Mẹ tôi nói: “Con người ta khi đi xa lại nhớ về nguồn cội nhiều hơn. Cũng như đến Tết, cứ bảo ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, “Tết là phải ăn chơi” nhưng cứ Tết lại về với ông bà, họ hàng, về với tổ tiên. Lâu rồi cũng thành quen!”. Vậy nên năm nay, tôi lại cùng cha mẹ và em gái về quê đón Tết với ông bà nội. Tết ở quê ấm áp và thân thương đến lạ!
Quê tôi Thanh Hóa. Ở một xóm nhỏ sát bờ đê và dễ dàng nhìn ra cánh đồng. Làng quê tôi đang dần phát triển theo từng ngày. Những bờ tường được sơn trắng sạch sẽ, những căn nhà mái ngói kiên cố và bớt mùi ẩm mốc hơn, những chậu cây đặt dọc theo con đường trục chính của làng..., tất cả tràn đầy sức sống! Tôi về với nội vào ngày 27 Tết. Tết năm nay đầy đủ và đông vui, bởi các bác và các cô đều cho con cháu về hết, nhưng đối với đại gia đình của tôi, Tết năm nay càng tuyệt vời hơn khi ông nội tôi mừng thọ tuổi 80.
Chiều 28, ba và chú tôi đi mua đào với quất về trưng bày ngày Tết. Thân đào cong đẹp, có vài bông đào đã nở, vài bông lại đang e ấp sau tấm lá non. Không chỉ có đào, năm nay nhà ông bà tôi còn có những chậu cúc vàng rất đẹp do chính tay bà trồng. Sân nhà bà như sáng hơn nhờ sự khoe sắc của muôn loài hoa.
Chú tôi đang chăm sóc cho chậu hoa đào mới mua về
Đào đã nở một vài bông rồi!
Và cúc cũng rất đẹp nữa nhé
Lau dọn nhà cửa cho sạch sẽ tươm tất nào!!!
Bánh chưng xanh cho Tết thêm trọn vẹn
Về quê, tôi được đi chợ quê sắm sửa đồ với bà, được gói bánh chưng, được đi thăm họ hàng, được hưởng thụ không khí mát mẻ, được cảm nhận cái yên bình của làng quê…Đêm 30, bếp vẫn sáng đèn. Tôi phụ bà và mẹ chuẩn bị cơm cúng giao thừa. Lũ trẻ con xúm xít xem Táo quân. Tiếng cười nói rộn rã. Ba tôi lo sắp xếp lại nhà cửa thêm lần nữa cho tươm tất. Ông tôi ngồi uống nước chè xanh. Bình dị. Ấm cúng.
Một năm mới thực sự bắt đầu khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12h. Mọi người cùng tụ họp lại nghe lời chúc của bà, của các bác, rồi được nhận lì xì. Ông bà mừng tuổi con cháu, ba mẹ mừng tuổi các con, con cháu “mừng thọ” ông bà thêm tuổi mới. Rồi tiếng cắn hạt dưa tí tách, tiếng hát hò nói cười xôn xao, tiếng nhạc phát ra từ ti vi rộn rã,… Tất cả như hòa quyện lại!
“Mùng một tết cha mùng hai tết mẹ mùng ba tết thầy” đã thành một phong tục đẹp không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về của người Việt Nam. Tết năm nay trời nắng ấm, thay vì đi chơi, lũ trẻ con chúng tôi ở nhà quây quần cùng đại gia đình, háo hức chờ đến ngày Mùng 5 Tết – ngày mừng thọ tuổi 80 của ông nội.
Ông mạnh mẽ, nghiêm khắc nhưng cũng rất mực thương các cháu. Ông tôi là bộ đội cụ Hồ. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và may mắn trở về sau chiến tranh. Thế nhưng, sự tàn phá của chiến tranh vẫn lưu lại trên người ông tôi cho tới bây giờ. Những vết sẹo, những kí ức về bom đạn, những mất mát của đồng đội thi thoảng lại khiến ông tôi bồi hồi.
Từ sáng sớm, các bác tôi đã tất bật nấu nướng để chuẩn bị bữa ăn đoàn viên nhân ngày mừng thọ ông. Mỗi người một việc, ai cũng mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng miệng vẫn nở nụ cười thật tươi. Trẻ con lăng xăng chạy phụ giúp việc vặt. Trong nhà, ông tôi ngồi nói chuyện với “các bậc bô lão” . Rồi khi cơm canh hoàn tất, bà tôi cho gọi tất cả con cháu, anh chị em lên nói chuyện. Có câu chuyện về chiến tranh, về những người đồng đội, có câu chuyện về sự dũng cảm chống chọi lại bệnh tật của nội tôi do bom napan gây ra, có câu chuyện về tình anh em, về tình yêu, có những giọt nước mắt, có cả nụ cười. Nhận những bông hoa tươi thắm từ tay chúng tôi, ông cười thật hiền!
Ông nội tôi
Những bông hoa tươi thắm chúng tôi dành tặng ông
Bữa cơm gia đình kéo dài rất lâu, bởi không ai muốn ngưng lại câu chuyện, ai cũng muốn ôn lại những kỉ niệm xưa. Còn đối với tôi, tôi coi đây như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ.
Ông bà nội tôi, mới đó mà 46 năm đã qua đi rồi
Chiều ngày hôm sau, tôi cùng ba mẹ và em gái trở lại Hà Nội, quay về với cuộc sống nhộn nhịp thường ngày. Bà ra tận đầu cổng tiễn chúng tôi, dặn dò ba tôi lái xe cẩn thận. Mắt bà buồn buồn. Tạm biệt nội, tôi sẽ nhớ mãi những lúc tôi chọc ông cười hay thi thoảng là ôm chặt thật chặt lấy bà ngủ vào mỗi tối. Tạm biệt xóm nhỏ, tạm biệt quê tôi. “Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt! Vì cháu đã hứa như thế. Rồi Tết năm sau, cháu sẽ lại về với ông bà, sẽ rất nhanh thôi bà ạ!…”.