễn Tất Thành. Với Hạnh, Nguyễn Tất Thành không chỉ là nơi dạy kiến thức mà còn là nơi tiếp nhận văn hóa, cách sống, cách ứng xử. “Nguyễn Tất Thành khác biệt với các môi trường giáo dục khác bởi các hoạt động sôi nổi như hoạt động ngoại khóa, kĩ năng sống, giá trị sống, tham quan dã ngoại…


Mỹ Hạnh và các bạn thân lớp 9A3 (2010 – 2014)
(Hạnh : thứ 2 từ bên phải)

Theo học ở Nguyễn Tất Thành suốt 4 năm cấp 2, cô Lê Thị Thanh Huyền chủ nhiệm là giáo viên đã để lại ấn tượng nhiều nhất cho Hạnh. Đó cũng là giáo viên bạn yêu quý nhất“Cô rất tốt, tâm lí và đáng yêu nữa. Tớ chưa bao giờ thấy thầy cô giáo nào nhiệt tình với học sinh, quan tâm tới bọn t như thế. Nhiều lúc thấy thương cô thế nào ấyTại lớp t khá nghịch lại còn lười, nhưng cô vẫn kiên nhẫn với bọn tớ, tớ phải cảm ơn cô nhiều lắm! Vì bây giờ ra trường rồi, nên cơ hội làm gì đó cho trường cũng ít lắm, nên tớ chắc sẽ kể nhiều điều thật tốt về Nguyễn Tất Thành nếu có ai hỏi đến. Vậy thôi…”

3. Nguyễn Việt Hoàng ( lớp 9A3) : “Ma cũ” của CLB Phóng viên : năng nổ và nhiệt tình!

Không phải là lần đầu tiếp xúc với Hoàng nhưng cũng là lần đầu nói chuyện lại sau chuỗi những ngày dài học – ôn mệt mỏi. Cùng số điểm 8,75 môn Toán ; 9,5 môn Văn giống Mỹ Hạnh, nhưng điểm Văn với Hoàng lại nằm trong phạm vi “không ngờ tới” của Hoàng vì “cao quá”. Trong lúc làm bài, Hoàng thường chú ý những bài nhiều điểm. “Đặc biệt ở môn Văn, tớ chú ý vào những bài viết đoạn, phần một ấy, vì đó là phần nhiều điểm. Cộng với thời gian khá thoải mái nên tớ thường lập dàn ý kĩ ra nháp trước. Tránh được khá nhiều lỗi sai khi thực sự bắt đầu viết vào bài”. Trước lúc thi thì không thể không tránh khỏi một chút lo lắng, Hoàng chọn cách nói chuyện với các bạn cùng phòng thi để giải tỏa tâm lí căng thẳng và có thể thoải mái tập trung trước khi làm bài. Về động lực để đạt được kết quả, đó chính là những người bạn thân của Hoàng “Việc được học cùng với những người bạn thân đã giúp tớ cố gắng nhiều hơn, kiểu tất cả cùng nỗ lực cùng cố gắng thì quyết tâm sẽ cao hơn một người ý!”.

Ba con người khác nhau, ba đích đến, ba khoảng trời khác nhau , nhưng tất cả đều chung một mái nhà Nguyễn Tất Thành. Như những cánh diều dù theo gió phương nào cũng chung một bầu trời. Ba bạn đều muốn gửi lời cảm ơn và những tình cảm chân thành tha thiết đến ngôi trường này, tới những người thầy, người cô đã dìu dắt tận tụy cho các bạn có được ngày hôm nay và lời hứa hẹn sẽ trở về vào một ngày không xa.

                       

Trịnh Nguyễn Minh Anh ( CLB Phóng viên )