Những năm gần đây, các vấn đề về tai nạn thương tích ngày một gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng trong đời sống con người. Do đó, phòng chống tai nạn thương tích cũng là một biện pháp thiết yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho con người. Vào sáng ngày 5/10/2024 vừa qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành phối hợp với Viện Khoa học giáo dục an toàn Việt Nam tổ chức buổi tập huấn thực hành kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích, giúp cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh Nhà trường trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết để bảo vệ bản thân và hỗ trợ những người xung quanh.
Hướng tới một cuộc sống an toàn và lành mạnh, tại buổi tập huấn, các thầy cô được trang bị một số kĩ năng bổ ích, cần thiết: phòng chống thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn, phòng chống xâm hại và bạo lực học đường, phòng chống ma tuý và các chất gây nghiện, thực hành sơ cấp cứu theo tiêu chuẩn của WHO và nổi trên mặt nước. Để giúp các thầy cô và phụ huynh học sinh xử lí các tình huống thực tế có thể gây ra tai nạn thương tích, Ths. Nguyễn Danh Khoa - Giám đốc chuyên môn Viện Khoa học an toàn Việt Nam đã vừa chia sẻ kiến thức lí thuyết, vừa thực hành trực quan.
TS. Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định tầm quan trọng của việc trang bị những kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích
Ths. Nguyễn Danh Khoa hướng dẫn xử lí tình huống khi gặp tai nạn cháy nổ, đặc biệt là cách dùng bình cứu hỏa
Học sinh đưa ra góc nhìn cá nhân, nhấn mạnh quan điểm không đồng tình về vấn nạn thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử
Cô giáo Võ Mai Linh chia sẻ những nguyên nhân, yếu tố tác động gây ra bạo lực học đường, từ đó, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo môi trường học tập lành mạnh
Bên cạnh đó, trang bị kĩ năng sơ cấp cứu và kĩ năng tự nổi trên mặt nước là điều rất cần thiết đối với giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Trong những tình huống khẩn cấp, việc phản ứng kịp thời và đúng cách sẽ là chìa khóa giúp chúng ta bảo vệ tính mạng của bản thân và những người cần trợ giúp. Vì vậy, buổi tập huấn không chỉ cung cấp các kiến thức lí thuyết mà còn giúp học sinh có cơ hội được thực hành sơ cấp cứu và tự nổi trên mặt nước. Giáo viên và cha mẹ học sinh cũng được trực tiếp quan sát quá trình chuyên gia hướng dẫn học sinh kĩ năng tự nổi để phòng chống đuối nước, bảo đảm an toàn tính mạng khi gặp những tình huống rủi ro.
Học sinh được trực tiếp thực hành sơ cứu cho nạn nhân bị dây điện giật
Hoạt động thực hành nổi trên mặt nước giúp học sinh có kĩ năng thoát hiểm phòng trừ trường hợp đuối nước
Tham gia buổi tập huấn, cô Vương Thị Thanh Nhàn chia sẻ: “Cô rất hạnh phúc khi lần thứ ba tham gia buổi tập huấn cùng đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh. Buổi học rất bổ ích, giúp trang bị kiến thức an toàn cụ thể, sinh động. Cô hiểu sâu hơn về các tình huống mất an toàn ở gia đình, trường học và học được cách xử lí. Buổi tập huấn còn hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu khi gặp nguy hiểm như điện giật, đuối nước. Học sinh không chỉ học lí thuyết mà còn trải nghiệm kĩ năng tự nổi. Buổi tập huấn kết thúc với nhiều niềm vui và kiến thức hữu ích.” Có thể nói, buổi tập huấn là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh, giúp rèn luyện kĩ năng xử lí các tình huống cơ bản nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa các trường hợp nguy hiểm, đảm bảo an toàn trường học, hướng đến xây dựng ngôi trường hạnh phúc.
Bài viết: Phạm Huyền Trang (8A4)
Ảnh: Phan Lê Hà Khanh (7A5)