Nghiên cứu khoa học thực sự là một hoạt động rất có hiệu quả trong việc làm chủ tri thức của nhân loại. Qua việc giải quyết một vấn đề khoa học thì chúng ta có thể hiểu sâu sắc về một kiến thức khoa học nào đó hoặc thông qua đó có thể giải quyết được một số vấn đề trong thực tiễn hay trong sản xuất.

Nắm bắt được các kiến thức phổ thông là một trong những nhiệm vụ của giáo dục phổ thông hiện nay. Bộ giáo dục và đào tạo liên tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tối đa khả năng làm chủ tri thức của học sinh. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học cũng là một trong các cách giúp chúng ta hoàn thành được nhiệm vụ này.

Hiện nay, phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên các trường đại học rất phát triển và trở thành hoạt động thường niên của hầu hết các trường đại học trong toàn quốc. Tuy nhiên, phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh thì vẫn còn là vấn đề hết sức xa lạ với các trường phổ thông. Tại sao lại thế? Nghiên cứu khoa học là dễ hay khó?

Năm học 2011-2012, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công “Hội thảo học sinh nghiên cứu khoa học lần thứ nhất” với sự tham gia đông đảo và sôi nổi của hầu hết các lớp. Đây là một trong số rất ít trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội làm được điều này. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận học sinh tham gia và rất nhiều đề tài quá tầm cũng như chưa khả thi.

Điều này cũng thật dễ hiểu vì đây là hoạt động mới mẻ ở trường phổ thông và những kiến thức về nghiên cứu khoa học trong học sinh là chưa có. Nhiều học sinh còn hiểu chưa đúng về hoạt động này. Nhiều em nghĩ rằng nghiên cứu khoa học là một cái gì đó mang tính vĩ mô cho một quốc gia hay là một kiến thức mới được phát hiện hoặc một sản phẩm hoàn toàn mới được nghĩ ra,…

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là gì?

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức,… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Con người muốn làm NCKH phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

Thế nào là một đề tài nghiên cứu khoa học? Đề tài khác Dự án, Đề án, Chương trình?

Đề tài là một hình thức tổ chức NCKH do một người hoặc một nhóm người thực hiện. Một số hình thức tổ chức nghiên cứu khác không hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu khoa hoc, chẳng hạn như: Chương trình, dự án, đề án. Sự khác biệt giữa các hình thức NCKH này như sau:

Đề tài: được thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật, có thể chưa để ý đến việc ứng dụng trong hoạt động thực tế.

Dự án: được thực hiện nhằm vào mục đích ứng dụng, có xác định cụ thể hiệu quả về kinh tế và xã hội. Dự án có tính ứng dụng cao, có ràng buộc thời gian và nguồn lực.

Đề án: là loại văn kiện, được xây dựng để trình cấp quản lý cao hơn, hoặc gởi cho một cơ quan tài trợ để xin thực hiện một công việc nào đó như: thành lập một tổ chức; tài trợ cho một hoạt động xã hội, ... Sau khi đề án được phê chuẩn, sẽ hình thành những dự án, chương trình, đề tài theo yêu cầu của đề án.

Chương trình: là một nhóm đề tài hoặc dự án được tập hợp theo một mục đích xác định. Giữa chúng có tính độc lập tương đối cao. Tiến độ thực hiện đề tài, dự án trong chương trình không nhất thiết phải giống nhau, nhưng nội dung của chương trình thì phải đồng bộ.

Một đề tài ít nhất phải làm rõ được các vấn đề sau:

1. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: là bản chất của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu.

Phạm vi nghiên cứu: đối tượng nghiên cứu được khảo sát trong trong phạm vi nhất định về mặt thời gian, không gian và lãnh vực nghiên cứu.

2. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu

Mục đích: là hướng đến một điều gì hay một công việc nào đó trong nghiên cứu mà người nghiên cứu mong muốn để hoàn thành, nhưng thường thì mục đích khó có thể đo lường hay định lượng. Nói cách khác, mục đích là sự sắp đặt công việc hay điều gì đó được đưa ra trong nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi "nhằm vào việc gì?", hoặc "để phục vụ cho điều gì?" và mang ý nghĩa thực tiển của nghiên cứu, nhắm đến đối tượng phục vụ sản xuất, nghiên cứu.

Mục tiêu: là thực hiện điều gì hoặc hoạt động nào đó cụ thể, rõ ràng mà người nghiên cứu sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đặt ra trong nghiên cứu. Mục tiêu có thể đo lường hay định lượng được. Nói cách khác, mục tiêu là nền tảng hoạt động của đề tài và làm cơ sở cho việc đánh giá kế hoạch nghiên cứu đã đưa ra, và là điều mà kết quả phải đạt được. Mục tiêu trả lời câu hỏi “làm cái gì?”.

Như vậy, tất cả học sinh chúng ta đều có thể tham gia được vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Hy vọng các năm tiếp theo, trường Nguyễn Tất Thành sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh với chất lượng và mang tính khả thi cao hơn.

Phạm Quốc Toản - GV Vật Lí