“Giúp con định hướng chọn ngành, chọn nghề và vượt qua các kì thi”

Hơn nửa học kì một của năm học đã trôi qua, đây là quãng thời gian mang tính bước đệm rất quan trọng đối với học sinh cuối cấp, đặc biệt là khối 12 với hai kì thi lớn trước mắt. Ngay từ bây giờ, các bạn học sinh cần có một định hướng thật rõ ràng và chính xác cho tương lai của mình, không những vậy, các bậc phụ huynh cũng rất cần phải tìm hiểu những thông tin đáng lưu ý, giúp con em mình chuẩn bị được tâm lý cùng những hành trang cần thiết để đối mặt với các kì thi căng thẳng. Thấu hiểu được nhu cầu ấy, vào lúc 8 giờ ngày 27-10-2013 vừa qua tại phòng đa năng 405, Ban Giám hiệu trường THCS&TPHT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh khối 12 với chủ đề “Giúp con định hướng chọn ngành, chọn nghề và vượt qua các kì thi”.

Nối tiếp thành công của buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh dành cho học sinh khối 9, người chủ trì của buổi giao lưu lần này tiếp tục là PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Trưởng bộ môn Tâm lý học Ứng dụng của trường ĐH Sư phạm Hà Nội với rất nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu tâm lý học đường. Tham dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ còn có ThS. Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng nhà trường, thầy Đỗ Danh Bích – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng rất nhiều các thầy, cô giáo đang làm công tác chủ nhiệm khối 12. Đặc biệt, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành hân hạnh được chào đón một số lượng rất lớn các vị phụ huynh của các bạn học sinh lớp 12A1, 12A2, 12A3, 12A4, 12D4, 12D5 và 12D6. Điều này đã nói lên được sự quan tâm, chăm sóc của nhà trường và gia đình đối với con em mình.


Buổi sinh hoạt thu hút đông đảo các vị phụ huynh tham gia.

Nội dung trao đổi bao gồm hai phần chính: PGS.TS Trần Thị Lệ Thu phân tích, giúp các bậc cha mẹ có thể trải nghiệm và  thấu hiểu được đời sống tâm lý của học sinh khối 12, để rồi từ đó tư vấn chọn khối thi, chọn trường và nghề nghiệp sau này. Nhưng trước hết, tất cả được bắt đầu bằng đôi lời chào hỏi, làm quen giữa những vị phụ huynh, trao đổi những cái bắt tay và nụ cười rạng rỡ. Tuy chỉ đôi ba phút ngắn ngủi nhưng quả thực không khí trong căn phòng 405 đã rộn ràng và cởi mở hơn rất nhiều.

Qua buổi sinh hoạt, diễn giả Lệ Thu muốn được cùng các bậc làm cha, làm mẹ nói lên tiếng nói của con em mình – những tiếng nói mà bình thường không đủ can đảm để cất lên. “Hành trình làm bạn với con là một hành trình dài, gian nan, nhiều niềm vui, có giây phút tự hào… nhưng cũng nhiều băn khoăn, căng thẳng và lo lắng. Cha mẹ chúng ta hãy cho con đúng những cái mà con cần”, diễn giả Lệ Thu chân thành chia sẻ. Tuổi thơ mỗi người đều không thể thiếu những tình cảm trong sáng, vô tư và hồn nhiên, lên đến cấp hai với những phát triển cả về mặt tâm sinh lý, thế giới dần trở nên phức tạp hơn, và đặc biệt ở giai đoạn cấp ba, cha mẹ dường như càng không thể thấu hiểu và trở nên “lạ lẫm” trước những gì con cái mình đang làm. Điều này dẫn đến những xung đột, tranh cãi, bất hòa trong mối quan hệ cha mẹ - con cái và nếu không được giải quyết hợp lý, vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng cho đến khi không thể cứu vãn được nữa. Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần nắm rõ tâm lý, tình cảm của con em mình.

Bằng những kinh nghiệm thực tế phong phú có được sau những lần tư vấn tâm lý và học tập tại nước ngoài, TS.Trần Thị Lệ Thu đã kể lại rất nhiều câu chuyện thường gặp trong mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng như cách xử lý đúng đắn. Hành vi ở lứa tuổi thanh thiếu niên cũng giống như một tảng băng trôi, những gì cha mẹ, gia đình nhìn thấy được chỉ có thể là lớp băng mỏng bề mặt, còn ẩn sâu bên dưới là một thế giới nội tâm vô cùng phức tạp, đòi hỏi mỗi người làm cha, làm mẹ cần nhìn thấu và đồng cảm, sẻ chia. Từ chuyện ăn mặc, trang phục, cá tính riêng, khao khát khẳng định mình, không phụ thuộc vào cha mẹ của con cái cho đến những vấn đề nan giải đòi hỏi cách xử sự tinh tế như chuyện tình yêu tuổi học trò, hay cả những chuyện khó nói như tình dục, sinh lý -  tất cả đều đã được đưa ra trao đổi, thảo luận trong buổi sinh hoạt.


PGS.TS Trần Thị Lệ Thu cùng những chia sẻ hết sức nhiệt tình.

Cũng trong buổi sinh hoạt, rất nhiều các vị phụ huynh đã đứng lên chia sẻ mong muốn của mình đối với tương lai của con. Đó đều là những mong ước giản dị mà cảm động của bất kì bậc làm cha, làm mẹ nào: “Tôi muốn con đạt được ước mơ, có phẩm chất nhân cách, đạo đức tốt, biết ứng xử với mọi người xung quanh”, “Tôi mong con vượt qua mọi kì thi, chọn đúng nghề mình thích và tâm huyết với nghề”, “Tôi mong con mình được làm đúng nghề, có ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn…”. Tuy xuất phát từ tấm lòng cha mẹ mong con em mình được trưởng thành, có tương lai vững vàng và hạnh phúc, nhưng trong việc chọn nghành, chọn nghề, các bậc phụ huynh không nên ép buộc hay gò bó sự lựa chọn của con em mình. Bởi lẽ, sự ép buộc sẽ chỉ dẫn đến một tương lai bất ổn, không có đam mê sẽ khiến mỗi người trở nên chán nản, tuyệt vọng.

Vậy, cha mẹ có thể làm gì để giúp đỡ con cái trong việc hướng nghiệp? Để trả lời câu hỏi này, diễn giả Trần Thị Lệ Thu đã chỉ ra một vài ví dụ cụ thể, kết hợp cùng việc xem video và tương tác qua những mẩu giấy để cùng nhau phân tích, cảm nhận và chia sẻ. Học sinh lớp 12 thường phải đối mặt với vô số những vấn đề, mà tiêu biểu nhất trong số đó là: không có sở thích rõ ràng, hoặc bị sắp đặt theo mong muốn của cha mẹ, gia đình. Điều này vô hình chung đã tạo nên không ít áp lực cho học sinh cuối cấp, chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con em mình bằng cách trang bị những thông tin cần thiết thông qua nhiều kênh như báo, mạng, nhà trường,..; chia sẻ cảm xúc với con, hiểu được con đang làm gì và định làm gì trong tương lai; chăm sóc sức khỏe cho con thật tốt.

Đến với buổi giao lưu lần này, các vị phụ huynh đã nhận được rất nhiều lời khuyên, lời tư vấn bổ ích từ chuyên gia trong việc giúp đỡ con vượt qua mọi kì thi trước mắt. Chẳng hạn như, việc hướng nghiệp, chọn nghề nên lấy đam mê làm gốc, dựa vào khả năng cùng đặc điểm tâm lý, thể chất của mỗi người, cũng cần phải quan tâm tới nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, người làm cha mẹ cũng cần lưu ý rằng “đại học đâu phải là tất cả, những thành tích và kết quả mà con đạt được phải thực sự xứng đáng với thực lực của con. Hạnh phúc gia đình, thành công trong sự nghiệp không chỉ phụ thuộc vào IQ (chỉ số thông minh) mà còn cả EQ (chỉ số cảm xúc), AQ (khả năng vượt khó) va CQ (khả năng sáng tạo nữa)” – chuyên gia chia sẻ.

Buổi giao lưu khép lại với những lời chia sẻ chân thành của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh. Bản thân cô cũng là một người mẹ có con đang theo học lớp 12 ở trường, cô cũng cần phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn trong việc thấu hiểu, đồng cảm và bước chân vào thế giới của con mình. Vì vậy, nhân cơ hội này, cô cũng đã trò chuyện với các vị phụ huynh trên nhiều phương diện: cả về học tập, sức khỏe, cách ứng xử với con cái, định hướng chọn nghề lẫn chuyện tình cảm năm cuối tuổi học trò. Cô cũng mong các vị phụ huynh hãy kết hợp cùng nhà trường trong việc chuẩn bị cho học sinh khối 12 của trường có một tâm lý cùng nền tảng kiến thức vững vàng nhất để vượt qua mọi kì thi. Đặc biệt, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành tự hào vì có được một đội ngũ giáo viên chủ nhiệm vô cùng tâm huyết với nghề, thấu hiểu tâm lý học sinh.

Buổi sinh hoạt đã thành công tốt đẹp sau gần ba tiếng chia sẻ, thảo luận. Bằng việc tổ chức những buổi sinh hoạt mang tính chất tư vấn, định hướng song song giữa cả phụ huynh lẫn học sinh, nhà trường mong muốn đem lại những điều kiện thuận lợi nhất để học sinh khối 12 có thể phát triển toàn diện, chọn ngành, chọn nghề phù hợp và vượt qua những kì thi căng thẳng sắp tới. Hi vọng rằng năm sau, lứa học sinh 96 sẽ lại tiếp nối kết quả tuyệt vời của những “tiền bối” 95, làm rạng danh ngôi trường mang tên Bác, duy trì thành tích “TOP 10 trường có kết quả thi đại học tốt nhất” của thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Thị Dung – 12D5 (CLB Phóng viên)