Tết Nguyên Đán là dịp lễ đặc biệt quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi gia đình đều tụ họp, quây quần, sum vầy bên nhau để cùng tận hưởng khoảnh khắc chuẩn bị bước sang năm mới với nhiều mong ước tốt đẹp. Trong những ngày cận kề năm mới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc cũng như ý nghĩa của dịp lễ này.

Tết Âm lịch hay còn được biết đến Tết Nguyên Đán, Tết Ta hoặc ngắn gọn hơn là Tết là một dịp lễ lớn của các nước Đông Á. Nhiều tài liệu cho rằng, Tết Âm lịch ở nước ta được du nhập từ Trung Quốc, bắt đầu từ thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Theo đó, nguồn gốc của Tết được bắt đầu từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế - tức khoảng từ năm 2852 đến năm 2205 TCN. Dù vậy, vẫn còn nhiều tài liệu thuyết phục còn được giữ lại, ghi rằng: “Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN, trị vì 2622 năm… và từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết”. 


Tranh vẽ một gia đình sum họp dịp Tết Nguyên Đán

Vào dịp Tết, người Việt có rất nhiều phong tục, truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu là lễ “Cúng ông Công ông Táo” trong ngày 23 Tháng Chạp, gói bánh chưng, lau dọn nhà cửa, cúng tất niên,... Cả gia đình sẽ cùng nhau tụ tập trò chuyện, nói về một năm đã qua và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Trong những ngày đầu năm mới, người Việt có thói quen đi hái lộc, xông nhà để cầu may, mong rằng những điều tốt lành nhất sẽ đến với gia đình trong năm mới. Một trong những nét đẹp trong văn hóa của người Việt là đi chùa đầu năm để xin lộc, xin chữ, cầu chúc cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Ngoài ra, mỗi khi gặp người quen, người Việt cũng thường gửi gắm những lời chúc phúc, những lời chúc mong muốn nhau sẽ có được một năm mới với cuộc sống tốt đẹp hơn. Người lớn sẽ mừng tuổi cùng với lời chúc trẻ nhỏ sẽ chăm ngoan, học giỏi hơn.


Nét đẹp đi chùa cầu may của người Việt Nam vào ngày Tết

Một trong những “đặc điểm nhận dạng” của ngày Tết ta đó chính là món bánh chưng, bánh dày. Người ta quan niệm rằng, bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho đất, trời. Bởi, bánh chưng được gói với vuông vắn, góc cạnh, tựa như đất; còn với bánh giầy được gói tròn trịa, uyển chuyển, mềm mại như bầu trời. Bởi vậy, sự kết hợp của hai loại bánh như gắn kết đất trời lại với nhau. Cũng chính từ sự tròn trịa của bánh giầy và sự đầy đặn của bánh chưng đã thể hiện mong ước cho một cuộc sống ấm no, sung túc, đầy đủ, trọn vẹn.


Cả gia đình quây quần gói bánh chưng

Tết, không chỉ đơn thuần là việc mọi người tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới, mà đó còn là ngày để mỗi người Việt sum họp, đoàn tụ với gia đình sau một năm học tập và làm việc không ngừng nghỉ. Tết cũng là dịp để các thành viên trong gia đình có cơ hội gắn kết, thấu hiểu, dành nhiều thời gian bên nhau hơn, giúp mỗi chúng ta gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, những công việc mình còn dang dở để cùng hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước.


Cùng đón chào một năm mới với nhiều điều may mắn 

Tết Nguyên Đán vì vậy chứa đựng đầy ý vẻ nhân văn, đẹp đẽ - trở thành một phần không thể thiếu của con người Việt Nam. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, xin kính chúc thầy cô, cán bộ, nhân viên, các bạn học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và an khang!

Bài viết: Lâm Tuấn Mạnh (CLB Lịch sử)

Ảnh: Sưu tầm