Hòa bình là món quà vô giá mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều khao khát được sở hữu. Nó như tấm khiên vững chắc bao bọc, che chở cuộc sống của ta, nhưng đôi khi lại tựa những thứ mỏng manh, dễ đánh mất, bởi lẽ nếu con người không trân quý và biết gìn giữ hòa bình, cái giá phải trả để vãn hồi là vô cùng lớn. Mang thông điệp đầy sức nặng và nhân văn ấy, vào giờ Chào cờ chiều thứ 2, chi đoàn 10D1,10A1 đã đem đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc, chạm đến trái tim nhiều thầy cô và các bạn học sinh.
Để có được cuộc sống an bình như ngày hôm nay là hàng ngàn năm lịch sử với biết bao mất mát, đau thương của cha ông. Những ra đi ấy đã khắc sâu trong tâm tưởng mỗi con người Việt Nam một lòng quý trọng hòa bình, tâm nguyện sống một cuộc đời thật ý nghĩa, biết hiến dâng cho quê hương, đất nước. Mở đầu buổi Sinh hoạt dưới cờ với chủ đề “Hòa bình”, 2 lớp đã mang đến tiết mục hát múa “Tự nguyện” của tác giả Trương Quốc Khánh nhằm truyền tải những lời nhắn gửi ý nghĩa.
Tiết mục được thể hiện qua giọng hát của bạn Phương Thảo
(10D1)
cùng nhóm múa đến từ tập thể 10D1, 10A1
“Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền
Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm
Cùng muôn trái tim ngất ngây hòa bình…”
Trân trọng những giá trị của hòa bình không chỉ là có trách nhiệm với chính bản thân mà còn là biết ơn quá khứ - nhớ về một thời đạn bom, một thời hào hùng. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, không còn bên tai những tiếng bom rơi, đạn nổ, đó chính là thành quả của biết bao con người yêu nước thuở ấy đã cống hiến máu xương, anh dũng ngã xuống cho ngày độc lập. Một trong những sự kiện đầy bi tráng trong trang sử cứu nước ấy là sự hi sinh quả cảm của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. Dưới nền nhạc “Cúc ơi”, tiết mục múa kịch đầy công phu đã tái hiện lại khoảnh khắc xúc động năm nào.
16 giờ ngày 24.7.1968, một quả bom của
không lực Mỹ ném trúng nơi 10 nữ thanh niên xung phong
đang trú ẩn ở Ngã ba Đồng
Lộc và 10 cô gái tuổi xanh đã vĩnh viễn nằm lại ngã ba này
“Ngày mẹ nhận được thư của
con thì cũng là lúc con đã hi sinh”
Còn gì xót xa hơn khi mẹ già ở hậu phương
phải chịu đựng nỗi đau mất con nơi chiến trận…
10 cô gái ấy đã anh dũng hi sinh nơi chiến trận. Họ tự nguyện tham gia chiến đấu, dấn thân mình vào những “tọa độ chết” chỉ với một nguyện ước duy nhất: góp sức mình cho ngày hòa bình của dân tộc. Thế nhưng, chẳng phải cái giá của chiến tranh ấy quá lớn hay sao khi nó đổi lấy bằng máu và sinh mạng của những người dân vô tội, tước đi những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của thế hệ trẻ, mang đến bao nỗi đau tột cùng của chia li, mất mát. Nỗi đau đó đã được khắc họa chân thực trên sân khấu, đưa vở kịch lên cao trào.
“Đồng đội khóc thương tên em…”
Chị Hồ Thị Cúc là người cuối
cùng được tìm thấy thi thể
sau trận dội bom xuống Đồng Lộc - “Cúc
ơi! em ở đâu?”
Tiết mục đã đem đến cho thầy cô và các bạn học sinh bao cảm xúc nghẹn ngào. Từ đó, ta càng biết ơn hơn công lao to lớn của cha ông, để giờ đây chúng ta được hưởng nền hòa bình. Kết thúc chương trình, hòa chung tiết xuân rộn ràng của năm mới Kỉ Hợi 2019, tập thể lớp 10D1 đã mang đến tiết mục nhảy sôi động Hide & Seek và Daddy.
Bạn Phan Diệp Quỳnh (10D1) chia sẻ: “Với mình, quá trình luyện tập xuyên suốt thời gian chuẩn bị cho buổi sinh hoạt dưới cờ không hề đơn giản. Trước tiên là vì mang chủ đề “Hoà bình”, 1 chủ đề “không mới nhưng phải biết làm nổi bật nó lên”. Vì thế trong quá trình lên ý tưởng cho các tiết mục, rồi xem xét, sửa đổi kết hợp với luyện tập chúng mình phải vô cùng “cân não”. Mình thực sự muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất đến các bạn quản lí từng tiết mục và đồng thời là những nỗ lực của các bạn tham gia. Không thể phủ nhận rằng chúng mình đã có những phút giây đáng nhớ khi cùng nhau luyện tập: nào là lúc các bạn chán nản vì động tác khó nhớ, nào là hò hét khi nâng được bạn “Cúc” lên ở cuối tiết mục “Cúc ơi!”, rồi cả những buổi tập xong cả đám hò hẹn đi ăn nữa chứ! Mình tin rằng sau buổi sinh hoạt này thì “liên minh” 10A1 và 10D1 thực sự như người một nhà rồi, ai cũng quen thêm được bạn mới! Có lẽ đây sẽ là kỉ niệm mà mình sẽ không bao giờ quên được, đánh dấu những ngày tháng đầu tiên mình vào trường và cả là lần đầu tiên mình được dẫn trước các thầy giáo, cô giáo và các anh chị, các bạn học sinh nữa!”
Qua buổi sinh hoạt dưới cờ này, mong rằng mỗi bạn học sinh sẽ hiểu thêm về giá trị của hòa bình để từ đó, sống trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng, biết rèn luyện nhân cách. “Nói về hòa bình là không đủ. Bạn phải tin vào nó. Và tin vào hòa bình là không đủ. Bạn phải hành động vì nó”.
Bài viết: Nguyễn Thị Thu Hường (10D1)
Ảnh: Lê Khánh Vi (10D4)