Mỗi dịp Tết đến xuân về, Thủ đô Hà Nội lại bừng sáng trong sắc màu tươi mới, tựa như được khoác lên một tấm áo xuân rực rỡ. Vẻ đẹp của Tết Thủ đô không chỉ nằm ở dáng vẻ đan xen giữa sự truyền thống lẫn hiện đại vốn có, mà còn hơn cả thế - một cảm giác khó tả khiến lòng người không khỏi xao xuyến, say đắm trước không khí tràn ngập hương xuân.
Tết - bản hòa ca của sắc màu
Bước chân dạo một vòng quanh Thủ đô những ngày giáp Tết, ta bất chợt nhận ra Tết đã về. Tết hiện diện trong tiếng chào hàng của các cô chú đang xởi lởi gọi mời, trong sắc đỏ lung linh của những con phố treo đầy vật phẩm trang trí nhân dịp đầu xuân Tết còn hiện hữu trong từng chậu quất mới được chở về trải dài các cung đường, và cả trong nét hồng của những cành hoa đào kiên cường qua tháng năm.
Những chậu quất, những gian hàng bán đồ trang trí như “khoe sắc” giữa tiết trời xuân
Sở dĩ gọi hoa đào là “kiên cường”, nếu có dịp hãy ghé qua các nhà chuyên chăm đào để biết cho rõ, để nghe cho khắc sâu vào trong lòng. Những cơn bão xảy ra trong năm Giáp Thìn đã cuốn trôi nhà cửa, cuốn trôi đi cả những cành đào đang e ấp chờ ngày hé nở. Nhưng đào mạnh mẽ hơn những gì ta nghĩ: đào vẫn nở rộ dẫu bão mưa, vẫn khoe sắc nồng nàn dẫu cho đã lìa khỏi cây. Ấy thế mà chăm đào cũng đâu có dễ, giống như “làm dâu trăm họ”: lạ đất lạ nước lạ khí hậu, lại thêm “chín người mười ý”, bởi ai nấy cũng đều muốn “rước Tết” về nhà, để tổ ấm của mình ấm cúng, rực rỡ không khí Tết đầu năm. Thế rồi, phố xá vẫn ngập tràn sắc hồng của những đóa đào chúm chím vốn tượng trưng mùa xuân nơi xứ Bắc, từ xưa đến tận giờ.
Vẻ đẹp của những chậu đào trong tết Ất Tỵ 2025
Người dân Thủ đô hào hứng chọn đào cho năm mới
Tết - sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Nằm ở khu phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, chuỗi hoạt động mang tên Tết Việt- Tết phố 2025 không chỉ gợi mở ra không gian thưởng thức nghệ thuật, mà còn gửi gắm thông điệp về sự trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Dọc theo con đường, những bức ảnh thuộc dự án “Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn” hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc vốn có từ lâu, giờ lại phủ đậm thêm không khí rạo rực của mùa xuân đang đến gần - những nét đẹp của chính người Việt ta, của chính những cái Tết mà đất nước Việt Nam ta đã từng chứng kiến và trải qua.
Những bức tranh khắc họa nét đẹp người Hà Nội qua bàn tay của họa sĩ đến từ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc
Bức tranh “Phố nhuốm màu hoa” - Oh Ye Seul đã tái hiện những cánh hoa trĩu nặng trên vai những người phụ nữ tần tảo thời xưa, rong ruổi muôn nẻo phố phường Hà Nội
Không chỉ vậy, những góc chụp ảnh phục dựng như làng hương, các gian hàng nghệ thuật mây tre đan, tranh dân gian Đông Hồ cũng thu hút nhiều người dân quay phim, chụp ảnh, nhằm hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của Thủ đô.
Các gian hàng, góc phục dựng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.”
(“Ông đồ” - Vũ Đình Liên)
Giữa phố Tết luôn tấp nập với những sạp quầy mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, có lẽ, quầy xin chữ vẫn luôn là một điều gì đó khó quên trong lòng mỗi người. Bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của những người con đất Việt, những trang giấy đỏ thắm cùng nét mực đen uyển chuyển không chỉ mang đậm dấu ấn phong cách, mà còn gửi gắm niềm tin, hi vọng của mỗi gia đình về một năm mới an lành, hạnh phúc và thành công.
Văn hóa xin chữ - nét đẹp cần được bảo tồn, gìn giữ
Tết - thời khắc lưu giữ những kỉ niệm
Tết đến xuân về, ta có thể dễ dàng bắt gặp khung cảnh những thiếu nữ duyên dáng trong bộ áo dài thướt tha, những gia đình nhỏ đều xuất hiện trên khắp nẻo đường, lưu giữ cho mình những “bức kỉ niệm” khó phai. Thay vì gọi đó là phong trào, xu hướng, có lẽ đó là cách giới trẻ hiện nay lựa chọn quảng bá những địa điểm nổi tiếng của Thủ đô, cũng như có cơ hội để tận hưởng những khoảng thời gian quý giá bên cạnh những người mình thương yêu.
Khung cảnh tại Tòa soạn báo Hà Nội Mới trong những ngày cận Tết
Có lẽ những góc phố ấy vẫn mang trọn cái đẹp cổ kính đan xen náo nhiệt qua tháng năm, nhưng trong không khí mang đậm cảm giác ấm áp và gần gũi của tiết trời xuân, cùng với trái tim của người con đất Việt đang rung lên từng hồi, ta lại cảm thấy xúc động và tự hào hơn bao giờ hết. Đất nước Việt Nam ta đã đi qua bao cái Tết đói rét để có cái Tết ấm no thời nay, đã mất bao nhiêu sức lực và tâm huyết để tái hiện hình ảnh quen thuộc trong kí ức người dân Thủ đô, để trân trọng, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc ta. Và để rồi, Tết, dù ở Hà Nội hay ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần trong lòng ta mãi nhớ về, bất chợt liền mãi vẫn vương vấn theo thời gian.
Bài viết: Lê Phan Nhật Thi (10D2)
Ảnh: Lê Phan Nhật Thi (10D2)