Sẽ có nhiều lần trong đời ta cảm thấy mất động lực hay tự ti tới mức muốn từ bỏ một điều gì đó, cho dù đó từng là ước mơ, là niềm đam mê mãnh liệt của chính mình. Nhân vật cô bé Kim Min Chae trong bộ phim “Tuổi hai lăm, tuổi hai mốt” cũng vậy, vì cảm thấy bản thân thua kém người khác, em dần trở nên khuất phục và tự ti, dẫn đến quyết định từ bỏ niềm đam mê của mình. Và câu hỏi mà người mẹ đặt ra đã thay đổi suy nghĩ của cô bé.
“Mẹ xem Choi Yun Seo biểu diễn rồi đấy, con không thể thắng nổi bạn ấy đâu.” - Em đã nói vậy sau khi từ bỏ cuộc thi múa. Trước sự ngỡ ngàng của mẹ, cô bé vứt bỏ bộ váy ba lê cùng đôi giày múa vào thùng rác, như một cách khẳng định lại lời nói của mình.
“Con muốn nghỉ múa ba lê”
Thời gian dần trôi, cả mẹ và bà ngoại đều không ai nhắc lại với cô bé về chuyện quay trở lại tập múa hay tỏ thái độ không hài lòng với Min Chae. Mãi cho đến một ngày nọ, khi người bố đi công tác xa gửi về cho cô bé một bộ váy biểu diễn, người mẹ mới chậm rãi hỏi con gái mình: “Nói thật mẹ nghe xem, vì sao con lại muốn nghỉ múa ba lê?” - “Con đã cố nhưng vẫn không tiến bộ được.”
Việc không tiến bộ và tụt lại so với những người xung quanh đã trở thành rào cản lớn để Min Chae tiếp tục niềm đam mê của mình, vì chưa thể vượt qua nó mà em đã chọn quyết định từ bỏ, hoặc có thể nói là trốn chạy. Trước những suy tư và uất ức của cô con gái nhỏ, người mẹ chỉ ôn tồn nói: “Con thử nghĩ xem, con thích múa ba lê hay thích được khen? Nếu con thích được khen, bây giờ con có thể nghỉ. Nhưng nếu con thích ba lê, hãy suy nghĩ lại”.
Câu hỏi mà người mẹ dành cho con gái khiến cho cô bé phải suy ngẫm
Lời khen có thể khiến ta hưng phấn, cảm thấy hạnh phúc và tự tin vào khả năng của mình hơn, đem lại cảm giác an tâm cho chúng ta. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho những yếu tố bên ngoài, là những yếu tố do người khác đem lại cho chúng ta và tác động tới công việc mà ta đang làm. Nhưng sự thật là chúng chẳng phải thứ gì quá quan trọng để ta dành phần nhiều sự quan tâm hay lệ thuộc cảm xúc vào nó. Điều quan trọng nhất vẫn là thực lực và sự cố gắng của chính bản thân. Nếu không nhận thức được đâu là điều mình cần chú trọng nhất thì sẽ dễ dẫn đến đánh mất sự tự tin và dần không tin vào chính mình.
Cô bé Min Chae cũng vậy, chỉ vì quá để tâm tới việc thắng thua, tới biểu hiện của người khác mà đã quên mất tài năng và giá trị của bản thân mình, tự cho là mình kém cỏi để rồi phải uất ức từ bỏ đam mê. Em dần lạc lối trong nỗi sợ vô hình, không nghĩ mình có thể làm được, lại càng không chấp nhận bản thân mình sẽ thua.
Dù không đưa ra câu trả lời nhưng điều người mẹ nói đã có tác động sâu sắc tới em, bởi em hiểu đó là những lời khuyên chân thành từ tận đáy lòng mẹ. Mẹ hiểu rất rõ về những khúc mắc em gặp phải trong hành trình theo đuổi đam mê. Chính sự ân cần, thấu hiểu và giúp đỡ của bà đã thật sự đã chạm tới trái tim cô bé, tháo gỡ khúc mắc trong lòng em.
Min Chae tiếp tục theo đuổi đam mê của mình sau khi hiểu được những điều mẹ nói
Có lẽ không chỉ riêng cô bé Min Chae mà còn là rất nhiều người trong chúng ta nữa, đã có những lần hoài nghi về khả năng của bản thân. Nhưng vốn dĩ năng lực không đi lên theo đường dốc mà sẽ phát triển theo từng bậc thang. Người ta sẽ thường cảm thấy muốn từ bỏ khi đang mắc kẹt ở những đoạn phải leo lên một bậc mới. Họ nghĩ tiềm năng của mình tới đây là hết rồi, không gắng gượng được nữa. Tuy nhiên, chỉ cần leo qua những phần đó, mỗi chúng ta đều sẽ tiến bộ vượt bậc, vượt qua được giới hạn của bản thân.
Quy luật phát triển của năng lực
Không ai biết bản thân mình có thể đi xa tới mức nào nếu ta lựa chọn từ bỏ. Vậy nên mỗi khi thất vọng vì thua kém người khác hay đang nản lòng, hãy nhớ đến câu hỏi “Bạn thích múa ba lê hay thích những lời khen khi múa ba lê giỏi?”. Hi vọng mỗi chúng ta đều sẽ giữ vững được niềm đam mê của mình và đưa ra những lựa chọn để sau này không phải hối tiếc.
Bài viết: Hoàng Thị Thanh An (10D3)
Ảnh: Phim “Tuổi hai lăm, tuổi hai mốt”