Vào sáng thứ Bảy (16/3/2023) vừa qua, tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, với sự tham dự của các giáo viên đến từ cụm trường THPT Thanh Xuân - Cầu Giấy, chuyên đề môn Ngữ văn “Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại” đã được tổ chức thành công.
Với mục đích nghiên cứu và tìm hiểu sự đổi mới và phát triển của ngôn ngữ Việt, đồng thời tạo ra một môi trường để trao đổi và thảo luận về các phương pháp lưu giữ, phát huy những tinh hoa văn hóa Việt trong sự đổi mới của ngôn ngữ, giờ học chuyên đề “Sức sống ngôn ngữ Việt” đã được tổ chức bởi cô giáo Mai Tôn Minh Trang (Tổ Ngữ văn) cùng học sinh lớp 11D1 - Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.
Song song với sự phát triển của xã hội qua mỗi thời kì lịch sử, ngôn ngữ cũng có nhiều sự đổi thay. Đi từ gen X (thế hệ sinh năm 1965-1980), đến thế hệ gen Y (1981-1996), thế hệ gen Z (1997-2012) đã mang đến những sự chuyển đổi đa dạng và đột phá trong cách sử dụng ngôn ngữ. Giờ học chuyên đề “Sức sống ngôn ngữ Việt” đã phần nào phá bỏ nhiều khó khăn và khúc mắc trong quá trình tìm hiểu về ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay.
Đến với giờ học chuyên đề, học sinh đã được tham gia vào các hoạt động vô cùng bổ ích và thú vị. Đầu tiên là hai hoạt động khởi động có tên “Từ điển Gen Z” và trắc nghiệm nhanh trên nền tảng Flickers với hệ thống các câu hỏi nhằm ôn tập, củng cố kiến thức về ngôn ngữ Việt thời nay.
Những câu hỏi thú vị giúp ôn lại kiến thức đã học
Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng và đam mê tìm hiểu, sáng tạo không giới hạn, lần lượt 4 nhóm đã có những phần trình bày báo cáo về các yếu tố mới của ngôn ngữ trong bốn bối cảnh khác nhau của cuộc sống xã hội hiện đại: “Yếu tố mới của ngôn ngữ trong lời bài hát hiện đại”, “Yếu tố mới trong ngôn ngữ về đại dịch Covid-19”, “Yếu tố mới trong ngôn ngữ báo chí dành cho giới trẻ” và “Yếu tố mới trong ngôn ngữ bày tỏ tình cảm của giới trẻ”.
Đến với bản báo cáo về “Yếu tố mới của ngôn ngữ trong lời bài hát hiện đại”, các bạn học sinh không chỉ gửi tặng những câu hát vô cùng “độc lạ” của các ca sĩ gen Z như Wren Evans, MCK,... mà qua đó, còn trình bày chi tiết về phương thức cấu tạo từ ngữ mới trong lời bài hát.
Những nét mới của ngôn ngữ trong lời bài hát hiện đại
Sự thay đổi về ngôn ngữ trong đại dịch Covid-19
Phần trình bày hấp dẫn về yếu tố mới trong ngôn ngữ báo chí
Đến với ngôn ngữ trong “Đại dịch Covid-19” và “báo chí”, các nhóm đã đem đến buổi giờ học chuyên đề những bài thuyết trình chi tiết, cụ thể, phong thái trình bày vô cùng chuyên nghiệp và tự tin. Không chỉ phân tích về những từ ngữ mới xuất hiện trong đại dịch và báo chí mới thời đại hiện nay, các nhóm còn có những phân tích sâu hơn về cấu trúc tạo từ mới.
Màn thể hiện dí dỏm, độc đáo về sự khác biệt giữa ngôn ngữ trong các thế hệ
Độc đáo và tràn đầy năng lượng, phần trình bày về các yếu tố ngôn ngữ mới trong “đời sống sinh hoạt” đã được thể hiện qua một màn kịch dí dỏm và rất “gen Z” đến từ các bạn học sinh. Đề cập đến “đời sống sinh hoạt”, bản báo cáo tập trung chủ yếu vào các yếu tố ngôn ngữ mới khi thể hiện tình cảm trong các thế hệ. Học sinh đã đưa ra những góc nhìn thú vị nhưng không kém phần sắc bén. Ngôn ngữ tuổi teen là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo, tuy nhiên, những người sử dụng cũng cần chắt lọc, cân nhắc khi sử dụng để làm phong phú và giàu đẹp thêm cho tiếng Việt. Khép lại giờ học, học sinh Lê Hà Vân Anh đã mang đến một phần rap vô cùng độc đáo với âm hưởng mạnh mẽ, thể hiện tình yêu dành cho tiếng Việt.
Chân dung những nhà nghiên cứu “nhí” sau giờ học chuyên đề thành công rực rỡ
Đây cũng là dịp giáo viên Ngữ văn cụm trường Thanh Xuân - Cầu Giấy trao đổi chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy học
Giờ học chuyên đề “Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại” đã kết thúc với những thành công sáng ngời của 4 bản báo cáo và thông điệp nhân văn về việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Qua chuyên đề “Sức sống ngôn ngữ Việt”, hi vọng các học sinh của mái trường Nguyễn Tất Thành sẽ luôn cố gắng lưu giữ, tìm tòi phát triển những tinh hoa của ngôn ngữ Việt Nam ta.
Bài viết: Phạm An Khánh (11D1)
Ảnh: Chu Nhật Minh (11A5)