Có vậy mà đã bỏ”, “Từ bỏ thứ quan trọng đến thế mà cũng được sao?”,... Chắc hẳn, ai cũng đã từng nghe thấy những câu nói này khi chia sẻ với người khác về quyết định từ bỏ điều gì đó của bản thân. Nhưng điều đó có thật sự đúng với những gì bạn đã suy nghĩ không? Là bạn đang buông tay với thời cuộc, hay đang trên con đường tìm kiếm một chân trời mới?

“Từ bỏ”, chẳng biết từ khi nào đã trở thành một khái niệm tiêu cực trong tâm trí của con người. Liệu có thật sự là như vậy? Có lẽ, mỗi người chúng ta nên học cách phân biệt giữa từ bỏ vì hèn nhát, vì ngại khó và từ bỏ vì muốn hướng đến điều tốt đẹp hơn, phù hợp hơn.


Nỗ lực, cố gắng không phải là thứ sẽ đảm bảo cho bạn một kết quả tốt đẹp như mong muốn. Từng có câu nói xuất hiện trong một bộ phim mà tôi nhớ mãi: “Bạn đâu thể đánh giá họ qua việc họ chọn từ bỏ. Vì còn có những người cả đời chỉ biết dốc sức chạy về phía trước nhưng cuối con đường ấy vẫn là vách đá”. Thật vậy, cuộc sống này chẳng hoàn hảo, cũng chẳng phải lúc nào cũng có thứ gọi là công bằng. Không bỏ cuộc có lẽ là điều mà ai cũng khuyên nhủ ta, nhưng đã mấy ai khuyên bạn nên từ bỏ để có một cái nhìn mới mẻ hơn về thời cuộc chưa?


Dám thoát khỏi nơi bạn bị kẹt lại thì mới có thể tìm thấy cách để thành công

Ta thường nghe: “Người không bỏ cuộc mới là người chiến thắng sau cùng”, nhưng tôi không nghĩ chỉ có không chịu bỏ cuộc mới luôn được coi là chiến thắng. Bạn thử nghĩ xem, từ bỏ điều gì đó từng là quan trọng với một con người liệu có dễ dàng? Dưới ánh mắt của người ngoài, đó hẳn chỉ là hành động che giấu cho sự hèn nhát, không dám đứng lên bước tiếp. Nhưng chỉ có chính mình mới biết bản thân đã nỗ lực như thế nào, chỉ có chính mình mới biết được rằng liệu quay lại con đường đó còn là lựa chọn đúng đắn hay không, chỉ có chính mình mới biết lí do thật sự của lựa chọn đó và chỉ có chính mình mới biết được để đưa ra quyết định đó ta đã gặp khó khăn đến nhường nào. Mọi kết quả mà bạn đạt được nhờ sự cố gắng của mình, dù có thể không phải xuất sắc nhất với người khác, nhưng sẽ là điều tốt đẹp nhất với bạn vì nó là kết quả của cả quá trình miệt mài, nỗ lực mà chỉ có chính bạn mới hiểu được giá trị của nó. Chẳng có gì phải buồn nếu đó là thành quả thật sự của bạn, chẳng có gì phải xấu hổ nếu người ngoài coi bạn như kẻ thất bại, vì chưa chắc họ đã dám bắt đầu lại trên con đường mới như bạn.


Khắp nơi đều là cái nhìn tiêu cực về lựa chọn từ bỏ

Đôi khi, lựa chọn từ bỏ lại là một hành động đầy dũng cảm, phải mất bao nhiêu dũng khí mới có thể dám tiến tới một vạch xuất phát mới như vậy. Từ bỏ ở đây là chọn một khởi đầu mới, là bắt đầu lại từ đầu. Vậy nên, đừng quên rằng việc từ bỏ cái cũ để hướng đến cái mới cũng được tính là một loại can đảm mà không phải ai cũng có. Chấp nhận buông tay với cái cũ để tìm đến cái mới cũng có thể trở thành dấu mốc cho việc bạn đã đủ lớn, đủ chín chắn để chấp nhận một thử thách mới, để hướng đến điều bạn thật sự cảm thấy đúng đắn và phù hợp.

Tôi không khuyên bạn rằng hãy từ bỏ khi không đạt được mục tiêu, tôi cũng không có ý khuyên bạn rằng nhụt chí thì hãy buông tay. Mà hãy tin rằng, không bỏ cuộc là điều tốt, nhưng từ bỏ không phải lúc nào cũng là xấu, là tiêu cực. Khi thật sự cần thiết, hãy chấp nhận buông bỏ và hướng tới cái tốt đẹp hơn. Khi bạn quyết định bỏ lại điều gì đó, tức là bạn đang nắm lấy một cơ hội khác, là bạn đang chuẩn bị cho một khởi đầu mới, là bạn đã đủ trưởng thành để tự quyết định con đường của chính mình.

Bài viết: Vũ Khánh Vi (11D1)

Ảnh: Sưu tầm