Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà tâm lý học từ Đại học Calgary, Canada đã chỉ ra rằng 95% con người chúng ta đều trì hoãn, điểm khác biệt duy nhất là mức độ mà mỗi chúng ta trì hoãn là ít hay nhiều. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này không đến từ sự lười biếng hay cách quản lý thời gian kém hiệu quả, như nhiều người vẫn thường lầm tưởng, nó đến từ cách chúng ta điều tiết cảm xúc.


Biểu hiện

Trong cuộc sống, chắc hẳn chúng ta đã từng không ít lần có suy nghĩ, hôm nay mình chưa có hứng để làm một việc gì đó: chưa có hứng để làm việc nhà, chưa có hứng để viết bài,... Dẫu cho chúng ta biết chắc chắn là dù sớm hay muộn thì ta cũng phải hoàn thành công việc này trước thời hạn được giao. Hiện tượng này diễn ra phổ biến ở mọi vấn đề, khía cạnh trong cuộc sống, không chỉ trong công việc hay học tập, mà còn ở trong tình cảm, gia đình,... đặc biệt là với những vấn đề khó, chưa tìm ra được hướng giải quyết. Vấn đề càng khó, chưa có lời giải đáp, ta thường càng ngần ngại, không muốn thực hiện và tiếp tục cho phép bản thân trì hoãn hơn nữa. Chỉ cho đến khi kỳ hạn đã sắp đến hoặc bị đặt vào tình thế bắt buộc, chúng ta mới bắt tay vào giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, không thấu đáo.

Trong phần lớn trường hợp trì hoãn, chúng ta luôn tự nghĩ rằng, ta thực sự chỉ đang cần một động lực, một cảm hứng ngẫu nhiên đâu đó để có thể bắt đầu công việc một cách hoàn hảo. Chẳng hạn, một buổi sáng chủ nhật tinh mơ, tràn đầy hứng khởi, với tiếng chim hót sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu giải các phương trình toán học khô khan được giao hay sao? Không! Đó chỉ là cách mà bộ não chúng ta tư duy để đánh lừa trái tim cảm xúc của ta, khiến ta ngày một trì hoãn trầm trọng hơn.


Chờ đợi cảm hứng sẽ chỉ khiến ta ngày một trì hoãn tới thành công

Bản chất

Sự trì hoãn hay procrastinate trong tiếng Anh, có nguồn gốc từ tiếng Latinh là procrastinare - trì hoãn cho đến ngày mai. Nhưng nó không chỉ đơn thuần là việc ngừng công việc đó một cách tự nguyện, procrastinate còn bắt nguồn từ akrasia trong tiếng Hy Lạp cổ đại - làm một việc gì đó chống lại khả năng phán đoán tốt hơn của chúng ta. Mỗi khi trì hoãn một việc, chúng ta luôn hoàn toàn nhận thức được rằng điều mình đang làm là chối bỏ trách nhiệm với công việc đó. Đó là một ý tưởng tồi, thậm chí ta biết rằng nếu tiếp tục trì hoãn, một viễn cảnh tồi tệ sẽ diễn ra, như việc chậm trễ, quá hạn, bị phạt,... Đó là lý do tại sao chúng ta thường có cảm giác tồi tệ, tội lỗi thậm chí là cắn rứt lương tâm mỗi khi trì hoãn.


Chạy trốn cảm xúc tiêu cực khi trì hoãn

Sự trì hoãn không bắt nguồn từ lười biếng, một khuyết điểm cá nhân hay sự phân bổ thời gian kém hiệu quả, nó là một cách để bản thân đối phó với những tâm trạng tiêu cực, hỗn độn sinh ra trong cơ thể con người như buồn chán, oán giận, thậm chí là nghi ngờ bản thân,... Điều đó đã được chứng minh thông qua một nghiên cứu vào năm 2013 của tiến sĩ Fuschia Sirois, giáo sư tâm lý tại trường đại học Sheffield, Anh với kết luận tương tự rằng: “Trì hoãn là thể hiện tính ưu việt của việc làm dịu tâm trạng tiêu cực ngắn hạn so với việc theo đuổi một mục tiêu dài hạn”. Việc trì hoãn giúp chúng ta không cần phải suy nghĩ đến những vấn đề chưa lời giải đáp, những vấn đề khiến chúng ta tự đặt câu hỏi về khả năng của bản thân, giúp chúng ta trốn tránh khỏi việc gây ra những suy nghĩ tiêu cực.

Hành động

Nicholas Murray Butler nói rằng: “Kẻ bi quan luôn nhìn thấy sự khó khăn trong mọi cơ hội; người lạc quan luôn nhìn thấy các cơ hội trong mọi khó khăn”. Quả vậy, nếu chúng ta không bắt tay vào làm công việc, ta sẽ chỉ thấy mãi thấy những khó khăn, những thách thức khiến ta chùn bước. Ta sẽ mãi chẳng thể nào có cảm hứng, động lực để bắt đầu công việc một cách hoàn hảo được, đó là lầm tưởng của nhiều người. Cảm hứng, động lực sẽ chỉ đến khi ta bắt đầu làm việc, khi ta chịu suy nghĩ, dành thời gian. Chẳng hạn, bắt tay vào làm một phiếu bài tập, việc giải được bài 1 sẽ là động lực cho ta làm bài 2 và tiếp tục với phần còn lại.

Nhưng, ta sẽ chẳng thể nào tự nhủ với bản thân rằng: “Đừng trì hoãn nữa!”. Điều đó thật vô nghĩa, và gần như không khả thi với phần lớn chúng ta. Việc ta có thể làm là áp dụng các mẹo nhỏ để đánh lừa bộ não mỗi khi muốn bắt đầu trì hoãn một việc gì đó. Ta hãy tự nhủ với bản thân: “Mình sẽ chỉ làm việc này trong khoảng 15’ thôi, sau đó mình sẽ đi chơi!”. Mẹo này sẽ giúp chúng ta thực sự rời khỏi giường, hay chiếc ghế sofa để bắt đầu làm việc. Bởi việc làm này sẽ vừa giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác tồi tệ khi trì hoãn vừa có thể giúp ta tiếp tục trì hoãn công việc. Trong khi bạn thực hiện quá trình này, khả năng cao bạn sẽ cuốn theo dòng suy nghĩ của bản thân, tận hưởng, cảm thấy hạnh phúc với quá trình giải quyết vấn đề và sẽ không dừng lại nếu công việc còn dang dở. Đó chính là lối suy nghĩ Flow - Trạng thái dòng chảy hay Tâm lý của trải nghiệm tối ưu mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đưa ra vào những năm 1960. Một lưu ý khi áp dụng mẹo này đó là trong 15 phút làm việc đánh lừa bản thân đó, bạn phải thật sự tập trung vào công việc hiện tại, tránh xa các yếu tố gây nhiễu, chỉ khi đó, bạn mới có thể rơi vào trạng thái dòng chảy.


Trạng thái dòng chảy - Làm việc với năng suất tối ưu

Trong cuộc sống ngày nay, việc trì hoãn gần như đã trở thành một “văn hóa” không thừa nhận với xã hội loài người. Điều này khiến cho năng suất lao động trở nên sa sút, tốn thêm nhiều thời gian, công sức và đồng thời làm cuộc sống chúng ta trở nên tiêu cực. Hiểu được bản chất của việc trì hoãn sẽ giúp mỗi chúng ta dễ dàng chiến thắng bản thân vươn tới thành công dễ dàng hơn.

Bài viết: Phạm Quốc Đạt (11N1)

Ảnh: Sưu tầm