Ai trong chúng ta ắt hẳn cũng đều từng đi biển ít nhất một lần trong đời. Biển xanh không chỉ là địa điểm phổ biến của mọi nhà mỗi khi hè đến mà còn là ngôi nhà của hàng triệu sinh vật biển ngoài kia.  Tuy vậy hiện nay, nơi “hải quốc” ấy đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn từ con người. Vậy liệu bạn đã biết thực trạng hiện tại của biển xanh?

Biển, hay đại dương là nguồn cội của sự sống trên Trái Đất. Đại dương đóng vai trò rất quan trọng với hành tinh chúng ta: cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, nuôi dưỡng các sinh vật biển,... Đây cũng là nơi có hệ sinh thái rất phong phú bao gồm rặng san hô, rừng tảo biển, vùng nước sâu và các khu vực ven bờ. Ngoài ra, “đại hải” còn mặc trên mình bộ áo xanh biếc và trong veo, khơi gợi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới.

Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy đã bị con người tàn phá khiến cho mặt nước giờ đây trở nên đục ngầu, không còn trong và xanh như trước. Đặc biệt, ta phải kể đến thực trạng “ô nhiễm nhựa” cũng chính do con người đã gây ra. Trung bình mỗi năm có khoảng 8,3 triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào đại dương. Hầu như trong số chúng là đồ dùng một lần, ống hút hay túi nilon. Những món đồ này dù không quá nguy hại đến con người, nhưng nếu những sinh vật dưới biển như rùa, cá vô tình mắc phải, liệu bạn có bao giờ nghĩ đến hậu quả?

Các sinh vật biển bị mắc vào rác thải nhựa

Không chỉ vậy, con người cũng chính là tác nhân của ô nhiễm hóa chất trên đại dương. Các chất độc hại từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp được thải ra cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đại dương và các loài sinh vật sinh sống dưới biển. Chúng có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm tăng trưởng quá mức và gây ra tình trạng thiếu oxy.

Nước biển bị nhiễm dầu và hóa chất

Bên cạnh đó, thực trạng đánh bắt quá mức cũng đang diễn ra thường xuyên tại các vùng ven biển. Một lượng lớn cá trên thế giới bị đánh bắt quá mức dẫn đến việc phá vỡ cân bằng hệ sinh thái biển.

Vậy làm sao để cứu lấy đại dương xanh? Điều đó bắt nguồn từ những việc làm nhỏ bé, giản dị nhất ở mỗi người. Chỉ cần ta có ý thức bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu các rác thải nhựa không cần thiết và không vứt rác bừa bãi xuống biển. Ngoài ra, ta cũng cần hạn chế việc đánh bắt cá quá mức, sử dụng năng lượng tái tạo, tham gia vào các chiến dịch môi trường để tuyên truyền với mọi người tầm quan trọng của việc “bảo vệ” biển xanh.

Mong rằng trong tương lai không xa, đại dương sẽ một lần nữa được hồi sinh!

Bài viết: Vũ Khánh Linh (8A5)

Ảnh: Sưu tầm