Hoài niệm, ấm áp và nhẹ nhàng - đó đều là cảm nhận chung về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Những câu chuyện buồn, vui của tuổi mới lớn, trong sáng và mong manh như những hạt sương sa, những kí ức tuổi thơ, thời cắp sách tới trường cùng tình cảm gia đình, bạn bè và cả những rung động đầu đời ngây ngô đã “làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam). Thế nhưng, ấn tượng của tôi khi đến với những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh lại chính ở những người mẹ. Đặc biệt, trong hai cuốn truyện dài mang tên “Con chim xanh biếc bay về”“Làm bạn với bầu trời”, hai người mẹ của hai câu chuyện đều yêu thương hết mực hai đứa con không phải mình dứt ruột đẻ ra…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955. Cho tới năm 2022 này, ông đã bước sang tuổi 67, đã 37 năm tâm huyết với nghề, viết nên hơn 100 tác phẩm trên mọi thể loại như truyện thiếu nhi, tạp văn,... Mảnh đất Quảng Nam, nơi có ngôi làng Đo Đo nhỏ nhắn đã nuôi dưỡng, nâng đỡ một tâm hồn mộc mạc, đầy thi vị và nồng nàn tình cảm. Cái nuôi tuổi thơ đầy ắp kí ức ấy tưởng như êm đềm, bình yên mà lại ẩn chứa biết bao k niệm chẳng mấy vui vẻ, nhưng chính những hồi ức buồn bã đó đã cho nhà văn rất nhiều bài học trong cuộc sống, cho ông những cung bậc cảm xúc khác nhau để viết nên muôn vàn trang văn đi vào lòng người. “Con chim xanh biếc bay về” là một trong số đó, câu chuyện xoay quanh những người trẻ nhiều hoài bão: anh chàng Sâm chủ quán ăn đầy tâm huyết với nghề làm bếp; cô Khuê chịu thương, chịu khó; cô Lương luôn hồn nhiên, hoạt bát và đầy mơ mộng; Tịnh hiền lành và tốt bụng; Quyền ương bướng, cứng đầu,… Không chỉ vậy, “Làm bạn với bầu trời” kể về chú bé Tèo bị liệt nửa người, ngày qua ngày em nằm trên chiếc giường kề bên cửa sổ, ngắm mây trời và làm bạn với thiên nhiên, truyện diễn biến xung quanh tính cách của em, đến bệnh tình, rồi mở rộng ra thân thế.


Chân dung tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Tôi đã rơi nước mắt khi đọc “Con chim xanh biếc bay về” và “Làm bạn với bầu trời” không phải vì xót xa cho số phận cay nghiệt của Sâm hay thương thay cho nỗi đau thể xác sau tai nạn của Tèo mà là tôi xúc động trước tình yêu vô điều kiện của hai người mẹ không tên trong hai câu chuyện này.


Hai cuốn truyện đầy xúc cảm - “Con chim xanh biếc bay về” (bên trái) và “Làm bạn với bầu trời” (bên phải)

Đầu tiên là mẹ của Sâm, một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó nhưng luôn bị mẹ chồng đay nghiến, chì chiết vì nghi ngờ rằng Sâm không phải là con của bà bởi càng lớn, Sâm càng khác bố mẹ cả về khuôn mặt, mái tóc, tướng đi cũng như tính cách. Trong một thời gian dài, bà phải sống với những lời cay nghiệt ấy, dù cho lòng đầy ngổn ngang, nỗi hoang mang luôn thường trực nhưng bà vẫn luôn cố gắng chăm sóc, nuôi nấng Sâm ngoan ngoãn, khôn lớn. Rồi ngày định mệnh kia cũng đến, ba Sâm lủi thủi về nhà, trên tay là kết quả xét nghiệm ADN rằng bà không phải mẹ Sâm. Người phụ nữ ấy đã thật sự gục ngã, bà tìm đến cái chết vì chẳng thể giải được nỗi oan. “Tôi nghe cả tiếng mẹ tôi rót vào tai: “Mẹ thương con nhiều lắm”, Sâm kể lại. Dù cho đứa con đó không phải do mình dứt ruột đẻ ra nhưng bà vẫn yêu Sâm hết mực. Dù cho sóng gió khiến cho thân tàn ma dại, sức cùng lực kiệt, nhưng chính tình mẫu tử thiêng liêng, lòng thương con vô bờ bến đã tiếp sức mạnh để bà được nói với con lời yêu cuối trước khi ra đi. Tình mẫu tử vượt lên trên cái ràng buộc máu mủ ấy thật đáng trân trọng biết bao!

Ở một diễn biến khác, giữa những tròng trành của cuộc đời, một người mẹ buông xuôi phó mặc trong phút giây, để rồi có Tèo. Sinh ra em nhưng lại chẳng thể nuôi nấng nên đành gửi cho dì của em. Khi dượng em trở về, bởi lòng nghi k với vợ mà nghi ngờ thân thế của Tèo, cho rằng em là con riêng của vợ. Vì nguyên do đó mà suốt những năm tháng ấu thơ, Tèo sống trong sự bất công, ghẻ lạnh của người “bố” này. Ông thậm chí còn tàn nhẫn tới mức cố tình đẩy em ngã xuống suối khiến em bị thương rất nặng và không đi lại được. Và chính người dì - người mẹ thứ hai của Tèo, mặc cho những lời trách móc, hoài nghi của chồng, dì vẫn ở bên em, đưa em lên thành phố để chữa trị, lo cho em từng bữa ăn, giấc ngủ. 8 năm sau, Tèo mới được gặp lại mẹ ruột của mình, và người dì của em rất may mắn khi không phải tìm đến việc kết thúc sự sống như mẹ của Sâm mà đã được minh oan, gia đình lại yên bình như xưa. Nghĩa cử của người dì thật cao đẹp, nhờ có dì mà Tèo đã được lớn lên trong tình yêu thương nồng ấm.

Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng: “Dĩ nhiên rồi sẽ đến ngày bạo chúa thời gian đến trước mặt tôi lạnh lùng bảo Nghỉ ngơi thôi, ông bạn!. Đó là lúc tôi không còn đủ sức để làm những điều mình thích nữa. Nhưng biết sao bây giờ, lực bất tòng tâm thì phải chịu. Chỉ mong thời gian bỏ sót tôi càng lâu càng tốt”. Thật vậy, chính tấm lòng nhiệt huyết ấy đã tiếp sức cho ông viết nên những câu chuyện bằng cả trái tim yêu thương của mình. Liệu độc giả chúng ta có thể nhìn thấu tâm trạng của mẹ nuôi Sâm và Tèo, có thể chứng kiến hai người mẹ ấy chăm lo cho hai đứa con không may kia nếu như tác giả không nhập vào nhân vật và diễn tả thật chi tiết?

Tôi khao khát muốn được gửi một lời cảm ơn đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Cảm ơn bác vì đọc các tác phẩm của bác, con thêm yêu người mẹ của mình, con thêm tin yêu vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống!”.

 Bài viết: Nguyễn Hoàng Thụ Anh (10D1)

Ảnh: Sưu tầm