Song hành với hai cuộc thi Thi vẽ tranh về vũ trụ với chủ đề “Vũ trụ và Em” của học sinh khối 6, Thi chế tạo và phóng tên lửa nước của học sinh khối 8, khối 10, học sinh khối 7 đã tham gia tích cực hoạt động thí nghiệm hạt giống vũ trụ. Có thể nói “Tuần lễ vũ trụ” với chuỗi các chương trình hấp dẫn diễn ra thành công và để lại dấu ấn tốt đẹp trong học sinh trường Nguyễn Tất Thành.

Mục tiêu của chương trình Thí nghiệm hạt giống vũ trụ là giúp các em tìm hiểu kiến thức, nâng cao nhận thức khoa học và công nghệ vũ trụ. Cụ thể, các em biết cách đánh giá sự khác biệt giữa hạt giống trồng trong môi trường không trọng lực và hạt giống trồng trên Trái đất và thấy được tầm quan trọng của ánh sáng quang hợp đối với sự phát triển của thực vật trên Trái đất.

Thí nghiệm hạt giống vũ trụ là tiến hành gieo trồng và theo dõi sự nảy mầm của hạt đậu Azuki để ngoài sáng và trong bóng tối. Từ đó tiến hành so sánh sự sinh trưởng của các hạt đậu này với các hạt được trồng trên trạm vũ trụ Jaxa (cơ quan hàng không quốc gia Nhật Bản) trong điều kiện ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm tương tự. Để đánh giá chính xác về khả năng sinh trưởng và thích ứng của các hạt Azuki, các em đã làm việc nhóm, thí nghiệm ròng rã liên tục và nghiêm túc trong hơn 1 tháng. Qua đây, đức tính kiên nhẫn, phong thái nghiên cứu khoa học và tinh thần đoàn kết đã được tôi luyện.

Về mặt kĩ thuật và hạt giống, các em được các cô giáo bộ môn Sinh học của lớp và cán bộ của Viện khoa học công nghệ vũ trụ cung cấp, hướng dẫn chi tiết. Sau 5 – 7 ngày gieo trồng, bằng sự quan sát và theo dõi các hạt đậu Azuki nảy mầm, các em đã ý thức được vai trò to lớn của ánh sáng trong quá trình sinh trưởng của hạt mầm. Ngoài ra, các em còn đưa ra nhiều lí giải sâu sắc. Theo các em sở dĩ người ta chọn mang hạt đậu Azuki lên vũ trụ bởi đây là loại hạt rất phổ biến ở Nhật Bản, giá thành rẻ. Bên cạnh đó, hạt còn có ưu điểm là dễ trồng, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện bất lợi, thời gian sinh trưởng ngắn. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, đủ cung ứng năng lượng cần thiết. Những kiến thức này thẩm thấu vào nhận thức của các em bằng chính quá trình trải nghiệm thực tiễn. Các em lúc này vừa là một bác nông dân cần mẫn vừa là một nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi những điều kì diệu mới. Điều này đã thực sự cuốn hút và khơi dậy niềm hứng thú của các em.


Say sưa thí nghiệm


Một hình ảnh ấn tượng của nhóm thử nghiệm hạt giống vũ trụ


Cùng nhau gieo hạt giống


Niềm vui bên sản phẩm


Sản phẩm gieo trồng


Theo dõi hạt nảy mầm


Hạt đậu nảy mầm

Quá trình thử nghiệm hạt giống không chỉ đem đến những kiến thức mới mẻ về bộ môn sinh học và đậu Azuki mà quan trọng mang lại một cách học thú vị, biết vận dụng các phương pháp so sánh, thống kê trên cơ sở đó đi đến những kết luận khoa học.

Vât liệu chuẩn bị gieo trồng và kiểm tra thí nghiệm đơn giản, rẻ tiền và dễ mua. Các em đã tiến hành 4 bước cơ bản sau: gieo hạt, chăm sóc hạt đậu mầm, theo dõi hạt nẩy mầm, cuối cùng báo cáo kết quả thí nghiệm. Mỗi một bước đòi hỏi những kĩ thuật và kiến thức sinh học khác nhau. Có thể nói, hoạt động này đã kích thích và phát huy cao độ năng lực quan sát, phân tích – đánh giá, so sánh, tổng hợp ở học sinh.

Các em chia sẻ: “Bọn em thích lắm cô ạ, hồi hợp chờ đợi từng ngày xem hạt có nảy mầm không, nảy mầm như thế nào”. Một bạn khác nói “chăm chút từng tí một – ghi ghi chép chép suốt ngày – có hôm kiểm tra thấy mầm quăn queo hay bị mốc – cả nhóm đều ỉu xìu và lo lắng”, rồi hào hứng “Chúng em thích thực hành, vừa vui và vừa hiệu quả”. Nguyện vọng của các em rất chính đáng. Cảm xúc của các em thật đáng yêu. Muốn phát hiện và phát triển năng lực của học sinh có lẽ điều đầu tiên ta cần hiểu rõ mong muốn và quan tâm nhu cầu của các em.

Viện Khoa học công nghệ vũ trụ cùng với tổ Vật lí, Sinh học, Mĩ thuật trường Nguyễn Tất Thành đã tổng kết chương trình “Tuần lễ vũ trụ” ở cả ba hoạt động: Chế tạo và phóng Tên lửa nước, Thí nghiệm hạt giống vũ trụ Thi vẽ tranh về vũ trụ. Vào giờ chào cờ đầu tuần vừa qua, các cá nhân và nhóm đoạt Giải vinh dự được cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh và anh Nguyễn Vũ Giang – cán bộ của Viện trao bằng khen và phần thưởng. Riêng nội dung Thí nghiệm hạt giống vũ trụ có 11 giải. Trong đó, nhóm của em Nguyễn Thị Minh Thư – Lớp 7A5 giải Nhất, giải Nhì thuộc về nhóm của em Trần Phương Linh – Lớp 7A3 và Nguyễn Phúc Cẩm Đan – Lớp 7A6 đạt giải Nhì; giải Ba, Khuyến khích có 8 giải.


Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị  Thu Anh và Nguyễn Vũ Giang – cán bộ của Viện
trao bằng khen cho học sinh được giải

Bằng khen đó, đối với các em vừa là kỉ niệm đẹp, vừa là sự ghi nhận thành tích và quan trọng hơn, nó là bằng chứng vượt lên chính mình và thể hiện năng lực bản thân của các em. Đây là một cách trân trọng tài năng, chăm sóc giá trị của học sinh mà thầy cô, nhà trường Nguyễn Tất Thành tâm niệm.

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú