Cuộc sống của nhân loại ngày càng tiến bộ và phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy vậy, trong cuộc sống quá đỗi vội vàng, để thích nghi với nhịp sống và nơi sống, con người chúng ta đã phải mang trên mình những chiếc mặt nạ dành riêng cho từng hoàn cảnh. Dần dần, ta còn không biết con người thật sự của mình là gì, chúng ta là ai khi ta quá dựa dẫm vào tấm mặt nạ đó. Thế nhưng, đối diện với sự ngợi ca và công nhận khi bạn “đeo đúng” bộ mặt, ít ai có thể dễ dàng tháo ra và tôn trọng cảm xúc của bản thân.

Bản thân chúng ta được sinh ra đều có những “cái tôi” riêng và độc lập. Nó được hình thành qua thời gian từ lúc bé đến khi dần lớn lên, có thể được xây dựng qua sự nhận thức của mỗi bản thân về giá trị, vị trí hay đạo đức của chính họ. Qua thời gian cùng sự ảnh hưởng ở môi trường sống khác nhau mà mỗi người đều có thể phân biệt bản thân với mọi người khác và với thế giới rộng lớn bên ngoài. Sự ảnh hưởng đó nếu quá mạnh mẽ sẽ khiến “cái tôi” bị méo mó, thay đổi, mà cái tôi giả được tạo nên và làm rối loạn cuộc sống của chính ta.

Giống như cái chết từ từ và dần dà của ma túy hay thuốc lá, việc sống trong cái tôi giả định mà phù hợp giá trị bản thân sẽ đưa chính ta đến bến bờ hạnh phúc tràn đầy màu hồng. Việc ta được tin tưởng, hài lòng, yêu thương với bộ mặt giả đó khiến ta bị cuốn hút và càng muốn sử dụng nó nhiều thêm. Kết cục là chính ta càng được chú ý, quan tâm, nhưng cái tôi giả bắt đầu tạo nên nhiều điều khác biệt với cái tôi thật của chúng ta. Nếu ta tuân theo nó, ta sẽ thấy mất định hướng trong cuộc sống và “trao quyền quyết định vào cuộc sống của ta cho kẻ khác”.


Mặc dù mang trong mình biết bao tai hại nhưng có bao nhiêu người có thể sống mà không cần mặt nạ? Họ đều chỉ vì không bị mắng hay bị chê trách mà đeo lên lớp mặt nạ một cách nhẹ nhàng, phó mặc những cảm xúc lo âu, khó chịu tích tụ trong người. Ví dụ như một cô nhân viên đồng ý tham gia cuộc vui ăn uống cùng đồng nghiệp mặc dù cô không muốn. Một tình trạng cũng xuất hiện rất nhiều là khi học sinh ngần ngại hỏi bài thầy cô, mặc dù học sinh không hiểu bài nhưng vẫn một mực từ chối được nghe giảng lại. Tóm lại, ai trong chúng ta cũng đều muốn trở nên hoàn hảo mà liên tục “sản xuất” ra những tấm mặt nạ cho từng vấn đề, đối tượng hay hoàn cảnh một cách thầm lặng.


Chúng ta liên tục thay đổi bản thân vì người khác

Nếu bạn thật thà và công bằng với chính mình, chắc chắn bạn sẽ tìm ra những điều riêng của chính mình bị ẩn giấu bấy lâu. Khi bạn nhận ra những giá trị mà chỉ bản thân mình có, bạn sẽ có một cuộc đời thực sự hạnh phúc, hài lòng và tràn ngập yêu thương. Bạn thấy được tất cả những căng thẳng, buồn phiền, lo âu đều biến mất và càng cởi mở, tự tin và nhìn chặng đường tiếp theo thật lạc quan.

Vậy làm thế nào để cởi bỏ gánh nặng cái tôi ra? Làm sao để có thể bước ra khỏi cái tôi tiêu cực của chính mình? Đầu tiên, hãy bắt đầu sống thật với bản thân ngay bây giờ, không phản đối hay làm trái những điều mà con người thật đem đến. Thứ hai, sống trọn từng khoảnh khắc để không bị người khác chi phối bản thân, để tận hưởng niềm hạnh phúc bao trọn quanh ta và quyết định các hướng đi trong tương lai. Thứ ba, tập chịu trách nhiệm và không đợi chờ người khác công nhận bản thân. Để khiến cho bản thân hoàn hảo hơn, ta phải nỗ lực từng ngày và không dùng bộ mặt giả để gây ấn tượng, trái lại chúng sẽ càng bào mòn bản thân ta. Cuối cùng, hãy đặt ra các mục tiêu và khen ngợi bản thân. Việc tìm được các mục tiêu, cổ vũ bản thân hoàn thành mục tiêu và tự khích lệ bản thân là trải nghiệm mà cái tôi giả không bao giờ đem lại được.


Ta phải biết mặt nạ của ta không phải là tất cả, nó chỉ là công cụ giải quyết vấn đề ngắn hạn. Trong khi ta có thể là một cá thể tự do, được sống hồn nhiên và hạnh phúc, tại sao chúng ta phải mang vác một bao lớn chứa những lớp mặt nạ? Hãy bỏ chúng xuống và nhớ rằng bạn, họ hoặc bất kì cá nhân nào là một, là duy nhất và không ai có thể thay thế. Đừng để bạn bị hòa tan vào đám đông hay bị đánh đồng với bất kì điều gì khác, bởi lẽ: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” (Khuyết danh).

Bài viết: Nguyễn Đức Minh Trí (8A4)

Ảnh: Sưu tầm