Hướng tới một trường học hạnh phúc, mỗi thầy giáo, cô giáo cần hiểu được tâm lí lứa tuổi học sinh và vận dụng được các phương pháp giáo dục hiệu quả nhằm giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập hoặc có những thay đổi về tâm sinh lí trong quá trình phát triển, trưởng thành. Với mong muốn đó, thứ Bảy (20/1/2024) vừa qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi tập huấn thực hành kĩ năng kỉ luật tích cực và chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh cho toàn thể giáo viên đang công tác, giảng dạy dưới mái trường mang tên Bác.
Buổi tập huấn được tổ chức với mục tiêu giúp giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và giáo viên bộ môn (GVBM) hiểu được thế nào là kỉ luật tích cực trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp, từ đó, thực hành một số kĩ năng cơ bản về kỉ luật tích cực trong quá trình giáo dục học sinh tại trường. PGS.TS Lê Văn Hảo - Nguyên Phó Viện trưởng Viện tâm lí học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - báo cáo viên của buổi tập huấn đã trực tiếp chia sẻ với các thầy cô về một số khó khăn trong quá trình giáo dục học sinh, hướng dẫn cách phân loại các vấn đề tâm lí mà học sinh thường gặp và một số phương pháp cơ bản để hỗ trợ học sinh.
Bằng những câu chuyện thực tế đã tư vấn trong suốt 30 năm kinh nghiệm của bản thân, PGS.TS Lê Văn Hảo đã tạo nên một không khí cởi mở, tràn đầy tinh thần sẻ chia, học hỏi giữa các thầy cô tham gia buổi tập huấn. Từ đó, các thầy cô bước đầu xác định được nguyên tắc 3R1A trong kỉ luật tích cực, trong đó 3R bao gồm Relation (tính liên quan), Respectful (tôn trọng), Reasonable (tính hợp lí) và 1A - Agreement (thỏa thuận).
PGS.TS Nguyễn Văn Hảo gợi nhắc lại khái niệm và các nguyên tắc của phương pháp kỉ luật tích cực
Trong buổi tập huấn, báo cáo viên đã tạo cơ hội cho các thầy cô chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân trong quá trình giáo dục học sinh, đặc biệt là khi phải đối diện với học sinh có hành vi chưa tốt, tiêu cực, mang tính chống đối nhằm tạo sự chú ý. Từ những chia sẻ của thầy cô, báo cáo viên đi sâu xác định mục đích, nguyên nhân của những hành vi không tốt ấy, qua đó đúc kết những phương pháp kỉ luật tích cực hiệu quả.
Các thầy cô chia sẻ trải nghiệm của mình trong trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh
Sau khi đã tìm hiểu khái niệm và những nguyên tắc của kỉ luật tích cực, các thầy cô được thảo luận theo nhóm, chia sẻ về cách xử lí một số tình huống thực tiễn: học sinh trong lớp có hiện tượng chia bè kết phái nói xấu nhau, học sinh không chấp hành nội quy lớp học, học sinh ngại giơ tay phát biểu,… Từ những tình huống và các giải pháp được các nhóm đưa ra, chuyên gia lắng nghe, phân tích sâu hơn, chỉ ra tính đúng sai của vấn đề và bổ sung thêm những yếu tố mang tính khoa học, khách quan và hiệu quả nhất.
Các thầy cô làm việc nhóm và trình bày giải pháp cho những tình huống cụ thể trong quá trình giáo dục học sinh
Bên cạnh đó, chuyên gia đã chia sẻ với các thầy cô GVCN về cách nhận biết và phân loại học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Báo cáo viên đã đưa ra số liệu thực trạng việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, giúp giáo viên có thể nhận biết các dấu hiệu sớm của “rối loạn lo âu” và “trầm cảm” - hai vấn đề thường gặp ở học sinh. Các dấu hiệu nhận biết học sinh mắc các rối loạn tâm thần có thể kể đến như mất ngủ, lo lắng quá mức, mệt mỏi vô cớ, sử dụng các thiết bị điện tử, mạng xã hội quá nhiều,… Báo cáo viên cũng đã khẳng định sức khỏe tâm thần là loại sức khỏe được ưu tiên hàng đầu thế giới vì đây là loại sức khỏe thuộc về tâm trí, tâm hồn, thay đổi liên tục theo thời gian và không bao giờ ổn định tại một mức độ, vì vậy luôn cần được chăm sóc và quan tâm.
Các thầy cô GVCN thảo luận về cách hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần trong một tình huống cụ thể
Hoạt động thảo luận giúp giáo viên có cái nhìn đa chiều hơn về hướng giải quyết vấn đề, đồng thời giúp cho việc nhận dạng tình trạng sức khỏe tâm thần, hơn nữa là đưa ra được biện pháp và hành động thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ cho học sinh kịp thời. Từ các đề xuất của thầy cô, PGS.TS Lê Văn Hảo nêu ra một số biện pháp chủ yếu cần được thực hiện khi hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần: tìm hiểu nguyên nhân của khó khăn, khuyến khích học sinh chia sẻ, cùng các em tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề, không gây ra áp lực lớn, tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh,...
Báo cáo viên cùng các thầy cô thảo luận và chia sẻ về cách hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần
Buổi tập huấn kĩ năng kỉ luật tích cực và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh thực sự rất hữu ích và thiết thực, để lại nhiều bài học quý giá cho cán bộ, giáo viên trường Nguyễn Tất Thành trong quá trình giáo dục học sinh. Hi vọng rằng, những kinh nghiệm được chuyên gia chia sẻ sẽ là hành trang vững chắc giúp giáo viên hiểu học sinh của mình hơn, từ đó quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, giúp các em vượt qua những khó khăn về sức khỏe tâm thần, để đối với học sinh, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bài viết: Phạm Đoàn Bảo Khánh (10D5) - Nguyễn Hữu Thành Đạt (10D5)
Ảnh: Thầy giáo Nguyễn Bá Đại - Vũ Khánh Linh (7A5)