Đất nước theo ta lớn lên từng ngày, bồi dưỡng trong ta những tình cảm tự nhiên về nơi quê hương xứ sở. Tình yêu nước là tình yêu bất diệt, là muôn thuở, dù rằng xưa hay nay, giá trị cốt lõi ấy sẽ mãi không thay đổi. Đó tựa như nhịp đập chung của những tâm hồn đồng điệu và lại rung lên nghẹn ngào mỗi khi cất vang hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng, cao quý.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm niệm trong bài thơ “Tổ quốc ở Trường Sa”:
“Có nơi nào như Đất Nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ Quốc được sinh ra”.
Dân tộc Việt Nam có một lòng nồng nàn yêu nước - truyền thống quý báu từ bao đời nay - thế nhưng lòng yêu nước không chỉ đơn thuần là tình yêu đối với đất nước mà còn là sự biết ơn, niềm tự hào của mỗi người con về nơi mình sinh ra và lớn lên. Từ đó, lòng yêu nước còn đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thời đại mới, tiếp bước cha ông để bảo vệ và phát triển non sông gấm vóc. Phải chăng lòng yêu nước chính là ngọn lửa sáng soi hay sức mạnh vĩ đại giúp con người và xã hội ngày một hoàn thiện?
Đã bao giờ ta tự hỏi lòng yêu nước là gì? Đây là tình cảm thiêng liêng, đáng quý của mỗi người đối với quê hương, cống hiến những giá trị tốt đẹp cho đất nước. Chẳng hạn như mỗi cá thể biết trân trọng bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc, ý thức gìn giữ và bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Những con người hướng về nguồn cội trước hết sẽ học cách rèn luyện bản thân để sẵn sàng cống hiến và làm giàu đẹp hình ảnh Tổ quốc.
Màu lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới đã đại diện cho lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam
Thật vậy, tình yêu quê hương, đất nước đóng vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và xã hội. Đầu tiên, lòng yêu nước sẽ là cơ sở, là động lực giúp mỗi chúng ta không ngừng trau dồi trí tuệ, rèn luyện nhân cách, tích lũy kinh nghiệm cũng như vốn sống. Từ những ngày xưa, nhân dân Việt Nam đã lấy lòng yêu nước làm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc mãi mãi không trở về, máu xương của họ hóa hồn thiêng sông núi, mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông. Đặng Thùy Trâm là một trong số những tấm gương yêu nước tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, chị đã xung phong vào chiến trường miền Nam, cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Nhờ những kiến thức, kĩ năng đã được học, chị tham gia cứu chữa cho những chiến sĩ bị thương trong chiến tranh. Trước khó khăn, gian khổ của thời kì mưa bom bão đạn, chị từng chia sẻ: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
Chẳng những vậy, lòng yêu nước giúp mỗi người thêm trân trọng và biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng gia đình chuẩn bị mâm cúng ngày Tết, quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng xanh, hay đơn giản chỉ là sự đoàn tụ trong những ngày lễ lớn cũng là cách thế hệ ngày nay lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Trong cuộc sống, ta dễ dàng nhận thấy những cá nhân được đề cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa đất nước. Anh Nguyễn Văn Thành, thuộc Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đắk Nang (tỉnh Đắk Nông), là người dân tộc M'nông đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa như lễ cúng rẫy, lễ cúng bà,… Hơn nữa, anh có khả năng chơi các loại nhạc cụ truyền thống rất giỏi, đồng thời còn truyền bá, dạy cho các bạn trẻ yêu quý, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tình yêu nước đã bồi đắp trong anh nhận thức về việc bảo tồn hồn cốt dân tộc và biết phát huy các giá trị văn hóa độc đáo.
Tình yêu nước được nuôi dưỡng trong mỗi người con Việt Nam, giúp ta tiếp tục dựng xây và cống hiến cho Tổ quốc
Chưa dừng lại ở đó, lòng yêu nước còn là một sợi dây vô hình nhưng đầy sức mạnh kéo mọi người lại gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách và giúp người dân đoàn kết, biết chia ngọt sẻ bùi. Vào khoảng năm 2020, trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với Covid-19 thì sức mạnh cộng đồng lại càng có ý nghĩa. Ở nước ta, những chuyến xe nghĩa tình, những gian hàng không đồng hay những bữa cơm miễn phí,… đều là biểu hiện của tinh thần yêu nước, lòng nhân ái của nhân dân Việt Nam để cùng nhau san sẻ khó khăn. Điều ấy đã thể hiện truyền thống tương thân tương ái khi người người nhà nhà chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ lẫn nhau để sớm khôi phục cuộc sống ban đầu.
Tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã giúp đất nước ổn định cuộc sống sau đại dịch Covid-19
Là một người am hiểu về lẽ sống, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng quan niệm:
“Nếu là hoa, hãy là hoa hướng dương
Nếu là chim, hãy là chim bồ câu trắng
Nếu là đá, hãy là đá kim cương
Nếu là người, hãy là người cộng sản!”
Giá để mua một lá cờ không đắt, nhưng để nó tung bay như ngày hôm nay thì ông cha ta đã phải đánh đổi bằng cả xương máu. “Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ” (Hồ Chí Minh). Vậy nên, người trẻ cần nhận ra trách nhiệm bảo vệ độc lập và tiếp tục phát triển đất nước trong thời kì hội nhập ngày nay. Ta còn phải bồi dưỡng cho thế hệ ngày mai tình yêu lịch sử, bởi nếu lịch sử dân tộc bị quên lãng thì dân tộc ấy sẽ phải dùng máu để học lại. Và có ai đó từng nói rằng: Liệu thời bình sinh ra những con người vô ơn? Không hoàn toàn như vậy, người trẻ vẫn đang thể hiện lòng yêu nước của mình, vẫn thường chăm chú lắng nghe những câu chuyện lịch sử vẻ vang và luôn tự hào mình là người con đất Việt, mang máu đỏ da vàng. Đặc biệt hơn cả, ta nên khuyên bảo các bạn trẻ, những người thích bắt chước, học đòi theo thanh niên nước ngoài có những cử chỉ, hành động thiếu chuẩn mực, ăn mặc kệch cỡm, lòe loẹt, làm sao cho bản sắc văn hóa không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai.
Lòng yêu nước với tôi không chỉ là những lời nói suông, mà còn được thể hiện qua những việc làm bình dị trong cuộc sống, chẳng hạn như tham gia các hoạt động thiện nguyện, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, hay đơn giản là cố gắng học tập và làm việc thật tốt để đóng góp cho xã hội. Tôi tin rằng yêu nước không nhất thiết phải là những hành động vĩ đại, mà bắt đầu từ việc mỗi người sống trách nhiệm, cống hiến và trân trọng quê hương.
Con người ai cũng phải có quê hương, có nơi để trở về và gắn bó, lòng yêu nước cũng được hình thành từ khi ta sinh ra, kể cả trong những điều tầm thường và giản dị. Từ đó, tinh thần yêu nước luôn được coi là tấm lòng vĩ đại và cao cả nhất. Mỗi người chúng ta, dù ở bất cứ vai trò nào, cũng cần gìn giữ và phát huy ngọn lửa yêu nước ấy, để góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam.
Bài viết: Phạm Huyền Trang (8A4)
Ảnh: Sưu tầm