Kỹ năng giao tiếp là một trong những kĩ năng vô cùng quan trọng và luôn được xem là yếu tố then chốt đối với sự phát triển toàn diện của mỗi người, dù là trong học tập hay các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, để góp phần tạo nên những năm tháng cấp 3 đẹp đẽ, tràn đầy kỷ niệm, chúng ta hãy cùng ngồi xuống và tham khảo một số “bí kíp” giao tiếp trong trường học nhé!

1. Chào hỏi

Đây có thể nói là một trong những “bí kíp” quan trọng nhất. Khi mới bước chân vào trường và là một tân NTT-er, chắc hẳn sẽ đều cảm thấy khá ngại ngùng khi chào hỏi. Thậm chí, ngay cả các học sinh trong trường đôi khi cũng sẽ cảm thấy hơi rụt rè khi nói lời chào đối với các giáo viên mà chúng mình không biết.

Nhưng hãy đừng ngần ngại bạn nhé! Vì các thầy cô ở Nguyễn Tất Thành đều vô cùng dễ mến, cho nên khi gặp bất cứ thầy cô nào thì hãy mở lời chào các thầy cô nhé! Mình tin rằng bạn sẽ luôn nhận được một nụ cười thân thiện và các thầy cô cũng sẽ nở một nụ cười thật tươi và đáp lại lời chào của chúng mình thôi! Đó cũng là một cách để tạo ấn tượng tốt đối với các thầy cô và nếu tất cả chúng ta đều thực hiện điều đó thì sẽ tạo nên một môi trường học tập luôn vui vẻ và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.


Các thầy cô ở Trường Nguyễn Tất Thành đều vô cùng thân thiện và tâm lí

Ngoài việc chào hỏi các thầy cô thì chúng mình cũng có thể nói lời chào với các bác bảo vệ, các cô giám thị và những cô lao công đáng mến,… bởi ai cũng sẽ vui mừng khi nhận được những lời chào, lời hỏi thăm sau một ngày làm việc vất vả.


Nụ cười của bác bảo vệ và cô lao công đã cống hiến hàng chục năm cùng mái trường mang tên Bác

Đặc biệt, trong kì tuyển sinh vừa rồi, Trường Nguyễn Tất Thành chúng ta đã để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc với các bậc phụ huynh có con em tham gia thi tuyển bởi sự nhiệt tình, lễ phép trong việc chào hỏi và chỉ dẫn của các bạn tình nguyện viên. Vì vậy, chúng mình cũng nên mở lời chào hỏi những vị khách, các bậc phụ huynh,... khi đến trường nữa nhé! Điều đó sẽ giúp mọi người có cái nhìn thiện cảm và vô cùng ấn tượng đối với học sinh Trường Nguyễn Tất Thành, thể hiện bạn là một người hiểu biết, cư xử có văn hóa và nâng cao hình ảnh của Nhà trường trong mắt tất cả mọi người nữa đó!


Hình ảnh các bạn học sinh nhiệt tình, lễ phép chào hỏi và hướng dẫn trong công tác tuyển sinh của Nhà trường

2. Nói lời cảm ơn, xin lỗi

Trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, lời cám ơn và xin lỗi tưởng chừng như rất khó nói nhưng thực chất nó có tác dụng rất lớn trong việc duy trì và kết nối các mối quan hệ. Đặc biệt tại môi trường trường học, hãy cố gắng để nói lời cảm ơn và xin lỗi trở thành một điều không quá khó khăn.

Khi chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ một ai đó, bất kể người đó là ai, làm gì, hãy đừng tiếc một lời “cảm ơn” để thể hiện được sự cảm kích của mình. Lời cảm ơn tuy đơn giản nhưng nó lại đem đến cho người đối diện một niềm vui khó tả. Nói “cảm ơn” khi ai đó nhặt được chiếc điện thoại bạn bỏ quên và trả lại cho bạn; nói “cảm ơn” khi bạn cùng lớp giữ cửa cho bạn bước vào phòng, nói “cảm ơn” khi bạn đánh rơi chiếc bút và người đối diện nhặt lên giúp bạn,… Một lời cảm ơn tuy đơn giản nhưng lại là điều ý nghĩa vô cùng.



Hãy học cách nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” một cách chân thành nhé!

Bên cạnh nói lời “cảm ơn”, chúng ta cũng cần học cách nói lời “xin lỗi”. Khi chúng mình vi phạm một lỗi lầm nào đó, hãy trung thực nhận lỗi về mình và nói lời “xin lỗi” với người đối diện. “Xin lỗi” khi va phải một người đang đi; nói “xin lỗi” thầy cô khi trót đi học muộn, “xin lỗi” vì lỡ đánh rơi đồ của bạn cùng lớp,…

Một lời cảm ơn sẽ gắn kết con người với nhau hơn, một lời xin lỗi sẽ giúp mọi bực tức qua đi nhanh chóng hơn, khiến con người vị tha hơn, giúp những vết rạn tình cảm nhanh chóng được hàn gắn hơn nên ngại gì mà chúng mình không học cách nói lời cảm ơn và xin lỗi thường xuyên hơn nhỉ?

3. Hòa đồng và giúp đỡ bạn bè

Bước vào cánh cửa cấp 3, tất cả học sinh đều là những “tân binh” và hầu như không ai biết ai. Chính vì thế, hãy cố gắng kết nối với những người bạn cùng lớp và mọi người xung quanh. Chúng ta có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp để thêm hiểu nhau, tham gia các câu lạc bộ trong trường để làm quen với những người bạn mới, lại vừa trau dồi được những kĩ năng cá nhân. Hòa đồng và luôn giúp đỡ mọi người xung quanh chính là cách để duy trì các mối quan hệ bạn bè được lâu dài.

Việc giúp đỡ nhau trong học tập cũng như những công việc sinh hoạt thường ngày đã thể hiện được sự quan tâm mà bạn dành cho những “chiến hữu” của mình. Đặc biệt, khi chúng mình giúp đỡ ai đó thì trong lòng chắc hẳn sẽ vui vẻ lên, cuộc sống quanh ta cũng trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, đừng ngần ngại khi giúp đỡ hay hỗ trợ những người bạn xung quanh chúng ta, các bạn nhé!

Bài viết: Nguyễn Thùy Linh (11D1)

Ảnh: Sưu tầm