Ngày giải phóng gần kề, các khu phố bắt đầu sáng lên màu đỏ thắm – màu của lá cờ Việt Nam. Trên Điện Biên, hoa ban mùa này nở trắng cả núi rừng, trải dài bạt ngàn trên những đỉnh núi Tây Bắc. 60 năm trước – đất nước ta bước sang một kỉ nguyên mới- tự do, độc lập đã trở về.


Những ngày này đất nước đâu đâu cũng giăng đầy khẩu hiệu, băng rôn, cờ Tổ Quốc, hào hứng kỉ niệm ngày đại lễ Quốc gia. Trận đánh Điện Biên Phủ là một trận đánh chấn động địa cầu, mang trong mình một tầm vóc lớn, chứng tỏ sức mạnh của Việt Nam đối với thế giới. Để có một hòa bình hôm nay, biết bao cha ông ta đã ngã xuống, máu tươi thấm đỏ trên từng tấc đất quê hương. Tôi nhớ mình đã đọc được ở đâu đó câu thơ này:

Chúng con lớn lên sau chiến tranh

Chỉ biết đến Điện Biên như huyền thoại

Lớp trẻ chúng tôi ngày nay chỉ biết tới trận đánh huyền thoại ấy qua sách vở, qua băng hình, qua lời kể và những bài thơ. Gian khổ, khó khăn qua những lời thơ, niềm vui vang dội khi chiến thắng qua những hình ảnh cũng bật khóc thành tiếng vì xót xa, vì cảm phục, vì xúc động:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi

Ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn

Những đồng chí thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão,

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...


Chiến tranh qua đi để lại nhiều thứ cảm xúc khó nói nên lời, nhiều nỗi đau giữ mãi mãi không thể xóa mờ. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố, nỗi đau làng xóm tan hoang nhuốm màu bom đạn, là những di chứng mà qua bao đời vẫn hành hạ những tâm hồn trẻ thơ. Quá khứ là nỗi đau, tương lai là niềm tin. Ta nhắc lại quá khứ đau thương, nhắc lại những tháng ngày chiến tranh không chỉ để tưởng nhớ công lao của những người đã đổ máu, đã hy sinh để cho chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay mà còn để nhắc nhớ những người trẻ chúng ta hôm nay, phải sống làm sao để có thể xứng đáng với quá khứ ấy.

Những ngày này, suy nghĩ về thứ tình cảm thiêng liêng mà ta quen gọi là lòng yêu nước cứ trở đi trở lại trong tôi. Theo định nghĩa trong sách vở, lòng yêu nước là tình cảm yêu quí, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước, là sẵn sàng đem tài năng, trí tuệ của mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ Quốc. Nhiều khi người ta cứ luôn nghĩ rằng, yêu nước là phải cầm súng ra trận, phải đấu tranh, phải lập nên chiến công hiển hách- yêu nước được thể hiện bằng những gì to lớn lắm…

Nhưng thật ra, lòng yêu nước chỉ giản dị thế này thôi…

Yêu nước là biết quí trọng, yêu thương chính bản thân mình, gia đình, bè bạn, thầy cô giáo, biết kính trên nhường dưới, biết cư xử sao cho đúng đắn, không trái với pháp luật, lương tâm.

Yêu nước chỉ là 2 giây đèn đỏ cuối cùng thôi biết dừng lại để chấp hành nghiêm chỉnh an toàn giao thông, biết trên 20 giây thì tắt máy để bảo vệ môi trường. Biết nhường chỗ cho những cụ già, em nhỏ, bà mẹ mang thai trên những hàng ghế xe buýt. Biết xếp hàng chờ tới lượt mình khi đi mua đồ, biết giúp đỡ những người đồng bào mình khi gặp khó khăn ngay cả khi không quen biết.

Yêu nước là luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện từ ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Biết trân trọng, tự hào, giữ gìn, phát huy truyền thống những giá trị truyền thống của dân tộc. Biết yêu quí, găn bó với nhân dân, quê hương, đất nước và các thế hệ đi trước.

Yêu nước là tôn trọng Tiếng Việt, biết dùng Tiếng Việt sao cho đúng, không bị lệch lạc, bôi xấu.

………………………………………

Đáng buồn thay những thanh niên nhận thức lệch lạc. Họ ngồi một chỗ kêu ca, phàn nàn rằng sao Việt Nam lại nghèo nàn, lạc hậu so với các quốc gia khác vậy. Một số thì chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, vô tổ chức. Những người đó tự cho mình cái quyền phán xét nhưng lại không có tí trách nhiệm nào với cộng đồng, xã hội. Việt Nam là một nước đang phát triển, vậy thế hệ trẻ chúng ta ngày nay càng phải biết rèn luyện, phấn đấu để đưa đất nước đi lên.

Tôi tự hào biết bao khi mình là người Việt Nam. Chưa có một nước nào đánh giặc như Việt Nam, hùng dũng và mạnh mẽ hơn thế. Việt Nam là quê hương tôi, nơi tôi sinh ra, là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi tôi học tập và lớn lên. Việt Nam là ngôn ngữ mà tôi nói – thứ ngôn ngữ đẹp đẽ nhất trên thế giới này. Tôi tự hào biết bao khi nhìn những anh chị Đoàn viên thanh niên, tình nguyện lên vùng cao xa xôi khó khăn dạy học, khi nhìn những đợt hiến máu tình nguyện vẫn đều đều diễn ra trong thành phố, khi cùng các bạn trong trường tôi đạp xe vì môi trường, tổ chức các chương trình nhặt rác, bảo vệ đô thị. Tôi tự hào mỗi khi bão lũ đổ về, người Việt Nam trên khắp cả nước lại chung tay giúp đỡ. Tôi tự hào khi biết, có những anh chị ở nước ngoài, dù nỗi nhớ nhà và quê hương đến nao lòng vẫn đang mệt mài học tập, đem về tri thức xây dựng Tổ Quốc... Có thể Việt Nam chưa được phát triển, nhưng với nỗ lực của toàn dân, tôi tin nước mình sẽ vươn mình sánh vai với các cường quốc, vào một ngày không còn xa nữa.


Bởi, tôi luôn tin tưởng, Việt Nam luôn đoàn kết, Việt Nam luôn có những người tài, Việt Nam luôn có những người tốt, Việt Nam luôn sẵn sàng.


Nguyễn Thị Ngọc Ánh (CLB PV)