Chủ đề “DẠY CON NÊN NGƯỜI”

Có lẽ, hiếm trường học nào có cách quan tâm học sinh một cách đặc biệt và toàn diện nhường ấy. Trải qua mười lăm năm xây dựng, THCS&THPT Nguyễn Tất Thành vẫn luôn chú trọng không chỉ bồi dưỡng tri thức mà còn rất quan tâm đến tâm lý, cảm xúc của học sinh. Chính vì vậy, nhà trường tự hào khi có một câu lạc bộ hết sức độc đáo – Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh, với những buổi sinh hoạt thường kì để cùng các vị phụ huynh chia sẻ, bàn luận những phương pháp thấu hiểu con cái hơn, từ đó mà trợ giúp được cho con cái một cách tối đa trong hành trình phát triển và hoàn thiện bản thân. Trong lần sinh hoạt gần đây nhất -  ngày 12/12/2013 vừa qua, các bậc phụ huynh khối 9 đã được tư vấn, giải đáp xoay quanh chủ đề “DẠY CON NÊN NGƯỜI”,  cũng như cách định hướng học – thi những năm cuối cấp hai cho con em mình.

Trong sự kiện họp mặt lần này, BGH nhà trường đã trân trọng mời PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng của Đại học Sư phạm Hà Nội tham dự với tư cách báo cáo viên chính. Đến dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ có cô giáo Nguyễn Thị Thu  Anh – Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà – Khối trưởng khối THCS cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm khối 9, và đặc biệt hơn cả, căn phòng số 107 trường Nguyễn Tất Thành hân hạnh được chào đón hơn 80 vị phụ huynh đến tham gia diễn đàn.


Những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh luôn nhận được sự quan tâm rất lớn.

Trước khi buổi sinh hoạt chính thức bắt đầu vào lúc 14h30’, tôi đã có cơ hội được nói chuyện cùng phụ huynh của em Mai Lâm (lớp 9A2), cô chân thành chia sẻ: “Cô đến với buổi hội thảo để được định hướng về phương pháp học và thi cho con, giúp con đạt được kết quả tốt nhất trong kì thi cấp ba sắp tới”. Thêm vào đó, cô rất muốn con gái mình được tiếp tục theo học khối A cấp THPT tại trường Nguyễn Tất Thành, đó là sự thể hiện chân thành nhất những tình cảm và niềm tin của cô dành cho mái trường mang tên Bác!

Không chỉ riêng mình cô, mà tất cả các bậc phụ huynh có mặt trong buổi chiều hôm nay đều chung một mục đích. Như PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã nói trong phần mở đầu “Chúng ta hôm nay sẽ đặt mình vào hai vị trí, một là người làm cha, làm mẹ, hai là chính con em của chúng ta, để gợi mở, trợ giúp các con định hướng phát triển, phát huy tốt nhất trong tương lai”. Tiếp đó, các bậc phụ huynh được phát những mẩu giấy nhỏ để có sự tương tác tốt nhất giữa diễn giả và người nghe. Trên nền nhạc dạo đầu du dương, những câu hỏi lần lượt được đưa ra như: “Điều tôi quan tâm nhất trong cuộc đời này là….”, “Cái quý giá nhất của gia đình tôi là…”, “Cả đời tôi sống, lao động và cống hiến vì mục tiêu chủ yếu là…”. Rất nhiều lời giải đáp được đưa ra, nhưng tựu chung lại, tất cả đều quy về một điều duy nhất: là sự trưởng thành, học tập tốt của các con, là các con được khỏe mạnh và hạnh phúc.


Một vài câu hỏi được đưa ra trong buổi trao đổi.

Vẫn tiếp tục trong nền nhạc dịu dàng ấy, các bậc phụ huynh cũng bày tỏ mong ước của mình về tương lai của con. Có người muốn con giỏi giang, vững tin trong cuộc đời, làm giàu đẹp đất nước, có người muốn con yêu thương gia đình và những người xung quanh, hay như cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà tâm sự: “Tôi chỉ muốn con tôi có một cuộc sống giản dị, được bình an và hạnh phúc”. Quả thật, không gì đáng trân trọng hơn tấm lòng mẹ cha dành cho con cái. Mong ước chỉ giản đơn vậy thôi, nhưng để đạt được thì phải cần những nỗ lực rất lớn. Bằng “Một phép tính nhỏ… một điều lớn lao”, chuyên gia Trần Thị Lệ Thu đã chỉ ra rằng, hầu hết mọi người đang để cán cân thời gian lệch hẳn về một bên, mà trong đó, thời gian dành cho công việc lớn hơn gấp nhiều lần dành cho con cái.

Xuyên suốt buổi sinh hoạt, diễn giả Lệ Thu đã chỉ ra và đi sâu tìm hiểu, giúp đỡ các bậc phụ huynh hiểu sâu hơn tâm lý con em mình, và hướng dẫn những phương pháp đơn giản mà hiệu quả khi phải đối mặt với các vấn đề của con. Cô nói, thế giới của con trẻ luôn luôn biến động, thay đổi đến không ngờ, nhất là trong giai đoạn lớp 9 đương độ trưởng thành, có những thay đổi rất lớn về tâm sinh lý. Bằng cách đưa ra phân tích những câu chuyện có thật trong mười lăm năm kinh nghiệm về tâm lý học đường, chuyên gia đã nêu lên những vấn đề hết sức nổi bật trong “thế giới teen” hiện tại: cách ăn mặc, cách ứng xử, hện tượng nói tục chửi bậy, những suy nghĩ tiêu cực – thậm chí là cái chết, và cả những điều khó nói, khó sẻ chia…


Một bác phụ huynh chia sẻ suy nghĩ của mình.

Một trò chơi nho nhỏ để thư giãn được tổ chức, lúc cuối cô có nói “đặt tay lên cằm”, nhưng tay cô lại đặt lên trán, kết quả là không ít các bác phụ huynh làm theo. Từ một trò chơi đơn giản mà hết sức thú vị ấy, cô Lệ Thu đã chỉ rõ ra rằng, “Trẻ em học nhiều hơn, làm theo nhiều hơn từ việc nhìn, quan sát hành động xung quanh thay vì chỉ nghe những lời nói, lời khuyên nhủ, dạy bảo từ cha mẹ”. Chính vì vậy, những bậc làm cha, làm mẹ cần phải làm gương cho con, tránh đi những hành động tiêu cực trước mặt con. Buổi sinh hoạt cũng là khoảng thời gian các bậc phụ huynh lắng nghe tiếng lòng thực sự của con em mình, thậm chí, chính những ước ao nhỏ bé đến đáng thương của các em học sinh mà nhà tâm lý học đường Lệ Thu tìm hiểu được từ những ca tư vấn của mình. Từ đây đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, là lời nhắc nhở tới tất cả mọi người về việc: liệu cha mẹ đã thực sự thấu hiểu con cái hay chưa?

Trên nền tảng ấy, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã gửi tới một thông điệp tới mọi người: Đừng lên án, trách móc, tạo áp lực cho con sau những giờ học căng thẳng ở trường – đừng khiến con đóng cửa trái tim, khép chặt tâm tư của mình - mà hãy hỏi thăm, gợi chuyện, làm con nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Trong những giai đoạn thi cử quan trọng mang tính quyết định tới tương lai sau này, mỗi bạn học sinh đều phải đối mặt với vô vàn “gánh nặng tâm lý” như: Bài ca hi vọng – áp lực vô hình đến từ gia đình, những áp đặt về trường học, khối học, những lo lắng liệu mình có thi đỗ hay không,… Điều mà mỗi cha mẹ cần phải làm lúc này là lắng nghe con nói, thấu hiểu năng lực của con để trao đổi, thỏa thuận giúp con chọn trường đúng với ước mơ và trình độ của mình. Hướng nghiệp cho con là cả một cuộc hành trình dài, cần đầu tư thời gian và tâm lý, cần hiểu con về mặt sức khỏe, sở thích, học lực và hiểu cả nhu cầu xã hội. Để làm được điều đó, việc phối hợp cùng giáo viên, nhà trường là vô cùng cần thiết.


PGS.TS Trần Thị Lệ Thu cùng những chia sẻ hết sức chân thành và bổ ích.

Diễn giả còn dành ra một phần thời gian của buổi sinh hoạt để lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của các vị phụ huynh về những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường. Trong đó, có một câu hỏi mà chắc hẳn bậc cha mẹ nào cũng từng gặp phải: “Phải làm gì khi con có thái độ chống đối và thể hiện rõ ràng thái độ ấy đối với bố mẹ?”. Giải đáp trường hợp này, diễn giả Lệ Thu đã nói: “Có vô số những lý do khiến con nổi loạn, chống đối, bướng bỉnh, điều quan trọng nhất là chúng ta phải thật khách quan và sáng suốt. Đừng chỉ vì con phạm một lỗi nhỏ hay vì thành tích học tập không tốt mà làm ảnh hưởng đến tâm lý của con, đừng phán xét con cái bất kì điều gì mà hãy lắng nghe”. Nguyên nhân chủ yếu của mâu thuẫn, khủng hoảng, xung đột trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là do chưa thấu hiểu tâm lý của nhau, chưa cân bằng được thời gian dành cho nhau so với nhiều hoạt động khác.

Một chủ đề khác cũng rất được quan tâm trong buổi trao đổi: Làm thế nào khi con thích bạn khác giới? Tình yêu tuổi học trò là một phản ứng tự nhiên của lứa tuổi, nảy sinh bất chợt và rất khó hóa giải. Vì vậy, ba mẹ không thể ngăn cấm hay kiểm soát mà thay vào đó, ba mẹ hãy luôn luôn chia sẻ cảm xúc của mình, đồng hành cùng con và hướng dẫn con vượt qua. Bởi lẽ bất kì đứa trẻ nào cũng cần sự an toàn về mặt tâm lý, cần được yêu thương tôn trọng, cần được tha thứ trước mọi vấp ngã, sai lầm và quan trọng nhất là, được khẳng định giá trị của mình trong gia đình.

Đi từ lời nói đến hành động là một quá trình không hề đơn giản, chính vì vậy mỗi người làm cha mẹ nhiều lúc không thể thấu hiểu và không biết cách ứng xử ra sao trước những thay đổi, thái độ của con cái. Hiểu được tâm lý này, nhà tâm lý Lệ Thu đã gợi ý mọi người – không chỉ học sinh – mà ngay cả phụ huynh cũng có thể tìm đến những phòng tâm lý học đường để được tư vấn. Và, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành vô cùng tự hào được là một trong những ngôi trường đầu tiên có phòng tâm lý học đường (từ năm 2006), cùng những giáo viên đã được qua đào tạo bài bản. Hiện nay, cô Trần Thị Mạnh Linh phụ trách phòng tâm lý đã, đang và sẽ luôn luôn sẵn sàng lắng nghe những tâm sự, chia sẻ của cả các bạn học sinh lẫn các bậc phụ huynh có con em đang theo học trong trường.

5 nguyên tắc vàng dành cho cha mẹ

1. Tư duy tích cực

2. Làm gương cho con

3. Học kỹ thuật bước chân vào thế giới của con

4. Tìm cách làm bạn với con

5. Đồng hành cùng con

Cô Vũ Hoài Phương, phụ huynh của một bạn học sinh lớp 9A4 tâm sự sau buổi sinh hoạt: “Đây là một dịp hiếm hoi để có thể học hỏi được nhiều điều từ chuyên gia. Giá trị lớn nhất mà cô nhận được chính là những kinh nghiệm, kiến thức thực tế từ các ca tư vấn tâm lý của chuyên gia. Đây là đường đi ngắn nhất để cô hiểu con cái mình hơn. Xin được gửi lời cảm ơn tới nhà trường Nguyễn Tất Thành!”. Cô cũng bày tỏ mong muốn nhà trường tổ chức thêm nhiều buổi trao đổi theo chuyên đề cho cả học sinh nữa, giúp các con được nói lên những suy nghĩ của mình để cha mẹ, thầy cô hiểu các con hơn!


Cô Vũ Hoài Phương (phải) cùng người bạn đến lắng nghe những chia sẻ từ chuyên gia.

Buổi sinh hoạt kết thúc lúc 16h30, nhưng sau đó vẫn còn rất nhiều các bác phụ huynh nán lại cùng nhau trò chuyện, chia sẻ với chuyên gia. Là học sinh duy nhất may mắn được tham gia cuộc trao đổi lần này, tôi càng thấm thía hơn những suy nghĩ: có cha mẹ nào không yêu thương con, không dành cả đời để chăm lo cho con? Dẫu mỗi người có cách thể hiện khác nhau, nhưng không một người làm cha, làm mẹ nào lại không cố gắng từng ngày để được hiểu con hơn, để con trưởng thành hơn. Nhưng tình cảm rất cần sự nỗ lực từ hai phía. Hi vọng rằng, học sinh chúng ta – những người làm con cái – cũng sẽ cảm thông, thấu hiểu những tình cảm, những nỗi lo đằng sau mọi hành động của cha mẹ, để từ đó biết yêu thương và chia sẻ. Chân thành cảm ơn BGH Trường Nguyễn Tất Thành đã tổ chức những buổi sinh hoạt như thế này để học sinh chúng con được lắng nghe nhiều hơn!

Nguyễn Thị Dung – 12D5 (CLB Phóng viên)