Trong tuần vừa qua, đoàn học sinh trường Miyazaki Omiya (Nhật Bản) đã có cơ hội trải nghiệm học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa sáng tạo và thú vị dưới mái trường mang tên Bác. Từ đó, tinh thần gắn kết, tình hữu nghị bền chặt giữa trường Trung học Miyazaki Omiya và Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành ngày càng được phát huy mạnh mẽ.

Thuyết trình - thảo luận về các vấn đề xã hội

Trong buổi học văn hoá cùng các tập thể lớp 11A1, 11A5, học sinh trường Miyazaki Omiya ưu tiên lựa chọn các đề tài nghiên cứu nhằm so sánh các vấn đề mang tính thời sự giữa hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam. Bỏ qua sự khác biệt về ngôn ngữ, đại diện cho thế hệ trẻ với lối tư duy mới ở cả hai nước, học sinh trường Nguyễn Tất Thành và Miyazaki đã có buổi thảo luận ý nghĩa khi trực tiếp đưa ra các ý tưởng, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng một cách triệt để. Điều này đã khẳng định sự sáng tạo không ngừng, những suy nghĩ táo bạo của lớp trẻ trước những sự thay đổi trong thời đại mới ở các lĩnh vực: Giáo dục, sức khoẻ, bình đẳng giới,.. Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi kiến thức, đây còn là cơ hội giúp học sinh hai trường thể hiện cá tính, sở trường của bản thân một cách tự tin.

Học sinh hai trường chăm chú lắng nghe và thảo luận

Giao lưu tiếng Anh cùng học sinh Trường Nguyễn Tất Thành

Sáng ngày 8/3, đoàn học sinh trường Miyazaki Omiya (Nhật Bản) đã tham gia tiết học tiếng Anh cùng học sinh lớp 12D5 và 11D3. Tại lớp 12D5, là học sinh cuối cấp, những sĩ tử NTT-ers đã cùng đoàn học sinh Nhật Bản giao lưu tiếng Anh qua chủ đề “The World of Work” (Thị trường lao động); tìm hiểu về cách viết sơ yếu lí lịch (Curriculum Vitae) nhằm đáp ứng nhu cầu tìm việc làm thêm khi bước vào cánh cổng trường đại học. Từ đó, học sinh hai trường đã có cơ hội được mở mang kiến thức sau khi so sánh sự khác nhau giữa những thông tin cần thiết trong sơ yếu lí lịch hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.

 

Các học sinh cùng trao đổi sự khác biệt về thị trường lao động giữa hai quốc gia

Cùng ngày hôm đó, đoàn học sinh Nhật Bản tham gia học tiết tiếng Anh tại lớp 11D3 với chủ đề “Teen Independence” (Sự tự lập của thanh thiếu niên). Cả lớp đã được chia thành nhiều nhóm khác nhau và cùng thiết kế sơ đồ tư duy thể hiện sự khác nhau giữa thanh thiếu niên Việt Nam với thanh thiếu niên Nhật Bản trong vấn đề tự lập. Sau 10 phút làm việc, thành viên các nhóm thuyết trình về sản phẩm của mình và chia sẻ về trải nghiệm của bản thân liên quan tới vấn đề tự lập. Từ đó, mỗi học sinh đều nhận thức được một khía cạnh, góc nhìn khác của sự tự lập đến từ hai nền văn hóa - giáo dục khác nhau.

Học sinh hai trường cùng thảo luận, thuyết trình về sự tự lập của thanh thiếu niên tại hai đất nước

Sự nồng hậu, chân thành từ những người bạn Việt Nam đã xóa tan rào cản về ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước

Sự chân thành, hiếu khách của giáo viên và học sinh mái trường mang tên Bác chắc chắn sẽ trở thành dấu ấn tốt đẹp trong lòng những người bạn đến từ “đất nước mặt trời mọc”.

Bài viết: Ngô Thiên Ngân (11D3) - Nguyễn Khánh Diệp (10D2)

Ảnh: Chu Nhật Minh (11A5) -  Nguyễn Hà My (10D3)