Mỗi người làm cha mẹ đều cố gắng mang lại những điều tốt nhất cho con cái của mình; nhưng đôi khi, sự quan tâm của họ không mang lại kết quả như mong muốn. Con cái luôn cảm thấy cha mẹ không hiểu chúng, cha mẹ quá quan trọng hóa mọi thứ, cha mẹ cấm đoán chúng và bắt chúng không được làm cái này, không được làm cái nọ. Chúng muốn có chỗ đứng của riêng mình trong gia đình, muốn cùng được tham gia bàn luận với bố mẹ… Nhưng có những lúc bố mẹ không hiểu, bố mẹ luôn bảo với chúng rằng: “Đây không phải chỗ cho con chơi, con đi ra chỗ khác đi !”. Và thế là đứa trẻ cảm thấy mình chẳng có vai trò gì trong gia đình. Vậy nên, Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh khối 7 đã mở ra một buổi trò chuyện nhằm mục đích chỉ cho các bậc phụ huynh biết rằng: Làm thế nào để dạy con cái chúng ta biết tự lập và yêu thương đúng cách.

Cô Tường Lan đã mở đầu câu chuyện bằng câu nói:“Tình yêu thương là nơi bắt nguồn của mọi thứ. Có yêu thương ta có thể tạo ra tất cả!” Đúng như vậy, tình yêu thương giúp ta phát triển hơn, tình yêu thương cho ta tự tin trong cuộc sống, tình yêu thương cũng dạy ta cách yêu thương những người khác. Nhưng tình yêu thương được bắt đầu từ đâu vậy? À, tình yêu thương được bắt đầu từ tình yêu đối với cha mẹ, gia đình, anh chị em, tình yêu thương trong xã hội, yêu thương thiên nhiên, con người…và hơn cả thế, “yêu thương phải xuất phát từ những thứ chúng ta đã nhận được.”


Cô giáo Tường Lan cùng với những lời khuyên bổ ích


Rồi cô kể cho mọi người nghe về chuyến đi sang Singapore, thăm ngôi trường Raffles (Raffles Institution) với những học sinh thân thiện và tích cực. Cô đã có buổi trao đổi với các học sinh và giáo viên trường Raffles về chủ đề 12 Giá trị sống của con người. Theo họ, những giá trị sống của con người hàng đầu phải là đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau, nhưng theo cô Tường Lan, những giá trị phải được bắt đầu bằng YÊU THƯƠNG! Vì theo như cô nói “yêu thương chính là cội nguồn của lời nói và hành động”. Với khả năng trình bày đầy lôi cuốn, cô đã hoàn toàn thuyết phục các giáo viên và học sinh của trường Raffles.

Cô nói với các bậc phụ huynh “con cái chúng ta như một thân cây, chúng hút nước hằng ngày để lớn lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng hút nước từ đâu? Chính là từ cha mẹ. Cha mẹ phải là biển hồ cho con trẻ, phải là biển yêu thương để con trẻ có thể dựa vào nó mà lớn lên từng ngày. Chúng cần phải được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu và được an toàn trong vòng tay của mẹ cha.”


Đây là cây giá trị sống

Tiếp theo phần nói chuyện của cô giáo Tường Lan là cô Mạnh Linh – giáo viên của phòng tâm lí học đường. Cô đã mở đầu phần nói chuyện của mình bằng một tình huống “Nếu như bạn phát hiện ra con của bạn ăn cắp tiền của mình thì bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó?”. Có rất nhiều ý kiến khác nhau từ các bậc phụ huynh được đưa ra. Có bác chia sẻ rằng: “Tôi sẽ hỏi con xem con cần tiền để làm gì, giải thích cho con hiểu và hướng con vào cách xử lí đứng đắn”. Có bác lại chọn cách vờ như không biết và tiếp tục theo dõi con. Có bác đã nói rằng đã gặp trường hợp này và khi ấy, cô đã mắng con mà không cần nghe con giải thích. Theo bác, trộm cắp là một tội lớn, nếu bây giờ nó đã biết lấy tiền của cha mẹ như thế thì sau này nó cũng sẽ biết lấy tiền của những người xung quanh và cả trong xã hội nó đang sống. Bác cũng chia sẻ rằng khi đó mình đã quá tức giận khi thấy hành vi này của con trai mình.

Sau tất cả những ý kiến của các bậc phụ huynh, cô Mạnh Linh đã đưa ra một kết luận: “Dù cho là cha mẹ có tức giận hay kìm nén để phân tích cho con thì tất cả những cách này đều bắt nguồn từ tình yêu cha mẹ dành cho con cái họ. Đây chính là nguyên tắc của tình yêu thương!”


Đây chính là kết luận cuối của giả thiết trên

Sau đó, cô Mạnh Linh tiếp tục đưa ra những số liệu đáng ngạc nhiên về những lời nói tiêu cực mà một đứa trẻ hai tuổi phải nghe mỗi ngày: 432 câu nói tiêu cực: 32 câu nói tích cực. Tỉ lệ này xấp xỉ 14:1.


Đây có thể là một thống kê thú vị dành cho các bậc phụ huynh

Sau đó, cô đã gợi ý cho các phụ huynh cách để có thể hạn chế nói những lời tiêu cực với con mình. “Chẳng hạn như khi bạn muốn con mình chia sẻ món đồ chơi nó thích cho em, bạn thường nói với chúng rằng “con nhường món đồ chơi này cho em đi!” thì khi ấy, chúng sẽ càng giữ chặt món đồ chơi của mình hơn và sẽ khiến bạn phát cáu lên và bắt đầu quát mắng nó! Vậy thì bây giờ, thay bằng việc bạn nói chúng nhường đồ chơi cho em, hãy bảo chúng rằng “con cho em chơi chung đồ chơi với con đi!” thì chắc chắn con bạn sẽ đồng ý vì trẻ con có tính sở hữu cao, nó không muốn ai giành quyền sở hữu đồ chơi của nó mà chỉ được phép “chơi chung” thôi! Và nếu như các bậc phụ huynh không thay đổi, cứ chỉ mãi biết bảo con mình rằng” con phải nhường em cái này, cho em cái nọ… thì chúng sẽ lại càng tức giận và giữ chặt đồ chơi của mình hơn”.

Tiếp sau cô Mạnh Linh, cô giáo Hiệu phó Nguyễn Thị Thu Anh cũng đã có những chia sẻ thú vị về hai đứa con của mình. Cô đã chia sẻ cho các bậc phụ huynh cách dạy con tự lập, cách để chúng biết yêu căn phòng hay cái giường ngủ của mình hơn! Để một đứa trẻ biết yêu căn phòng của mình hơn, cha mẹ phải biết cách làm cho căn phòng ấy thú vị và phải biết được cách sắp xếp sao cho trẻ cảm thấy thích thú nhất. Muốn trẻ tự lập được, các bậc phụ huynh phải biết tạo điều kiện để trẻ cùng tham gia vào các công việc trong gia đình vừa sức mình hay hướng dẫn trẻ cách xử lí nếu gặp phải tình huống khó khăn.

Sau đó là những ý kiến, câu chuyện từ phụ huynh học sinh. Các cô, các bác đã rất mạnh dạn khi đưa ra ý kiến cũng như kể lại câu chuyện của con cái mình để có thể nhận được lời giải đáp từ phía của các thầy cô giáo.


Các bậc phụ huynh chăm chú lắng nghe những chia sẻ

Cuối buổi nói chuyện, cô Mạnh Linh đã cho mọi người xem một clip có tên Cử chỉ ngọt ngào. Clip này đã truyền cho các bậc phụ huynh một thông điệp: Đồng tiền giúp chúng ta chi trả rất nhiều. Kiếm tiền để nuôi con là việc làm thiết thực của các bậc cha mẹ. Nhưng cũng chính đồng tiền sẽ khiến chúng ta dễ bị khô cứng tình cảm. Không phải chỉ có cho con cái tiền bạc thôi mới thể hiện trọn vẹn được sự thương yêu...

Buổi nói chuyện kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô của những người tham dự. Xin gửi lời cảm ơn đến cô Tường Lan, cô Mạnh Linh, cô Thu Anh, các giáo viên và phụ huynh tham gia phát biểu đã làm nên một “buổi học” thân thiện, lí thú và tràn đầy tiếng cười. Sau buổi hôm nay, mong rằng các bậc phụ huynh có thể lắng nghe con mình nhiều hơn và tìm được cách thể hiện tình yêu thương tốt nhất!                                     

Trịnh Nguyễn Minh Anh, lớp 8A5 (CLB Phóng viên)