Vào cuộc cùng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tương trợ tháo gỡ tâm lí phức tạp của tuổi mới lớn là thế mạnh của Phòng Tâm lí. Đứng trước những nhu cầu gỡ rối ngày càng nhiều của học sinh, Câu lạc bộ Tình nguyện viên tâm lí đã ra đời. Đây là ý tưởng, cũng là tâm huyết của cô Mạnh Linh – cán bộ phụ trách Phòng Tâm lí học đường trường Nguyễn Tất Thành.

Phòng tâm lí học đường có ba hoạt động mũi nhọn là: phòng ngừa, phát hiện sớm, và can thiệp đối với những khó khăn tâm lí cho học sinh. Với những hoạt động đó, Phòng Tâm lí đã góp phần đắc lực trong việc tư vấn cho giáo viên và phụ huynh giáo dục và giúp đỡ con cái. Đồng thời, Phòng hỗ trợ giáo dục học sinh bằng tham vấn cho các em nhận diện những khó khăn tâm lí cản trở việc học tập và tìm cách giải quyết hợp lí. Hiện nay, Phòng Tâm lí đang nỗ lực để tư vấn giáo dục, cụ thể là hướng nghiệp cho học sinh khối 12 đạt được hiệu quả tối ưu, với những hoạt động thiết thực như: khám phá bản thân về các giá trị nghề, làm test hướng nghiệp, xây dựng họa đồ nghề, định hướng nghề nghiệp tương lai.

Được sự ủng hộ của Khoa Tâm lí giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Linh đã tập hợp và kết nối 30 sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 có thành tích học tập tốt về trường Nguyễn Tất Thành làm tình nguyện viên. Câu lạc bộ hoạt động liên tục từ tháng 9/ 2013 đến hết tháng 3/2014.

Tăng nguồn nhân lực trợ giúp các công việc của Phòng Tâm lí, tạo cơ hội cho sinh viên được cọ xát thực tiễn, thực tập nghề nghiệp tại trường phổ thông và cho học sinh Nguyễn Tất Thành có thêm nhiều sự giúp đỡ là mục đích của câu lạc bộ. Tin rằng, sinh viên sau đợt tình nguyện này sẽ thu hoạch được nhiều kinh nghiệm quý báu, còn học sinh Nguyễn Tất Thành được giúp đỡ  và chăm sóc tối đa về tâm lí.

Chương trình hoạt động của câu lạc bộ gồm ba mảng cơ bản: thứ nhất: trực phòng (đón tiếp học sinh, giáo viên, phụ huynh đến làm việc với phòng tâm lí); thứ 2: trợ giúp tham vấn nhóm theo chủ đề tháng cho giáo viên chủ nhiệm; thứ 3: trực tiếp đi vào các lớp trao đổi, giúp đỡ một số ca cụ thể với sự cộng tác của giáo viên chủ nhiệm lớp. 2 đến 3 tình nguyện viên sẽ đảm nhận 4 lớp được chia theo tháng khác nhau và nội dung tham vấn nhóm ở các khối cũng khác nhau. Khối 6: phong cách giao tiếp; khối 7: tâm sinh lí tuổi dậy thì; khối 8, khối 10: phương pháp học tập hiệu quả; khối 11: tình yêu, tình bạn và cách ứng phó với stress; khối 9 và 12: hướng nghiệp. Nhìn vào nội dung, rõ ràng câu lạc bộ đã xác định được trọng tâm mục đích và đặc trưng của từng khối lớp – lứa tuổi để tham vấn. Các nội dung này nếu được các tình nguyện viên triển khai bài bản, kiên trì và tập trung chuyên sâu trong một học kì sẽ có những ảnh hưởng tích cực ở học sinh.


Một buổi trao đổi của cô Mạnh Linh với các tình nguyện viên


Hình ảnh tươi tắn của các tình nguyện viên tâm lí

Điều mà chúng tôi quan tâm và chờ đợi là cách thức tiến hành của tình nguyện viên. Dưới sự hướng dẫn của cô Mạnh Linh và sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm các lớp, các sinh viên sẽ thâm nhập thực tiễn và tham vấn như thế nào để tạo niềm tin cậy ở các em học sinh. Vì đây là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự am tường về tâm lí lứa tuổi và độ khéo léo, tinh tế của các kĩ năng sống.

Hiện nay các nhóm tình nguyện viên đã bắt tay vào việc. Trong vòng 5 tháng, họ có nhiệm vụ tiếp cận và tìm hiểu đặc điểm lớp, nắm bắt tình hình và phát hiện những “ca” học sinh gặp khó khăn cần tham vấn về tâm lí để giúp đỡ các em. Thiết nghĩ, từng ấy thời gian đủ cho các tình nguyện viên tạo dựng mối quan hệ thân thiết, kiến tạo niềm tin và tham vấn hiệu quả cho các em học sinh Nguyễn Tất Thành.

Chia sẻ với chúng tôi, một sinh viên nói “Với vai trò là tình nguyện viên, lần đầu tiên về thực tập làm công tác tham vấn ở trường phổ thông, chúng em tâm niệm rằng mình là bạn của các em học sinh, để lắng nghe và chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, học tập của các em”. Đây cũng là điều giáo viên chủ nhiệm tìm kiếm và kì vọng ở các tình nguyện viên tâm lí.

Quan tâm, chăm sóc tâm lí cho bản thân là một ứng xử thể hiện sự trân trọng chính mình. Một trường học coi trọng chăm sóc tâm lí học sinh là một trường học nhân văn. Học sinh cần có thói quen tìm đến và sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lí. Tuy nhiên, chưa phải tất cả các em học sinh đều hiểu đúng giá trị của Phòng Tâm lí học đường. Chúng tôi mong rằng với sự nhiệt tình của sức trẻ, các tình nguyện viên sẽ góp phần làm thay đổi suy nghĩ của các em.

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú