Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, sử sách nước nhà đã ghi danh bao nhiêu kì tích, những chiến công hiển hách mà Quân đội Nhân dân Việt Nam ta đã làm được. Vì vậy, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã khắc ghi những ngày lễ trọng đại trong lịch sử dân tộc. Trong số đó, ngày 22/12 – ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam – là một dấu mốc thiêng liêng, gắn liền với niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc của mọi thế hệ người Việt.
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”
Những trang sử vàng viết bằng máu và nước mắt
Vì hai chữ “Độc lập”, liệu nhân dân Việt Nam có phải trả một cái giá quá đắt? Tôi đã từng băn khoăn biết bao lần trước câu hỏi ấy. Nhưng giờ đây, khi nhìn lại những trang sử hào hùng, tôi không còn day dứt nữa. Bởi lẽ, để đổi lấy hòa bình và tự do, dù cái giá có lớn đến đâu, nó vẫn thật sự xứng đáng. Phải chăng, chính những suy nghĩ ấy cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho ông cha ta trong những ngày tháng gian khó?
Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Ngày 22/12/1944, giữa núi rừng Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ đầu tiên. Trong cảnh núi rừng âm u và những điều kiện thiếu thốn, họ đã thắp lên ngọn lửa đầu tiên của phong trào đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc. Từ những ngày đầu gian khó ấy, quân đội ta đã trưởng thành qua khói lửa chiến tranh, vượt qua muôn vàn thử thách để lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Những trận chiến như Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hay Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… không chỉ là những mốc son chói lọi trong lịch sử đất nước, mà còn là minh chứng hùng hồn cho ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Đó là những trang sử không chỉ được viết bằng chiến thắng, mà còn bằng sự hi sinh lớn lao của biết bao người con yêu nước. Chính những hi sinh ấy đã làm sáng ngời hơn bao giờ hết giá trị của hai chữ “Độc lập”.
Những trang sử vàng sáng ngời hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”
Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” mãi mãi là biểu tượng đẹp đẽ trong lòng dân tộc. Các anh không chỉ là những người chiến đấu quả cảm trên chiến trường, mà còn là những người con gần gũi, giàu lòng nhân ái. Sự hi sinh của họ không chỉ dành cho Tổ quốc mà còn dành cho từng mái nhà, từng con người.
Anh bộ đội Cụ Hồ, biểu tượng cho bản lĩnh và nhân cách văn hóa Việt Nam
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Tôi lại nhớ đến những dòng thơ trong tác phẩm “Đồng chí”, Chính Hữu đã khắc họa được tình đồng chí ấm áp, thiêng liêng giữa các anh bộ đội cụ Hồ ở nơi rừng thiêng nước độc. Những hành động tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại làm sáng bừng lên vẻ đẹp của tình người trong chiến tranh khốc liệt. Có lẽ chính tình yêu thương và sự đoàn kết ấy đã giúp quân đội ta vượt qua bao thử thách, làm nên những điều tưởng như không thể.
Những trang sử vàng sống mãi trong ta
Mở những trang sử vàng của dân tộc, tôi không khỏi cảm thấy bâng khuâng lạ thường, bởi lẽ đằng sau mỗi chiến công ấy là biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người con đất Việt. Những dòng chữ trên trang sử không chỉ kể về các chiến thắng oanh liệt, mà còn chất chứa những câu chuyện hi sinh thầm lặng, những nỗi đau và sự kiên cường mà cả dân tộc đã trải qua.
Chiến dịch Điện Biên Phủ - xóa bỏ dấu chân kẻ thù trên đất Việt
Tôi vô cùng may mắn khi được sinh ra trên mảnh đất Việt Nam anh hùng, và thật tự hào khi là một công dân của đất nước này. Khi vô tình được xem lại những thước phim về cuộc chiến hào hùng năm xưa, lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào vô hạn. Tự hào vì biết bao thế hệ cha anh đã anh dũng lên đường, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã dành trọn tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Các anh, các chị đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ, để hôm nay, tôi được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.
Những trang sử vàng nối tiếp đến tương lai
Ngày 22/12 không chỉ là ngày để tưởng nhớ mà còn là dịp để thế hệ trẻ như chúng ta nhìn lại và hướng tới tương lai. Những giá trị mà ông cha đã xây dựng chính là nền tảng vững chắc để chúng ta bước tiếp. Tôi tin rằng, khi giữ trong tim niềm tự hào dân tộc, mỗi người trẻ sẽ tìm thấy động lực để sống trách nhiệm hơn, cống hiến nhiều hơn.
Hơn bao giờ hết, ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, tự do và hòa bình là những điều vô giá. Dù thời gian có trôi qua, những hi sinh và cống hiến ấy sẽ mãi mãi được khắc ghi, như một ngọn lửa thiêng truyền cho muôn người, muôn đời về sau.
Bài viết: Nguyễn Lê Thanh Mai (11D1)
Ảnh: Sưu tầm