“Xóm thuyền nổi” hay “xóm chài nổi” là cụm từ để chỉ làng Chài bãi giữa sông Hồng - nơi cư trú của hơn 20 hộ dân nghèo. Vào một ngày cuối tháng 5/2015, CLB E4E chúng tôi đã có dịp đi đến đây để trao tặng những phần quà cùng những món đồ quyên góp được cho người dân. Chứng kiến tận mắt hoàn cảnh sống thiếu thốn của các hộ dân nơi đây, chúng tôi không khỏi cảm thấy xót xa.

Có lẽ đã quen sống và học tập ở trung tâm Hà Nội xa hoa nên chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những mảnh đời khốn khổ nơi làng Chài heo hút nằm dưới chân cầu Long Biên. Đúng như tên gọi “xóm thuyền nổi”, nơi đây lênh đênh những con thuyền neo đậu ven bờ cỏ, những “ngôi nhà nổi” giống như những túp lều trên sông tạm bợ...



Hoàn cảnh sống thiếu thốn, nghèo khó ở “xóm thuyền nổi”



Vì sống trên sông nên phương tiện đi lại chỉ là những con thuyền nhỏ

CLB xuống làng Chài vào khoảng 9h sáng - lúc ánh nắng mùa hạ chói chang, gay gắt nhất. Đường xuống nơi đây rất khó đi bởi nó toàn bùn lầy, nhiều rạch nước nhỏ chảy qua và toàn cỏ rậm. Đó là con đường dốc ngăn cách giữa xóm chài nổi và khu dân cư. Tuy chỉ cách nhau một con dốc nhưng tôi có thể thấy rõ ràng sự khác biệt giữa khu làng chài đơn sơ và phố xá sầm uất trên kia.


Rất khó khăn để có thể vận chuyển đồ từ thiện xuống làng

Ở đây, mọi người trong làng đều biết nhau. Thế nhưng, người ta có thể cãi nhau chỉ vì đồ chơi không được chia đều. Tôi nghĩ có lẽ họ đòi hỏi sự công bằng giữa từng nhà. Chứng kiến cảnh họ cãi nhau như vậy, tôi mới thấm thía câu văn của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm Lão Hạc nổi tiếng: “Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Tuy vậy, nhưng tôi tin chắc họ vẫn dành cho nhau tình yêu thương để vượt qua cuộc sống nghèo khó ấy.

Những đứa trẻ ở làng Chài tuy rất vô tư và hồn nhiên nhưng chúng có vẻ “biết điều”. Theo chúng tôi được biết, ở đây nhiều người lớn đi mưu sinh từ sáng đến tập tối nên trẻ con chỉ biết “tự giác” ngủ, chơi. Vì vậy chúng không hề nghĩ đến những món quà sẽ được nhận khi người lớn “đi làm” về mà chỉ mơ ước có được bộ quần áo sạch, nước sạch, đồ ăn sạch... Có lẽ vì thế mà khi chúng tôi phát quà, chúng đón nhận một cách hồ hởi. Dường như niềm vui ấy đã lan dần tới trái tim chúng tôi.



Thật vui khi thấy nụ cười nở trên môi những đứa trẻ!

Thế rồi, thời điểm mà chúng tôi phải chia tay người dân nơi đây đã đến. Sau tầm 2 tiếng bên các bác và các em nhỏ ở làng Chài, các thành viên của E4E đã không khỏi xúc động khi nhìn thấy cuộc sống khốn khó mà họ phải chịu đựng nơi đây. Và chúng tôi nhận được lời cảm ơn từ những người dân, cùng họ chụp một tấm ảnh kỉ niệm - tấm ảnh nhắc nhở chúng tôi rằng hãy cố gắng hơn nữa vì còn đó biết bao cảnh đời không may mắn ngoài kia.


Tấm ảnh kỉ niệm của E4E và người dân “xóm thuyền nổi”

Vậy là chuyến đi đến “xóm chài nổi” của E4E đã kết thúc nhưng tôi chắc chắn với chúng tôi, đây sẽ là một trong những chuyến thiện nguyện đáng nhớ nhất trong đời.

Đặng Phương Hoa – 10D1 (CLB Phóng viên)

Ảnh: FB Hồ Đức Trung