Ban có bao giờ cố đi thật nhanh để không bị bỏ lại sau đoàn người, mua một món đồ vì tất cả mọi người đều mua nó hay thậm chí lựa chọn ngành nghề theo xu thế? Bạn có thắc mắc rằng tại sao chúng ta hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì nhưng vẫn hành động để “giống” với tất cả mọi người?

Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với câu chuyện của những cô bé, cậu bé ngày ngày chịu đựng những lời công kích, miệt thị, bạo lực mạng. Một số cô cậu bé có thể thoát khỏi và vượt qua, một số lại không được may mắn đã lựa chọn chấm dứt nỗi đau khổ. Một bộ phận không nhỏ người dùng mạng núp sau thân phận ẩn danh để buông lời cay đắng mà không chút suy nghĩ. Khi màn hình tắt, họ lại trở về làm một người công nhân, một người anh tốt, một người con ngoan mà không cần gánh chút trách nhiệm nào từ những điều mình vừa làm trên không gian ảo. Không chỉ những cô cậu thiếu niên mới là kẻ yếu đuối và nhỏ bé trước đám đông, ngay cả những người trưởng thành và mạnh mẽ cũng dễ dàng trở thành con rối trong tay xã hội - người điều khiển vô diện.


Đám đông quen thuộc chính là kẻ độc ác và tàn bạo nhất. Con người ta thường nhân danh đám đông để làm những điều mà ở vị trí của cá thể độc lập, người ta không có đủ can đảm để làm. Ở trong đám đông, vô hình trung ta được ban phát một thứ quyền năng vô song. Một tập thể lớn là nơi lý tưởng cho một cá nhân tự do bộc phát những bản năng và khía cạnh mà khi chỉ có một mình luôn bị kìm nén. Khi hoà lẫn vào dòng người, ta có cảm giác được an toàn và bảo vệ bởi tất cả mọi người đều hành xử như nhau. Cảm giác bất an được tạo ra khi một cá nhân nhận thấy cách hành xử của bản thân đang đối nghịch với đám đông, từ đó vội vã điều chỉnh lại hành vi để tránh khỏi những ánh mắt dị nghị. Điều này có thể được lý giải từ nỗi sợ bị bỏ rơi và cô lập trong bản năng con người. Vòng lặp này được diễn ra liên tục và từ đấy, một đám đông, hay nói cách khác, một “vùng an toàn” được hình thành.

Những tư cách và đạo đức chúng ta sở hữu là do đám đông định đoạt, là những tiêu chuẩn chung được xã hội chấp nhận. Có một nghịch lý xảy ra đó là đám đông là nơi đặt ra những tiêu chuẩn, nhưng chỉ khi ở trong đám đông, cá nhân mới dám phá vỡ những tiêu chuẩn ấy. Những kẻ thường tỏ ra mạnh mẽ trong đám đông thường là kẻ yếu đuối nhất khi phải đứng một mình.


Trong một đám đông, chúng ta trở thành một phiên bản không là chúng ta thường ngày, tốt xấu khó mà phân định. Đứng một mình, chúng ta vẫn là một cá nhân lịch sự và có đạo đức. Nhưng khi đứng trong một tập thể, nơi ta có thể sẽ phơi bày những mặt xấu xa, đớn hèn nhất. Khi trách nhiệm là của tất cả mọi người, đồng thời nó cũng chẳng còn là của riêng ai. Dễ thấy qua những cuộc thảm sát lớn trong lịch sử nhân loại như 2 cuộc Chiến tranh Thế giới, nạn diệt chủng Pol Pot hay chiến tranh tại các quốc gia, ít có ai thực sự đứng ra chịu trách nhiệm cho hàng triệu sinh mạng ấy.

Tuy vậy, sức mạnh của đám đông là con dao hai lưỡi. Chỉ cần biết cầm đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng tiềm năng vô hạn của nó. Có những cá nhân khi đứng một mình lại yếu đuối, hèn nhát hay dũng cảm, kiên cường, hay bất kì cá tính cá nhân nào họ sở hữu. Nhưng khi đặt trong một tập thể văn minh, nơi con người ta vẫn nhận thức rõ ràng về giới hạn, họ vẫn có thể hành xử một cách đúng đắn. Nhìn theo một khía cạnh tươi sáng hơn, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào những tập thể tốt, những đám đông tích cực đang nỗ lực từng ngày để thay đổi bộ mặt thế giới.


Con người dù có ở trong những bản năng trần tục nhất vẫn có thể tìm được tới cái “thiên lương” trong sạch của mình. Có lẽ hành trình để con người trở về với đúng “Nhân chi sơ, tính bản thiện” sẽ chông gai và đòi hỏi nhiều sự can đảm. Còn bạn, bạn quyết định trở thành ai trong đám đông?

Bài viết: Nguyễn Anh Thư (11D5)

Ảnh: Sưu tầm