Ở cuối chặng đường gấp rút của những năm cuối cấp, bạn có muốn đánh đổi nền tảng một thời thanh xuân với kì thi vào 10? Những áp lực vô hình dường như đã giam giữ tất cả niềm vui hay chỉ đơn giản là một nụ cười giờ cũng hiếm khi mới thấy thấp thoáng trên khuôn mặt mỗi học sinh lớp 9. Và trên cuộc hành trình tìm lại hạnh phúc đã mất, cha mẹ cần phải thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với con để khi đó hai trái tim mới cùng chung nhịp đập, thấu cảm được cho nhau. Chính vì vậy, vào ngày 6/1/2018, buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh khối 9 mang chủ đề “Trợ giúp con trong học tập và các tình huống tâm lí” đã giúp phụ huynh lắng nghe được những gì con cảm nhận và suy nghĩ, từ đó mới có thể thấu cảm, đồng hành cùng con trên chặng đường khó khăn này.
Buổi sinh hoạt rất vinh dự được đón tiếp diễn giả PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - Giảng viên khoa Tâm lí - Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh đó là sự quan tâm từ phía Ban giám hiệu Nhà trường: cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Hợp - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Thiện - Tổng Chủ nhiệm Nhà trường cùng sự góp mặt của toàn thể GVCN và phụ huynh khối 9.
Với mục đích kết nối linh hồn của hai thế giới tưởng chừng như tách biệt bởi bức tường thành “cha mẹ - con cái”, giúp phụ huynh hiểu được con đang nghĩ gì, lắng nghe và cảm nhận để hiểu con hơn, tránh để sự lo lắng, quan tâm thái quá tạo thành áp lực lên đôi vai của con mình mà có thể sẽ gây tổn thương sâu sắc, tổn hại về tâm lí, con người, thể chất, tinh thần, buổi sinh hoạt đã thành công khi đã phá vỡ bức tường thành đó, mở được cánh cửa trái tim của nhau để mỗi cha mẹ có thể cảm được, thấu được những nét đẹp của hai thế giới.
Khởi đầu tươi vui được PGS.TS mang đến buổi sinh hoạt
PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu cùng cha mẹ chia sẻ, trao đổi giải quyết những khúc mắc khó nói
Vậy, bằng cách nào? Trong khoảng thời gian mà các con phát triển, có những thay đổi bất chợt khiến phụ huynh lo lắng không ngừng, với việc tạo ra một buổi trao đổi thẳng thắn và cởi mở, diễn giả Trần Thị Lệ Thu hiểu được rằng: chính sự quan tâm không đúng cách - nóng vội, coi trọng học, thi hơn sức khỏe; tự gây áp lực cho mình và con; áp đặt ý kiến, vạch sẵn những kế hoạch gò bó gượng ép cho cuộc đời của chúng; ép học thêm; kì vọng mục tiêu cao hơn khả năng của con hay nược lại quá buông lỏng và lơ là, không dành nhiều thời gian cho con của mình; bỏ rơi; luôn so sánh phán xét; hiếm khi động viên con,... tất cả những điều trên, nếu các cha mẹ còn lo lắng và đồng hành với con theo những cách này, chính bố mẹ đã cản trở mục tiêu, cản trở những tiềm năng, quá trình mà con còn có thể tiếp tục phát huy tối đa năng lực của mình, từ đó càng ngày càng tạo khoảng cách xa dần với con mà không hề hay biết. Những áp lực vô hình mà cha mẹ “lỡ” đặt lên đôi vai con, sự quan tâm giờ càng trở nên khó chịu, đáng sợ, muốn đồng hành cùng con, muốn con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, muốn thấu hiểu cảm thông cho những vấn đề của thế giới giờ đã gần như xa cách, phụ huynh cần nhận thấy những sai lầm của mình và thay đổi. Mỗi cha mẹ nên hiểu được và cảm thông cho những thay đổi bất thường của con: tính tình, tâm trạng thất thường; hay nổi cáu, nóng giận; mải chơi, lơ đãng; dùng máy tính nhiều; chăm chút hình thức;... bởi phụ huynh cũng đã từng trải qua chặng đường đó và “chìa khóa vàng” cùng giúp con, gắn kết mối quan hệ là: “Lắng nghe để thấu cảm”.
Phụ huynh học sinh chăm chú lắng nghe diễn giả tâm lí thảo luận để đưa ra hướng giải quyết
Khi đã cảm nhận được tâm hồn của con một cách sâu sắc nhất, để giúp con trong những khúc mắc, tạo một mối quan hệ tích cực - tìm lại hạnh phúc là cả quá trình dài. Cha mẹ cần kiên trì để có thể là chỗ dựa vững chắc, tạo lòng tin nơi đứa con của mình. Bằng những lời khuyên và giải pháp từ phía chuyên gia tâm lí Trần Thị Lệ Thu, mỗi phụ huynh đều đã có được những hướng đi cho cuộc hành trình cùng con. Nhưng có lẽ, những chìa khóa vàng để mở cánh cổng cho cả hai thế giới: bắt đầu bằng việc lắng nghe - lắng nghe con để thấu hiểu những cảm xúc rối ren mà con mắc phải, để cả hai phải cùng cảm nhận được niềm tin, sự đồng cảm dành cho nhau. Khi đó, cha mẹ mới đưa ra những những lời khuyên mang tính tích cực, vui vẻ, hài hước, chia sẻ những cảm xúc thật như người bạn của mình. Thấu hiểu được thì cần phải cảm thông với những thay đổi khó chịu của con, chuyển hóa những cảm xúc tức giận để rồi khi cả hai “cơn bão” cùng lắng xuống, hãy ngồi lại cùng nói chuyện và chia sẻ với con. Và hãy là một người đồng hành chứ đừng là một người chỉ dẫn, những khó khăn của con trong kì thi vào 10 hay những mối quan hệ xã hội và các vấn đề khác đã khiến áp lực lên đến cực điểm 60%, vì vậy, đừng để con số đó phải bùng nổ và gây ra những tổn thương sâu sắc. Đừng đánh đổi cả tuổi thanh xuân của con với việc học hay một kì thi!
Các phụ huynh cùng thảo luận, trao đổi xung quanh vấn đề:
“Trợ giúp con trong học tập và các
tình huống tâm lí”
Cha mẹ sôi nổi đưa ra những ý kiến và nhận định xung quanh
vấn đề
đồng hành cùng con trên chặng đường sắp tới
Những trao đổi cởi mở và chân thành đến từ phía phụ huynh
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Nhà
trường
có đôi lời chia sẻ sâu sắc với những
trải nghiệm của chính bản thân cô
Thầy giáo Nguyễn Văn Thiện - Tổng Chủ nhiệm Nhà trường cũng đã có lời chia sẻ đầy xúc động: “Tôi thực sự cảm thấy rất buồn khi cha mẹ vẫn chưa thể hiểu con cái dù chỉ một chút. Họ đã từng trải qua quãng thời gian ấy nhưng lại không thể mở lòng với con của mình. Trong khi các em mới chập chững bước vào đời thì đã phải chịu nhiều áp lực khủng hoảng tinh thần, thì cha mẹ lại không thể nhìn thấy điều đó, cứ theo vết xe đổ tai hại mà đi. Chỉ cần dành ra chút thời gian rảnh cho con, cùng con nói chuyện thì có lẽ những áp lực mà con phải chịu đựng cũng được gánh bớt và có lẽ những bức tường thành giữa “cha mẹ - con cái” sẽ chẳng còn là nỗi sợ hay áp lực căng thẳng. Nhưng việc đó là cả quá trình kiên trì của cha mẹ để cố gắng thấu hiểu được con mình. Sau buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa này, tôi mong có thể nhìn thấy được những cô cậu học sinh lúc nào cũng mang một nụ cười đầy hạnh phúc để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Thiện cũng chính là mong muốn của mỗi thầy, cô giáo tại ngôi trường mang tên Bác. Sau mỗi buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh đều là những dư âm đầy sâu sắc. Cảm ơn Nhà trường đã thực sự tinh tế khi nhìn thấy được những khó khăn, áp lực mà các học sinh gặp phải để có thể giúp cha mẹ cùng sẻ chia những khó khăn đó, tạo sự gắn kết giữa mối quan hệ tích cực “Cha mẹ - học sinh”.
Bài viết: Trịnh Đức Phương (8A5)
Ảnh: Vũ Đinh Ngọc Khuê (9A4)