Nghiên cứu khoa học có lẽ không còn là hoạt động xa lạ với học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Không chỉ năng động, sáng tạo và chuẩn bị chu đáo cho những lần “đem chuông đi đánh xứ người” trong Hội thảo Khoa học Quốc tế tại Singapore suốt nhiều năm, chúng tôi còn hào hứng tham dự hoạt động nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc cấp thành phố.

Vòng sơ khảo cuộc thi Khoa học kĩ thuật trẻ Thành phố Hà Nội năm 2013 – 2014 đã diễn ra vào chiều thứ 4, ngày 31 tháng 10. Giám kháo của vòng sơ loại bao gồm thầy giáo Đỗ Danh Bích – Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng phụ trách môn Công nghệ, thầy giáo Phạm Quốc Toản phụ trách môn Vật lí, cô giáo Bùi Thị Thu Hiền phụ trách môn Hóa học và cô giáo Nguyễn Thị Hiền phụ trách môn Sinh học.

Mở đầu buổi sơ khảo, thầy giáo Phó Hiệu trưởng cởi mở: “Thầy rất mừng khi thấy các em quan tâm đến vấn đề nghiên cứu khoa học. Những người lớn thường cho rằng nghiên cứu là phải làm nên những điều to lớn, cần thực hiện rất phức tạp và mất rất nhiều công phu. Còn các em, mọi điều thật đơn giản. Và chính những phát kiến đơn giản ấy, có thể là nhỏ, nhưng tính ứng dụng lại rất cao”.


Thầy Phó Hiệu trưởng Đỗ Danh Bích phát biểu mở đầu buổi sơ khảo

Nhóm đầu tiên là đại diện lớp 10A1 bao gồm Nguyễn Võ Thu Uyên, Nguyễn Thị Nguyệt và Kim Huệ. Các bạn nghiên cứu đề tài “Chế tạo dụng cụ phát hiện hóa chất bảo quản: Hàn the”. Đây là một đề tài tuy đơn giản nhưng khả năng ứng dụng trong thực tiễn khá cao bởi hiện nay, thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự đáng báo động.

Nhóm nghiên cứu đến từ lớp 11A1 gồm Đỗ Thị Ngọc Anh, Trần Hoàng Linh, Thẩm Trọng Hiếu, Nguyễn Tuấn Vũ và Dương Hồng Hà hướng tới việc thiết kế một thiết bị giúp cho việc chấm bài thi trắc nghiệm trở nên dễ dàng hơn. Nghiên cứu này xuất phát từ thực tế hiện nay nhiều trường, đặc biệt là vùng sâu vùng xa chưa có máy chấm nên việc kiểm tra đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm mất khá nhiều thời gian và công sức. Nếu như dự án của các bạn thành công, sẽ có biết bao gánh nặng trên vai các thầy cô được vơi đi.

Cũng là thành viên của 11A1, nhóm nghiên cứu gồm Hà Lan Hương, Đỗ Đức Toàn, Nguyễn Thành Long cùng Bùi Minh Nghĩa đã đưa ra chiếc khẩu trang vừa thời trang vừa sành điệu, phù hợp với các bạn trẻ năng động. Đó là chiếc khẩu trang siêu cách âm Soundphone, tích hợp tính năng nghe nhạc và gọi điện thoại.

Nhóm nghiên cứu đến từ lớp 11A2 lại mang đến cuộc thi ý tưởng về chiếc máy “Biến nước biển thành nước lọc bằng ánh sáng mặt trời”, lọc nước bẩn thành nước sạch. Nghe thì có vẻ hoang đường nhưng tất cả những người tham dự đều cảm thấy bị thuyết phục bởi phần trình bày rất lôi cuốn.

Không chỉ giới hạn trong lớp, Cuộc thi Khoa học kĩ thuật trẻ Thành phố Hà Nội còn thu hút sự quan tâm của các liên quân. Nhóm nghiên cứu gồm Hoàng Thị Thùy Dương, Trần Ngọc Vũ, Nguyễn Quỳnh Anh, Phạm Ngọc Hoa Linh và Nguyễn Vũ Minh đến từ hai lớp 10A1 và 10D3 đã nghiên cứu một vấn đề mang đậm chất nhân văn. Theo nghiên cứu của các bạn, hiện nay, tai nạn bỏng nước sôi nói chung và bỏng nước sôi ở trẻ em nói riêng rất đáng quan ngại. Để hạn chế những tai nạn không đáng có ấy, các bạn đã đem đến cuộc thi sản phẩm ấm đun nước điện có vỏ cách nhiệt, có thể đổi màu theo nhiệt độ và có khóa an toàn cho trẻ em.

Đại diện cuối cùng đến từ lớp 12A4 - bạn Nguyễn Việt Hải lại mang đến thiết bị chống ngủ gật có cái tên rất dễ nhận diện – “No more sleepy”. Mang đến thiết bị này, bạn mong muốn sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông vì tài xế ngủ quên khi đang lái xe.


Dùng PowerPoint thuyết trình tự tin và hiệu quả

Cuộc thi càng được tăng thêm phần hào hứng khi không nhóm nào thuyết trình suông mà không phải trả lời những câu hỏi của ban giám khảo cũng như nhóm khác. Những thắc mắc về tính khả thi của dự án, giá thành lần lượt được đưa ra. Phần lớn các câu hỏi đều được các nhóm trả lời rõ ràng và hết sức chuyên nghiệp.


Thầy Nguyễn Tiến Dũng góp ý để các ý tưởng hoàn thiện hơn


Nhóm lớp 10A1 và 10D3 trả lời câu hỏi phản biện

Qua mỗi cuộc thi như thế này, chúng tôi lại được trải nghiệm, được học thêm nhiều điều, không chỉ là tri thức mà còn là kĩ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm. Dưới sự dạy dỗ và dìu dắt của các thầy cô giáo, chúng tôi đang ngày một trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin hơn.

Hoàng Thị Thùy Dương - lớp 10D3 (CLB Phóng viên)